Hội thảo nhằm nắm bắt nhu cầu công nghệ vật liệu mới của khu vực phía Nam, khả năng đáp ứng công nghệ của các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học, từ đó xây dựng được các nhiệm vụ có tính khả thi, thực hiện hiệu quả Chương trình KC.02/21-30.
Hội thảo Chương trình KC.02/21-30 “Xác định nhu cầu và khả năng đáp ứng công nghệ vật liệu tại khu vực phía Nam”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Chủ nhiệm Chương trình KC.02/21-30 nhấn mạnh: “Vật liệu có vai trò quan trọng, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất như cơ khí chế tạo, xây dựng, giao thông vận tải… Hiện nay, ở các quốc gia phát triển trên thế giới đều có ngành công nghiệp vật liệu phát triển. Việc chủ động nghiên cứu, tạo ra các chủng loại vật liệu mới, ngoài mục tiêu chủ động nguồn cung trong nước, giảm nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh nguyên vật liệu. Đặc biệt, khắc phục tình trạng xuất khẩu nguồn tài nguyên khoáng sản thô, giá rẻ… Trong giai đoạn tới, ngành vật liệu cần tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ tiên tiến, chế tạo một số chủng loại vật liệu đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ sản xuất trong nước, đồng thời hình thành và phát triển một số vật liệu ở quy mô công nghiệp có tiềm năng và lợi thế phát triển của Việt Nam, nhằm thay thế nhập khẩu, phục vụ các ngành kinh tế và quốc phòng, an ninh. Chương trình đưa ra một số nhóm sản phẩm công nghệ vật liệu được khuyến khích nghiên cứu và tài trợ kinh phí thực hiện. Cụ thể, các vật liệu tiên tiến như nano, in 3D, quang điện tử, vật liệu từ, vật liệu có tính năng đặc biệt, vật liệu mới…”
GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Chủ nhiệm Chương trình KC.02/21-30 phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tại Hội thảo, đại diện viện nghiên cứu, trường đại học đã giới thiệu một số nghiên cứu về công nghệ vật liệu có thể hợp tác với các doanh nghiệp để đưa vào sản xuất, ứng dụng thực tế như vật liệu nanoxyapatite từ phụ phẩm xương cá, ứng dụng làm chất mang xúc tác chuyển hóa CO2 thành khí nhiên liệu; màng bọc thực phẩm ăn được và kháng khuẩn; nano quang đỏ ứng dụng cho đèn mini/micro WLED; than ép khối từ vỏ sầu riêng, Aerogel từ lá dứa, xơ dừa aerogel trong xử lý nước thải, Silica aerogel composite từ tro trấu và nhựa PET tái chế… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra một số ý kiến về quy trình thủ tục xử lý tài sản sau khi kết thúc nhiệm vụ. vấn đề lựa chọn, hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đề tài…