Tại buổi gặp, ông Shirakawa Tomoaki đã tóm tắt về chính sách năng lượng và cập nhật tình hình tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản. Ông cho biết, Nhật Bản là một trong những quốc gia chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Từ tháng 7/2012, khi cơ chế giá mua ổn định cho năng lượng tái tạo (cơ chế FIT - Feed-in Tariff) được áp dụng, công nghệ điện mặt trời đã phát triển mạnh ở Nhật Bản, với tổng công suất phát điện đứng thứ 3 thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Mỹ) và công suất năng lượng mặt trời ở đồng bằng đứng đầu thế giới.
Ông Shirakawa Tomoaki trao đổi về chương trình năng lượng của Nhật Bản
Trong bối cảnh là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về lượng phát thải cacbon (theo thống kê năm 2019), Nhật Bản đã thực hiện nhiều nỗ lực để cắt giảm cacbon. Tuy nhiên, đến năm 2021, việc sử dụng điện từ các nguồn phát điện truyền thống như than đá, nhiệt điện, thủy điện vẫn còn tương đối cao. Điều này cũng tác động khá lớn tới giá điện trung bình tại Nhật Bản, đặc biệt là sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra gây ảnh hưởng tới tình hình cung cấp năng lượng trên toàn cầu thì giá điện cũng tăng vọt vào năm 2022.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Nhật Bản cùng Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã cam kết đưa mức phát thải ròng CO2 về 0 vào năm 2050. Để thực hiện cam kết này, tháng 5/2023, Nhật Bản đã thông qua Sáng kiến Chuyển đổi xanh (GX-Green Transformation) với các giải pháp chính là thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn điện chính, sử dụng điện hạt nhân, v.v.
Theo ông Shirakawa Tomoaki, Nhật Bản đang tiếp tục thực hiện lộ trình tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân đạt tiêu chuẩn (hiện nay 10 tổ máy điện hạt nhân đã được tái khởi động và đang vận hành, chiếm 6,6% sản lượng điện). Đồng thời, nước này cũng xem xét kéo dài tuổi thọ cho các nhà máy điện hạt nhân lên 60 năm sau khi tiến hành các đánh giá nghiêm ngặt về mức độ an toàn; nghiên cứu để đưa ra các thiết kế mới tiên tiến và tiếp tục xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân để có thể đưa tỷ lệ điện hạt nhân đạt khoảng 20 - 22% trong cơ cấu điện năng năm 2030.
Cục trưởng Trần Bích Ngọc phát biểu tại buổi tiếp
Bà Trần Bích Ngọc cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác của JINED với các cơ quan của Việt Nam về hoạt động đào tạo nhân lực và thông tin trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử giai đoạn qua. Bà Trần Bích Ngọc cũng cho biết, Việt Nam hiện đang nghiên cứu thực hiện các chính sách về năng lượng nhằm đạt được mục tiêu Net-Zero như Hội nghị COP26 đã đề ra và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác trong những lĩnh vực mà JINED có nhiều kinh nghiệm.
Ông Shirakawa Tomoaki cảm ơn sự hợp tác của Cục NLNT và bày tỏ mong muốn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong tương lai./.