Chủ nhật, 05/11/2023 15:50 GMT+7

Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam

Ngày 26/10/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.13/21-30 đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (khu vực phía Nam)” với mục tiêu đánh giá thực trạng triển khai phát triển và ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ (KH&CN) vũ trụ trong phát triển kinh tế - xã hội, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tại khu vực phía Nam; đề xuất một số nội dung nghiên cứu thuộc Chương trình KH&CN vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước nói chung, khu vực phía Nam nói riêng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Lạc Hồng, Chủ nhiệm Chương trình KC.13/21-30 đã nhấn mạnh: Chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ (KC.13) trong giai đoạn tới ưu tiên phát triển hệ thống đẩy, tiến đến làm chủ một số công nghệ chủ chốt trong công nghệ đẩy vệ tinh. Hệ thống đẩy là kỹ thuật phức tạp yêu cầu công nghệ cao. Trước đây, Việt Nam phóng vệ tinh đều phải thuê hệ thống phóng bằng tên lửa của nước ngoài như Pháp, Nhật Bản... với chi phí đắt đỏ. Trong giai đoạn từ 2020 về trước, chương trình KC13 phát triển mẫu tên lửa thử nghiệm TV-01 và TV-02 với mục tiêu bước đầu nghiên cứu hệ thống đẩy cho vệ tinh bằng nguồn lực trong nước. Để làm tên lửa đẩy cần ứng dụng nhiều công nghệ mới, nguồn lực về cơ sở vật chất, con người, chi phí rất lớn. Các mẫu tên lửa trong nước mới chỉ dừng lại việc khẳng định về nguyên lý, cơ sở về tính khả thi với thời gian hoạt động vài chục giây và cần đầu tư nghiên cứu thời gian dài để đạt được kết quả cao hơn, trong giai đoạn tới Chương trình hướng đến những nghiên cứu quy mô hơn.
 
GS.TS Nguyễn Lạc Hồng, Chủ nhiệm Chương trình KC.13/21-30 phát biểu khai mạc Hội thảo.
Theo GS.TS Nguyễn Lạc Hồng, công nghệ vệ tinh là lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam, cần tập trung nguồn lực nghiên cứu, bước đầu làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ nguồn để nghiên cứu chế tạo những vệ tinh phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng... Dựa trên dữ liệu thu thập được từ vệ tinh sau khi phân tích để xác định các yếu tố rủi ro do môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và các mục đích khác. Chương trình KC.13 cũng khuyến khích các nghiên cứu xây dựng hệ thống chụp ảnh, quan trắc bề mặt trái đất, hệ thống vệ tinh khí tượng; ưu tiên các nghiên cứu hoàn thiện cơ sở dữ liệu viễn thám quy mô quốc gia và khu vực, xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn gần thời gian thực trong phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...
Tại Hội thảo, một số Báo cáo tham luận đã được trình bày:
 
PGS.TS Ngô Khánh Hiếu (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) trình bày “Một số kết quả đã triển khai của chương trình ứng dụng drone trong hoạt động quản lý nhà nước tại thành phố Thủ Đức”.
 
  
TS Nguyễn An Bình (Viện Địa lý tài nguyên TP Hồ Chí Minh) đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo “Khai thác dữ liệu viễn thám trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường phục vụ phát triển bền vững. Kế thừa các thành tựu đã đạt được từ các đề tài thuộc Chương trình công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020 và đề xuất các nghiên cứu trong tương lai”.
 
TS. Lâm Đạo Nguyên (Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ TP.HCM) trình bày báo cáo “Hoạt động nghiên cứu ứng dụng viễn thám khu vực phía Nam của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam”.
 
TS Nguyễn Văn Hồng (Phân viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu) đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo “Ứng dụng công nghệ vũ trụ trong lĩnh vực Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu”.
 
PGS.TS. Lê Trung Chơn (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) trình bày báo cáo “Ứng dụng GIS và Viễn thám phục vụ quản lý đô thị thông minh. Áp dụng cho Quận 12, TP.HCM”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp những ý kiến tập trung vào các nghiên cứu cụ thể như ứng dụng viễn thám đa nguồn, đa thời gian phục vụ giám sát và dự báo sớm hạn hán, thiếu nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Định lượng các đặc tính hình thái và hóa sinh từ dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất phục vụ canh tác lúa thích ứng với biển đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sinh kế nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển giải pháp giám sát toàn diện rừng ngập mặn ven biển Việt Nam từ dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất...
 
Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Phần lớn các ý kiến trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo được đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Vụ Công nghệ cao, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.13/21-30 giải đáp, tư vấn và hỗ trợ. Một số nội dung khác, được Ban tổ chức tiếp thu, ghi nhận và gửi đến các đơn vị thuộc Bộ KH&CN để giải đáp theo phạm vi, chức năng và nhiệm vụ.
 
 

Nguồn: Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước

Lượt xem: 1087

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)