Thứ sáu, 30/06/2023 14:20 GMT+7

VinAtom và KHNP ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

Ngày 22/6/2023, nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Công ty TNHH Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (Korea Hydro & Nuclear Power – KHNP – công ty con thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VinAtom) nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực hệ thống năng lượng hạt nhân tiên tiến bao gồm Lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR).

Theo MOU này, hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu trong một số lĩnh vực: Công nghệ hạt nhân và các vấn đề an toàn; Tính bền vững và linh hoạt của các hệ thống năng lượng hạt nhân tiên tiến bao gồm cả SMR hướng tới đưa phát thải ròng toàn cầu về không; Tích hợp SMR trong hệ thống năng lượng hỗn hợp; Nghiên cứu quy trình cấp phép cho hệ thống năng lượng hạt nhân tiên tiến bao gồm cả SMR; Phát triển nguồn nhân lực; Các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm.

Tham dự Lễ ký, về phía KHNP có ngài Hwang Joo-ho, Chủ tịch Công ty KHNP cùng đại diện các đơn vị trực thuộc KHNP. Về phía VinAtom có ông Trần Chí Thành, Viện trưởng; ông Đỗ Hồng Giang, Phó Viện trưởng cùng Lãnh đạo Văn phòng, Ban Hợp tác quốc tế, Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và các cán bộ có liên quan…
 

 Lễ ký MOU, Ngài Hwang Joo-ho, Chủ tịch KHNP và Tiến sỹ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Tại Lễ ký, đại diện của KHNP đã giới thiệu về tình hình phát triển của Công ty. Theo đó, KHNP là công ty vận hành điện lớn nhất Hàn Quốc hiện nay với 12.629 nhân viên, cung cấp tới 28,24% tổng sản lượng điện nội địa tại Hàn Quốc. KHNP là công ty dẫn đầu về công nghệ năng lượng sạch có hoạt động hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc như KAERI, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO)…
 

Đại diện KHNP trình bày tại Lễ ký kết

Sự phát triển của Lò phản ứng mô-đun nhỏ cải tiến (i-SMR) cũng được đại diện phía Hàn Quốc giới thiệu. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện sạch ngày càng tăng cao nhằm hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 năm 2050 của nhiều quốc gia trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ SMR ngày càng cho thấy lợi ích của nó. Tại Cuộc họp, phía Hàn Quốc đã giới thiệu cho các cán bộ Việt Nam những thông tin liên quan tới thiết kế và các thông số kỹ thuật của i-SMR do KHNP nghiên cứu.

Đại diện cho VinAtom, ông Hoàng Sỹ Thân, Trưởng ban Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học đã trình bày bài giới thiệu tổng quan và tình hình R&D của VinAtom:  Những mốc lịch sử quan trọng; Chức năng nhiệm vụ; Cơ cấu tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc; Các thế mạnh khoa học và công nghệ: Nghiên cứu cơ bản về hạt nhân; Nghiên cứu phát triển điện hạt nhân; Khôi phục, mở rộng và vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; An toàn bức xạ và hạt nhân; Nghiên cứu chế tạo nhiên liệu vật liệu hạt nhân; Công nghệ bức xạ; Y học hạt nhân; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp; Nghiên cứu phóng xạ môi trường; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Hợp tác quốc tế; Tiến trình xây dựng dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (CNST)…
 

Ông Hoàng Sỹ Thân, Trưởng ban Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học giới thiệu về VinAtom

Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Kể từ đó đến nay, đã có tổng cộng hơn 156.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Hàn và hơn 211.000 sinh viên Hàn Quốc học tập tại Việt Nam (số liệu do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cung cấp). Năm 2014-2015, Bộ Công Thương và Năng lượng Hàn Quốc cùng Công ty KHNP-CRI đã tổ chức Chương trình hợp tác về Phát triển nguồn nhân lực hạt nhân tại trường Đại học Đà Lạt, Việt Nam. Những cán bộ tham gia chương trình này đã được nâng cao trình độ năng lực thông qua một chương trình giáo dục dài hạn.
 

Các đại biểu tham dự Lễ ký kết

Theo đại diện của cả hai bên, việc ký kết MOU này đánh dấu một mốc phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Trên cơ sở MOU, hai bên sẽ cùng nhau xây dựng kế hoạch hợp tác chi tiết trong thời gian tới. Hai bên hy vọng rằng trong tương lai, những ứng dụng của năng lượng nguyên tử sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 mà Chính phủ hai nước đã cam kết tại Hội nghị COP26.

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1412

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)