GTCLQG Việt Nam được hình thành dựa trên mô hình GTCLQG của Hoa Kỳ đã có từ năm 1988. Trong quá trình phát triển, các tiêu chí của GTCLQG của Hoa Kỳ được cập nhật liên tục, dựa trên nền tảng hệ thống quản lý chất lượng cũng như nguyên tắc quản lý chất lượng tiên tiến theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới.
Tại nước ta, GTCLQG tác động đến nhiều đối tượng, đối tượng thứ nhất là cơ quan quản lý nhà nước – cơ quan tổ chức và điều hành GTCLQG tại trung ương và địa phương; đối tượng thứ 2 là doanh nghiệp – những người áp dụng trực tiếp mô hình giải thưởng; đối tượng thứ 3 là người tiêu dùng và xã hội – được hưởng lợi từ việc áp dụng của doanh nghiệp cũng như định hướng phát triển hoạt động giải thưởng từ trung ương đến địa phương.
Lễ trao GTCLQG năm 2019-2020.
Theo ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Tiêu Chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) - Ủy viên Thư kí Hội đồng GTCLQG, trong quá trình hình thành và phát triển, hoạt động giải thưởng của chúng ta đã có nhiều thay đổi phù hợp từ chính 3 đối tượng nêu trên.
Đơn cử như đối với cơ quan quản lý nhà nước, về mặt chủ trương, chính sách, đặc biệt là hệ thống văn bản liên quan đến GTCLQG có nhiều thay đổi. Ví dụ, năm 2019, Bộ KH&CN đã xây dựng Thông tư 27 hướng dẫn chi tiết Nghị định 78 liên quan đến hoạt động GTCLQG nói riêng cũng như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung. Thông tư 27 có một số thay đổi cơ bản, trước tiên là thay đổi liên quan đến hình thành các Hội đồng sơ tuyển. Trước đây, Hội đồng sơ tuyển chỉ được thành lập ở địa phương đến nay theo Thông tư 27 được thành lập ở các bộ, ngành.
Mục đích chính của thay đổi này là lôi cuốn sự tham gia và nâng cao hiệu quả tham gia của các bộ, ngành vào GTCLQG. Nghĩa là các bộ, ngành cũng quản lý hoạt động doanh nghiệp và bản thân mỗi bộ, ngành cũng có doanh nghiệp mà do bộ, ngành đó trực tiếp quản lý. Việc tham gia của các bộ, ngành nhằm thúc đẩy sự tham gia của lực lượng doanh nghiệp, là tín hiệu tích cực bởi đồng thời vừa đảm bảo lôi cuốn doanh nghiệp, vừa nâng cao vị trí, vai trò của các bộ, ngành tham gia trực tiếp vào GTCLQG.
Thứ hai, trước kia ở địa phương thường chú trọng đến các hình thức tham gia GTCLQG. Tuy nhiên hiện nay, ngoài việc chú trọng đến phong trào thì địa phương rất quan tâm đến việc lựa chọn doanh nghiệp từ bước ban đầu.
Các đối tượng phân rất rõ như: Với đối tượng chưa đủ điều kiện để được trao giải thì địa phương sẽ định hướng doanh nghiệp áp dụng GTCLQG như một mô hình công cụ quản lý, giúp doanh nghiệp nhận diện điểm yếu, khoảng trống, khoảng cách khiến họ chưa đạt được GTCLQG.
Đồng thời, địa phương sẽ dùng các chính sách hỗ trợ tại địa phương như hỗ trợ tham gia chương trình năng suất tại địa phương để doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến và nhiều biện pháp khác để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, rút ngắn dần khoảng cách tiến đến GTCLQG. Sau khoảng thời gian 1 – 2 năm hoặc một khoảng thời gian nhất định, doanh nghiệp sẽ đủ điều kiện tham gia GTCLQG.
Với doanh nghiệp đạt giải thì phải có cơ chế khuyến khích, ví dụ như sau khi đạt giải thì quyền lợi của doanh nghiệp là gì, tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giải thưởng. Nhưng điều quan trọng hơn hết chính là xây dựng các mô hình điểm, mô hình thực hành tốt để các doanh nghiệp tại địa phương hướng đến học hỏi và chia sẻ. Hiện tại nhiều địa phương đang làm rất tốt mô hình này.
Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mong muốn ngoài việc mở rộng tiêu chí áp dụng cho khối doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thì mở rộng thêm các nhóm đối tượng khác như y tế, giáo dục, các cơ quan trong hệ thống chính trị,... vì ở các nước thì đối tượng này đã được tham gia và cũng có những tiêu chí riêng để đánh giá. Đây cũng là cách tiếp cận mới mà chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian tới Tổng cục với tư cách là cơ quan đầu mối, cơ quan thường trực về GTCLQG sẽ có định hướng mới trong Chương trình năng suất chất lượng.
Một điểm mới nữa là năm 2022, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 13 liên quan quy định về định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động GTCLQG. Mục đích để làm cơ sở cho việc xây dựng kinh phí cho hoạt động GTCLQG không chỉ ở trung ương mà còn ở các địa phương.
“Đây là vấn đề rất quan trọng vì từ trước đến nay tại địa phương cũng vướng mắc trong việc huy động nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho GTCLQG. Do đó, bản thân Thông từ 13 cũng là một giải pháp nhằm một phần gỡ bỏ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề kinh phí triển khai GTCLQG tại trung ương và địa phương”, ông Trường thông tin./.