Thứ hai, 30/10/2023 09:48 GMT+7

Hội thảo vùng về các yêu cầu trong vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ

Trong chương trình hoạt động của Mạng An toàn hạt nhân châu Á (ANSN) năm 2023, mới đây, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức “Hội thảo vùng về các yêu cầu trong vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ” nhằm nâng cao hiểu biết và thảo luận về các yêu cầu an toàn quốc tế hiện nay có thể áp dụng trong vận chuyển vật liệu phóng xạ.
Tham dự khai mạc Hội thảo, về phía các cơ quan hữu quan của Việt Nam có: ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Viện trưởng Viện KH&KTHN chủ trì Hội thảo; ông Nguyễn An Trung, Quyền Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), thành viên Ban chỉ đạo quốc gia ANSN; bà Bùi Thị Thùy Anh, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, thành viên Ban chỉ đạo quốc gia ANSN; Các đại biểu chính thức tham dự Hội thảo gồm có: 01 đại diện IAEA, 02 chuyên gia đến từ Vương quốc Anh và Cộng hòa Ý và các đại biểu đến từ 08 nước thành viên (Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam).
 
Khách mời, chuyên gia, các đại biểu và Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm.
Tại Hội thảo, các vấn đề về an toàn trong vận chuyển vật liệu phóng xạ đã được nêu rõ trong các bài giảng, báo cáo và thảo luận dưới sự điều phối của các chuyên gia. Các chủ đề chính đã được đề cập trong các ngày làm việc của Hội thảo bao gồm:
-Khung pháp lý quốc tế về vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ;
-Quy định của IAEA về vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ SSR-6 (Rev.1);
-Quy trình triển khai các tiêu chuẩn an toàn vận chuyển của IAEA;
-Chức năng quản lý để đảm bảo tuân thủ quy định SSR-6 (Bản sửa đổi 1) bao gồm cả ủy quyền đối với các gói hàng và lô hàng;
-Đánh giá thực trạng hoạt động đảm bảo tuân thủ của các cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia;
-Thảo luận về những giải pháp khả thi để tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ANSN và vai trò của các nước trong khu vực trong việc vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ.
Sau phần phổ biến thông tin liên quan, hướng dẫn thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận nhóm và báo cáo kết quả thực hành tại Hội thảo. Các bài thuyết trình của đại diện các quốc gia tham đã tập trung vào cách thực hiện và hài hòa hóa các quy định quốc gia với các tiêu chuẩn và thông lệ an toàn quốc tế cũng như các vấn đề thực tiễn để đảm bảo tuân thủ quy định SSR-6 (Rev.1) bằng cách áp dụng phương pháp phân loại, ví như loại chất phóng xạ được vận chuyển, loại kiện hàng được thiết kế và sử dụng, phê duyệt được cấp cho các kiện hàng và lô hàng, các biện pháp kiểm soát người vận chuyển và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Các hoạt động diễn ra tại Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích và thiết thực cho việc xây dựng và bổ sung các yêu cầu về đảm bảo an toàn, an ninh trong vận chuyển vật liệu phóng xạ. Đây cũng là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý của Việt Nam rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp lý, các nhân viên kỹ thuật tích lũy được kinh nghiệm kiểm soát trong vận chuyển vật liệu phóng xạ nhằm góp phần tạo dựng một môi trường an toàn hạt nhân trong các cơ sở làm việc với vật liệu hạt nhân.
Tham dự và phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện KH&KTHN, thay mặt cho cơ quan chủ trì chúc mừng Hội thảo đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Nhân dịp Hội thảo, ông Phạm Đức Khuê cũng trân trọng cảm ơn IAEA đã hỗ trợ Việt Nam và các nước thành viên khác trong việc triển khai các ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, đặc biệt đối với an toàn, an ninh và các biện pháp bảo vệ.
Một số hình ảnh về Hội thảo:
 
Chuyên gia IAEA chia sẻ thông tin liên quan đến vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ.
Thảo luận nhóm.
Đại diện quốc gia (Malaysia) báo cáo tại Hội thảo.
Đại diện quốc gia (Indonesia) báo cáo tại Hội thảo.
Đại diện quốc gia (Philippines) báo cáo tại Hội thảo.

 

Nguồn: Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 814

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)