Thứ năm, 02/11/2023 15:03 GMT+7

Hội thảo “Định hướng khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam”

Ngày 27/10/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.08/21-30 phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng đểm cấp nhà nước và Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên tổ chức Hội thảo “Định hướng khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam”.
Hội thảo nhằm xác định rõ các thách thức và những vấn đề lớn về môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu cần được ưu tiên nghiên cứu tại các tỉnh phía Nam; Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, trao đổi và cập nhật thông tin giữa các tổ chức khoa học, các nhà quản lý từ trung ương đến địa phương để nâng cao chất lượng đề xuất nhiệm vụ và định hướng các sản phẩm khoa học đảm bảo được các mục tiêu của Chương trình KC.08/21-30. 
 
Hội thảo Chương trình KC.08/21-30 “Định hướng KH&CN bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS.Trần Đình Hòa, Chủ nhiệm Chương trình KC.08/21-30 nhấn mạnh, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Dự báo thiên tai ngày càng gia tăng và xảy ra trên khắp các miền của đất nước, cùng với việc ô nhiễm môi trường, cạn kiệt suy thoái tài nguyên, đang là thách thức lớn đối với KH&CN. Mục tiêu của Chương trình KC.08/21-30 nhằm phát triển, ứng dụng, chuyển giao các phương pháp, mô hình, công nghệ tiên tiến nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát, phục hồi và khắc phục sự cố môi trường. Đồng thời, hoàn thiện phương pháp, quy trình, công nghệ dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng - thủy văn nguy hiểm, các loại hình thiên tai điển hình khác ở Việt Nam (xói lở, bồi tụ bờ sông, cửa sông ven biển, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn...). 
 
GS.TS. Trần Đình Hòa, chủ nhiệm Chương trình KC.08/21-30 phát biểu khai mạc Hội thảo.
Các báo cáo khoa học trình bày tại Hội thảo đã tổng quan, đánh giá những tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Nam. Từ đó, các nhà khoa học định hướng một số nội dung trọng điểm cần nghiên cứu bao gồm nghiên cứu cơ chế, chính sách để thực hiện minh bạch hóa trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước; nghiên cứu ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, giải pháp chống sạt lở, lũ quét, đảm bảo an toàn hồ chứa nước, xử lý ô nhiễm môi trường…
 
Báo cáo khoa học định hướng nghiên cứu xử lý chất thải nông nghiệp dựa trên nền tảng kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, Chương trình cần tập trung vào những nghiên cứu bảo tồn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, xử lý chất thải nông nghiệp phù hợp với từng khu vực; nghiên cứu biến động hình thái vùng cửa sông Đồng Nai phục vụ phát triển cảng biển Cần Giờ; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo nhằm giảm nhẹ thiên tai trên biển…
 
Báo cáo định hướng nghiên cứu về thiên tai và tài nguyên nước nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam.
 
Báo cáo thực trạng, thách thức và những vấn đề cần tập trung nghiên cứu về các ô nhiễm môi trường tự nhiên.
Các nhà khoa học tham dự Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến cho định hướng nghiên cứu của Chương trình, đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long, bởi vì đây là khu vực có nhiều thách thức về lũ, ngập nước, lún sụt đất, thiếu nguồn nước ngọt, hạn hán, xâm nhập mặn… Các nhà khoa học đề xuất cần tập trung nghiên cứu biến động lũ Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất cách tính các thông số thiết kế cho vùng lũ; phục hồi hệ sinh thái ven biển; dự báo xâm nhập mặn hằng ngày/tuần/tháng; giải pháp cấp nước cho vùng hạn, mặn; nghiên cứu tác động của việc xây dựng các công trình kiểm soát cửa sông Cửu Long; ước tính lượng khai thác cát hằng năm dựa vào phân tích tự động ảnh viễn thám… Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN tổ chức tập huấn hướng dẫn về các quy định mới về trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; các quy định mới trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Thông qua các báo cáo khoa học và ý kiến góp ý của đại biểu tại Hội thảo, giúp Ban chủ nhiệm Chương trình KC.08/21-30 và các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN xác định được các nội dung nghiên cứu ưu tiên và triển khai Chương trình hiệu quả, đạt mục tiêu, nội dung và sản phẩm nghiên cứu. 
 

Nguồn: Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước

Lượt xem: 1053

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)