Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một giải thưởng đơn thuần, góp phần nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế quốc dân.
Để hiểu rõ hơn về những lợi ích của doanh nghiệp khi tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).
Thưa ông, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài với vai trò là đại diện tiếng nói của đông đảo doanh nghiệp, ông nhìn nhận gì về vai trò của Giải thưởng đối với doanh nghiệp hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Toàn: GTCLQG hiện nay đã khẳng định vị thế là giải thưởng cao quý nhất cho doanh nghiệp, được Chính phủ trao tặng cho doanh nghiệp. Nhìn vào tiêu chí của giải thưởng, có thể thấy, giải thưởng tạo ra các tiêu chuẩn lý tưởng cho doanh nghiệp hướng tới.
Trên thực tế, trong nhiều năm nay, số lượng doanh nghiệp tham gia giải thưởng ngày càng tăng, thậm chí có rất nhiều doanh nghiệp dù đã nhiều lần đạt giải Vàng nhưng vẫn theo đuổi và tiếp tục tham gia Giải thưởng. Điều này cho thấy bản thân các doanh nghiệp đánh giá cao và rất coi trọng giải thưởng này cũng như bản thân giải thưởng mang lại nhiều lợi ích, tác động tốt tới doanh nghiệp.
Có thể thấy, việc Chính phủ giao Bộ KH&CN phụ trách tổ chức giải thưởng là hoàn toàn hợp lý và Bộ KH&CN đã làm rất tốt vai trò đơn vị tổ chức. Việc đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí mang tầm phổ quát chứ không chỉ dựa trên khía cạnh khoa học công nghệ. Các tiêu chí của giải thưởng rải đều trên nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố có ảnh hưởng tới quá trình phát triển của doanh nghiệp từ tư duy lãnh đạo, tư duy quản lý, tri thức, công nghệ, đầu ra, đầu vào của sản phẩm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
GTCLQG được xây dựng dựa trên mô hình giải thưởng ở Mỹ và thực tế cho thấy các doanh nghiệp tiên tiến tại Mỹ cũng tham gia giải thưởng rất nhiều và thông thường chỉ đạt 70-80 điểm trên tổng số điểm đề ra trong tiêu chí xét giải. Có thể nói, không chỉ Việt Nam, giải thưởng tạo ra mô hình lý tưởng cho doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí xét chọn giải thưởng.
Khi tham gia GTCLQG, cái lợi đầu tiên là doanh nghiệp tự soi chiếu, nhìn lại mình xem doanh nghiệp đang ở vị trí nào, điểm nào đã làm được, điểm nào chưa tốt hoặc chưa làm được. Khi đưa ra bản tiêu chí của giải thưởng, lãnh đạo doanh nghiệp chỉ cần nhìn vào là biết ngay thực trạng của mình.
Vậy, doanh nghiệp đạt được những lợi ích gì khi tham gia GTCLQG, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Tôi thấy khi tham gia GTCLQG, doanh nghiệp đạt được lợi ích kép. Một là doanh nghiệp đạt giải thưởng được vinh danh và nâng cao uy tín, thương hiệu. Hai là doanh nghiệp biết được vị trí của mình đang ở đâu để tự soi chiếu và hoàn thiện.
Tuy nhiên, có một điều tôi thấy tiếc là giải thưởng rất cao quý nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia chưa tương xứng, công tác truyền thông cho GTCLQG chưa đủ mạnh. Khi làm việc với doanh nghiệp, chúng tôi phải chuẩn bị bộ tài liệu vô cùng thực chất, kéo dài cả trăm trang giấy, dù điều này đôi khi là rào cản nhưng theo tôi vẫn nên giữ nguyên tiêu chí và bộ tài liệu với độ khó cao để nâng cao chất lượng doanh nghiệp dự giải. Sắp tới, tôi nghĩ nên đẩy mạnh thêm công tác truyền thông cho giải thưởng để đến với nhiều doanh nghiệp hơn.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). (Ảnh: Hán Hiển)
Được biết, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang gặp vô vàn khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 cũng như tác động bất lợi từ tình hình chung cả trên thế giới và trong nước. Theo ông, GTCLQG sẽ hỗ trợ và giúp ích gì cho DN để vượt qua khủng hoảng này?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Thời gian qua, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, có thể nói doanh nghiệp thời điểm này mới “ngấm” Covid-19. Cuộc khủng hoảng chính trị toàn cầu cũng dẫn tới hệ quả là công tác bảo hộ nguồn lực trong nước tăng lên, dẫn tới giao thương bị hạn chế, doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu vào do nguồn cung công nghệ suy giảm, việc xuất khẩu công nghệ sang nước khác bị hạn chế, nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, công nghệ để vận hành sản xuất.
Có một điều đáng buồn là từ cuối năm 2022 tới 6 tháng đầu năm 2023 số lượng doanh nghiệp giải thể lại nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Nếu tình trạng này không thay đổi, không có giải pháp tất nhiên sẽ có nhiều hệ luỵ như lao động thất nghiệp tăng, nền kinh tế bị suy thoái.
Quay lại câu chuyện với các doanh nghiệp tham gia GTCLQG, có thể đánh giá đây là những doanh nghiệp có sức chống chịu tốt. Theo khảo sát thì hiện chưa có doanh nghiệp nào tham gia giải thưởng phải giải thể trong thời gian vừa rồi vì họ có hệ thống tốt.
