Thứ ba, 31/10/2023 09:53 GMT+7

Thương mại hóa và quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu dành cho thành viên Mạng lưới TISC

Để những thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) được ứng dụng rộng rãi và khai thác hiệu quả cần có sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nữa của cả hệ thống KH&CN, trong đó, các trường đại học, viện nghiên cứu - nơi đầu nguồn của sự sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng.

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp cùng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thương mại hóa và quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) trong trường đại học, viện nghiên cứu dành cho thành viên Mạng lưới TISC (Các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo)”. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục SHTT, Sở KH&CN TP. HCM, Trường Đại học Nông lâm TP. HCM, chuyên gia về định giá TSTT và gần 100 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu là thành viên của Mạng lưới TISC theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh, chưa bao giờ hoạt động KH&CN, phong trào đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp nhận được sự quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ từ Chính phủ đến các trường đại học, viện nghiên cứu như hiện nay. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc làm sao để những thành tựu, kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng rộng rãi và khai thác hiệu quả, giúp nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn.

Để vượt qua thách thức này, theo TS. Trần Lê Hồng cần có sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nữa của cả hệ thống KH&CN, mà trong đó, các trường đại học, viện nghiên cứu - nơi đầu nguồn của sự sáng tạo đóng một vai trò hết sức quan trọng. Dưới góc độ là cơ quan điều phối hoạt động của Mạng lưới TISC, Cục SHTT luôn sẵn sàng hỗ trợ các thành viên tiếp cận những mô hình thương mại hóa thành công của Mạng lưới TISC toàn cầu và khuyến khích các thành viên chủ động chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, trao đổi với nhau nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt.

Đại diện Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số lượng và chất lượng các công bố nghiên cứu khoa học của Việt Nam liên tục ghi nhận những kết quả tích cực, tuy nhiên vấn đề SHTT lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, đặc biệt việc thương mại hóa hay chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, các trường đại học, viện nghiên cứu là nguồn cung lớn các kết quả sáng tạo, TSTT có giá trị. Do vậy, việc nâng cao năng lực về SHTT cho đội ngũ cán bộ của các viện, trường trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo tri thức, đăng ký và thương mại hóa các TSTT là yêu cầu bức thiết của các trường, viện trong bối cảnh ngày nay.

“Hội thảo không chỉ chia sẻ kiến thức mà còn là cơ hội để các thành viên mạng lưới TISC kết nối, hỗ trợ, cùng nhau phát triển hoạt động thương mại hóa, quản trị TSTT, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ SHTT thế giới”, PGS.TS. Đàm Sao Mai cho biết thêm.

Tại Hội thảo, từ góc độ cơ quản lý nhà nước, TS. Trần Lê Hồng đã trình bày tham luận những chính sách, quy định pháp luật mới về SHTT nhằm tháo gỡ những nút thắt trong quá trình đưa sản phẩm trí tuệ từ viện, trường đến thị trường, khuyến khích các cơ quan chủ trì nhiệm vụ KH&CN chủ động đăng ký, khai thác các TSTT. Trong phần trình bày của mình, ông Võ Hưng Sơn - Trưởng phòng Quản lý KH&CN cơ sở, Sở KH&CN TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những lưu ý đối với các viện, trường trong thương mại hóa các kết quả nghiên cứu hình thành từ ngân sách nhà nước, đề xuất giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác theo mô hình “ba nhà” nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm.

Các đại biểu cũng được nghe phần chia sẻ của PGS.TS. Dương Nguyên Khang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao KH&CN, Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM về những kinh nghiệm của Trường trong quá trình thương mại các kết quả nghiên cứu. Hoạt động nghiên cứu của Trường luôn xuất phát từ nhu cầu thực tế, giải quyết những bất cập trong hoạt động nông lâm nghiệp để từ đó đưa kết quả nghiên cứu sớm được ứng dụng, khai thác thương mại.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia định giá TSTT, ông Nguyễn Kim Đức - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển vùng, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM đã chia sẻ những góc nhìn thú vị trong hoạt động thẩm định giá TSTT thông qua những kinh nghiệm thực tế mà tác giả đúc kết được qua thời gian dài nghiên cứu, phát triển và áp dụng. Theo ông Nguyễn Kim Đức, việc bất cân xứng về thông tin sáng chế là yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc thẩm định giá sáng chế. Do đó, để giá trị của sáng chế được xác định một cách xác đáng nhất, các nhà khoa học, các tác giả sáng chế nên và cần có sự trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với thẩm định viên trong lĩnh vực định giá.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi và làm rõ các quy định liên quan đến chính sách mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, kinh nghiệm xây dựng và vận hành Trung tâm chuyển giao công nghệ trong viện, trường.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng, Trường đại học Công nghiệp TP. HCM phát biểu chào mừng Hội thảo.

Ông Võ Hưng Sơn - Trưởng phòng Quản lý KH&CN cơ sở, Sở KH&CN TP. HCM, trình bày vấn đề “Thương mại hoá kết quả nghiên cứu: các vấn đề cần lưu ý đối với các trường đại học, viện nghiên cứu từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước”.

PGS.TS. Dương Nguyên Khang - Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ Kinh nghiệm Thương mại hoá kết quả nghiên cứu: Thành công Thất bại.

Các đại biểu tham dự.

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 878

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)