Thứ năm, 02/11/2023 14:54 GMT+7

Giới thiệu và định hướng khoa học chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh

Ngày 26/10/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.01/21-30 phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Vụ Công nghệ cao thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức hội thảo “Giới thiệu và định hướng khoa học chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu giới thiệu Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chỉnh phủ số và đô thị thông minh”, mã số KC.01/21-30; thảo luận về một số vấn đề trong chuyển đổi số, chính phủ số, đô thị thông minh, đảm bảo an toàn an ninh thông tin (chuyển đổi số trong dịch vụ công phục vụ phát triển kinh tế, xã hội thời cơ và thách thức; đô thị thông minh hiện tại và tương lai, kỹ thuật số hóa trong đô thị thông minh, giao thông thông minh và vận tải công cộng, quản lý năng lượng và phát triển bền vững, an toàn thông tin và quản trị rủi ro…); giới thiệu một số quy định mới trong quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; trao đổi tiếp nhận những ý tưởng, những vấn đề cấp thiết hình thành nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Chủ nhiệm Chương trình KC.01/21-30 phát biểu: “Chương trình khuyến khích các nhà khoa học làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, thử nghiệm ứng dụng sản phẩm, giải pháp đảm bảo an ninh mạng phục vụ cho Chính phủ số, đô thị thông minh; đối với các nhóm nghiên cứu phát triển đô thị thông minh tập trung nghiên cứu các giải pháp, tiện ích thông minh phục vụ người dân, cùng với việc số hóa, liên thông, tích hợp dữ liệu không gian đô thị vào cơ sở dữ liệu chung. Các giải pháp công nghệ số trong quy hoạch, quản lý, giám sát và vận hành đô thị được ưu tiên”. PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng lưu ý các hướng nghiên cứu ưu tiên cần có sản phẩm ứng dụng và vận hành tốt trên nền tảng của Chính phủ hay đô thị đang hoạt động. Ông cũng kỳ vọng có các cơ chế chính sách, khung kỹ thuật để các giải pháp đưa vào ứng dụng chạy ổn định, không gặp vướng mắc, "đây là cơ sở để hoàn thiện chính sách, khung pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh tại Việt Nam”, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
 
PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Chủ nhiệm Chương trình KC.01/21-30 phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh. Theo ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, để xây dựng chính quyền số, một trong những vấn đề cần làm tốt là quản trị dữ liệu, cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu từ trung ương tới địa phương và liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành.
Ông Võ Minh Thành cho rằng, các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... có thể tự xây dựng dữ liệu cho nhiều lĩnh vực nhưng cần có hướng dẫn xây dựng từ trung ương về các nhóm thông tin, cơ sở dữ liệu để địa phương thực hiện và chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia. Ví dụ dữ liệu cấp phép xây dựng cần có hướng dẫn xây dựng dữ liệu từ Bộ Xây dựng. Điều này giúp TP Hồ Chí Minh hình thành hệ thống dữ liệu cấp phép xây dựng của địa phương, có thể tích hợp và chia sẻ lên cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ quản lý.
 
Ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh báo cáo “Xây dựng chính quyền số tại TP. Hồ Chí Minh”.
PGS.TS Thoại Nam, thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình KC.01/21-30 cho rằng, các nghiên cứu cần đề xuất từ phía địa phương, bởi các tỉnh thành nắm rõ những vấn đề họ gặp phải và đề xuất xây dựng mô hình số phù hợp. Tuy nhiên, theo PGS.TS Thoại Nam, một đề tài không giải quyết hết vấn đề tổng thể, mà chỉ một khía cạnh nhất định.
 
PGS.TS. Thoại Nam báo cáo “Bài toán trong Đô thị thông minh và Chuyển đổi số”.
Từ thực tế này, bà Đặng Vũ Bích Hằng, Khoa Môi trường - Tài nguyên, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đề xuất cần có một chương trình KC mang tính liên ngành để nhà khoa học tham gia vào các dự án thực tiễn cho địa phương.
Phần lớn các ý kiến trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo được Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.01/21-30, đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, đại diện Vụ Công nghệ cao giải đáp, tư vấn và hỗ trợ. Một số nội dung khác, được Ban Tổ chức tiếp thu, ghi nhận và gửi đến các đơn vị thuộc Bộ KH&CN để giải đáp theo phạm vi, chức năng và nhiệm vụ.
Một số báo cáo tham luận được trình bày tại Hội thảo:
 
PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Chủ nhiệm Chương trình KC.01/21-30, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội báo cáo giới thiệu mục tiêu, nội dung Chương trình “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”, mã số KC.01/21-30”.
 
Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước báo cáo “Một số quy định mới trong quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến 2030”
 
Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ báo cáo “Một số điểm mới trong quy định trình tự thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước”.
 

Nguồn: Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước

Lượt xem: 945

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)