Các doanh nghiệp khi tham gia giải thưởng có sức khoẻ toàn diện, do vậy, dù dịch bệnh hay bão tố gây khó khăn thì họ vẫn chống chịu được, kể cả đó là Covid-19 hay khó khăn gì chăng nữa. Đặc biệt, tiêu chí của giải thưởng cũng nhấn mạnh việc phát triển bền vững doanh nghiệp (từ quản trị đầu vào, đầu ra, quá trình sản xuất, tầm nhìn, chiến lược của lãnh đạo) nhờ đó doanh nghiệp có thể vượt qua đại dịch.
Thời gian qua, chúng tôi đã kiểm tra, đánh giá nhiều doanh nghiệp, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh chúng tôi thấy có doanh nghiệp trong dịch thực hiện 3 tại chỗ rất tốt, vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh bình thường, đó là điều tuyệt vời. Vì rõ ràng, riêng với doanh nghiệp tham gia giải thưởng, tiêu chí đã đề cập cả việc doanh nghiệp phải có phương án đề phòng rủi ro. Nhìn thoáng qua, những tiêu chí của giải thưởng có vẻ xa vời nhưng rất thiết thực với doanh nghiệp, đặc biệt là hướng doanh nghiệp tới sự hoàn thiện, vượt qua các khó khăn.
Thưa ông, trong quá trình sát cánh cùng doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ những khó khăn và thuận lợi của DN khi tham gia GTCLQG? Ông có những gợi mở gì giúp các doanh nghiệp giải quyết được những khó khăn đó và tham gia nhiều hơn với giải thưởng?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Theo tôi đánh giá, các tiêu chí cho doanh nghiệp tham gia giải thưởng rất khó. Thực tế chúng tôi đi tuyên truyền có doanh nghiệp nói giải thưởng tiêu chí khó như thế liệu chúng tôi là đơn vị nhỏ có tham gia và có cơ hội đạt giải hay không. Tuy nhiên, chúng tôi cũng giải thích rõ cho doanh nghiệp rằng, giải thưởng có cơ cấu rất rộng, bao gồm tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Thậm chí, có những doanh nghiệp sau khi đạt giải Vàng, chúng tôi đề xuất tham dự Giải thưởng Chất lượng Châu Á-Thái Bình Dương thì đều đạt giải của khu vực. Điều này cho thấy GTCLQG có tầm vóc, uy tín lớn, là danh hiệu cao quý cho doanh nghiệp để vươn ra thế giới.
Đối với doanh nghiệp, khó khăn khi tham gia là để đáp ứng tiêu chí giải thưởng doanh nghiệp phải thay đổi, phấn đấu rất nhiều, trải qua nhiều bước, nhiều cơ quan thẩm định, từ hội đồng địa phương tới quốc gia, quy trình khó khăn không giống các giải phong trào khác (tiêu chí đơn giản, không mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp).
Quan điểm của Bộ KH&CN là giữ vững vị thế, uy tín của giải thưởng, do đó chúng ta không xã hội hoá giải thưởng dù còn khó khăn về kinh phí. Tiêu chí giải thưởng khó càng khiến doanh nghiệp khi đạt giải cảm thấy mình xứng đáng, tự hào và giải thưởng thực sự mang lại sự thay đổi tích cực và giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.
Để tăng cường truyền thông và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giải thưởng, cần có sự vào cuộc cả hệ thống, Nhà nước và nhân dân cùng làm, đặc biệt cần có kế hoạch nuôi dưỡng doanh nghiệp theo các tiêu chí của giải thưởng, khi họ đã hoàn thiện sẽ tham gia dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần sự kết hợp, chung tay của không chỉ các Chi cục, Sở KH&CN mà còn các đơn vị, bộ ngành khác ví dụ như Sở Công Thương, Bộ Công Thương.
Theo đề xuất của tôi, Bộ KH&CN cần làm việc với các tỉnh để chỉ đạo các đơn vị liên quan vận động, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia GTCLQG, coi giải thưởng là thước đo để các tỉnh “cạnh tranh”, phấn đấu vì đây là giải thưởng cao quý cấp quốc gia, tỉnh nào có nhiều doanh nghiệp đạt giải thì càng khẳng định được vị thế của tỉnh.
Ông nhận định như thế nào về khả năng đáp ứng các tiêu chí của GTCLQG và Giải thưởng quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương đối với doanh nghiệp Việt Nam. Điểm yếu của doanh nghiệp Việt nằm ở đâu so với các doanh nghiệp nước ngoài khi áp dụng các tiêu chí này?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Đây là câu hỏi khá hay. Hiện nay, việc tiếp nhận doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã có chọn lọc do vị thế của chúng ta trên trường quốc tế đã khác xưa rất nhiều. Các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam phần nhiều là doanh nghiệp có hệ thống quản lý và công nghệ tốt, họ có nền tảng do xuất phát từ các nước trình độ cao hoặc được thừa hưởng sự hỗ trợ, đầu tư của công ty mẹ, các công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Bởi vậy, khi mình đưa các tiêu chí để vận động doanh nghiệp tham gia giải thưởng họ chỉ nhìn qua là biết có rất nhiều điểm đáp ứng tốt tiêu chí. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thường phản hồi là tiêu chí giải thưởng khó.
Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu giải thưởng, chúng tôi cũng giải thích và hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc tiếp cận tiêu chí giải thưởng. Phải khẳng định mục tiêu của giải thưởng không phải để doanh nghiệp có được một danh hiệu mà để doanh nghiệp hoàn thiện chính mình.
Tôi nghĩ cơ quan nhà nước cần có kế hoạch nuôi dưỡng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển tốt, đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí mà giải thưởng đề ra. Phải tạo nên một phong trào tham gia giải thưởng ở các địa phương, các tỉnh với nhau.
Xin trân trọng cảm ơn ông!