Thứ ba, 30/05/2023 16:21 GMT+7

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm thi hành cam kết về loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đang đàm phán như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP, Hiệp định ASEAN… Bên cạnh đó, cũng sẽ rà soát, sửa đổi những điều khoản, quy định có vướng mắc lớn, chưa phù hợp thực tiễn quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội trong thực tiễn gần 14 năm thi hành Luật.

Một số giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thứ nhất là giải pháp hoàn thiện thể chế: Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng như: Nghiên cứu, bổ sung quy định về khái niệm Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện nhằm nâng cao Chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam trong đánh giá, xếp hạng Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index, GQII) trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Về xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2), quy định cụ thể hơn nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa. Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm).

Về hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, rà soát các nội dung quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điều 27, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 47 và chỉnh sửa theo hướng đẩy mạnh việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể như sau: Hàng hóa nhóm 2 sản xuất trong nước thì phải áp dụng biện pháp công bố hợp quy; hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu phải áp dụng biện pháp kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu, trong đó quy định rõ việc miễn kiểm tra; giảm kiểm tra hàng nhập khẩu; Quy định rõ cơ chế tiền kiểm, hậu kiểm; quy trình kiểm tra hàng nhập khẩu ngay tại Luật; Quy định rõ hơn cơ quan nhà nước thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa và việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp.

Các Bộ, ngành cần đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý của Việt Nam và nước xuất khẩu (cơ chế G to G), thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định trong nước và các tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ngoài (cơ chế T to T) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu không phải lấy mẫu thử nghiệm, chứng nhận hợp quy cho các lô hàng nhóm 2 nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần khuyến khích các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định triển khai hình thức đánh giá tại nguồn nước xuất khẩu (tại cơ sở sản xuất nước ngoài). Với phương thức này, Giấy chứng nhận sản phẩm, hàng hoá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật cấp cho cơ sở sản xuất có hiệu lực 3 năm sẽ là cơ sở để không phải thực hiện lại việc lấy mẫu thử nghiểm, đánh giá lại lô hàng của sản phẩm, hàng hoá đó mỗi lần nhập khẩu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động này cần được tổ chức thực hiện hết sức linh hoạt để đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia; Đề nghị sửa đổi theo hướng mở rộng cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá là các cơ quản quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương theo tình hình thực tiễn; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu, cần được xem xét, đặt trong mục tiêu tổng thể hướng tới việc giảm thiểu thời gian thông quan trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hoá, đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ thị trường trong nước và các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nâng cao vai trò chủ trì, nhạc trưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Rà soát, loại bỏ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên ứng dụng mã số, mã vạch: Bổ sung quy định về ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ; từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng…) có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển.
 


Ảnh minh họa.

Về quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp, đề nghị chỉnh sửa quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung này tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để thống nhất.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm soát viên chất lượng, để hình thành lực lượng kiểm soát viên chất lượng chính quy, chuyên nghiệp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 51 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đề nghị bổ sung thêm vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cho lực lượng kiểm soát viên chất lượng, đặc biệt là chế độ, chính sách cho lực lượng này và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

Các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa như quy định về Hợp pháp hóa lãnh sự; khái niệm Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau; khái niệm kiểm tra/xác minh; quy định về phí thực hiện đánh giá sự phù hợp; quy định về giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp... Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật các quy định liên quan về tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài; thừa nhận kết quả công nhận của tổ chức công nhận.

Thứ hai là đẩy mạnh việc thực thi pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Tổ chức triển khai thực hiện các quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp, Giải thưởng Chất lượng quốc gia, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc và các nội dung khác quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau khi được Quốc hội thông qua) và các văn bản hướng dẫn luật;

Triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển, nâng cao Chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam trong đánh giá, xếp hạng Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu theo thông lệ quốc tế, giảm thiểu các thủ tục hành chính; Đẩy mạnh hoạt động kiểm soát viên chất lượng; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các vi phạm của tổ chức, cá nhân để người tiêu dùng biết, cân nhắc sử dụng; Xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động đánh giá sự phù hợp; Xem xét, chỉ định các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, nước ngoài, các đơn vị sự nghiệp có đủ năng lực tham gia phục vụ quản lý nhà nước.

Thứ ba là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật: Tuyên truyền, phổ biến để các Bộ, ngành áp dụng triệt để quản lý theo đúng quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Tuyên truyền, phổ biến để các các địa phương chủ động triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao trách nhiệm cũng như chịu trách nhiệm tại địa phương mình quản lý;

Tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và người tiêu dùng hiểu được quy định mới về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Định hướng cho các cơ quan thông tin truyền thông hiểu đúng các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thứ tư là tăng cường hoạt động đào tạo, tập huấn: Đào tạo nghiệp vụ ngạch kiểm soát viên chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường và trong sản xuất cho đoàn thanh tra, công chức thanh tra chuyên ngành và kiểm soát viên chất lượng; Đào tạo chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm, chuyên gia đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý, thử nghiệm viên, giám định viên, kiểm định viên chất lượng, chuyên gia năng suất chất lượng.

Thứ năm là minh bạch các thông tin: Thông tin, cơ chế và cách thức quản lý chất lượng của các quốc gia thông qua việc hình thành, thực hiện và duy trì hệ thống hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại TBT; Thông tin rộng rãi các vấn đề liên quan đến xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và kết quả đánh giá sự phù hợp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân...; Thông tin liên quan đến năng lực, lĩnh vực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp để tạo sự tin tưởng vào kết quả đánh giá sự phù hợp; Thông qua kịp thời và đúng mức về kết quả thanh tra, kiểm tra và tình trạng chất lượng đối với mọi sản phẩm, hàng hóa đang có vấn đề về chất lượng.

Thứ sáu là thực hiện cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng quản lý rủi ro của sản phẩm, hàng hóa: Làm rõ căn cứ để đánh giá rủi ro của sản phẩm, hàng hóa. Phân loại sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao, thấp để quản lý tiền kiểm trước thông quan đối với sản phẩm, hàng hóa rủi ro cao và hậu kiểm đối với sản phẩm, hàng hóa rủi ro thấp... Tách biệt vai trò quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa với hoạt động đánh giá sự phù hợp; Thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng nhập khẩu sau thông quan để giảm thời gian hàng lưu kho tại bến bãi, đáp ứng thời gian ASEAN+4; Đẩy mạnh hoạt động thuận lợi hóa thương mại thông qua việc các thủ tục đánh giá sự phù hợp của Việt Nam được thừa nhận quốc tế, thực hiện khẩu hiệu hội nhập về chất lượng “Một lần đánh giá, cấp một chứng chỉ, có giá trị ở mọi nơi”.

Qua đó, thuận lợi hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, góp phần làm cho quá trình giao dịch thương mại và vận tải quốc tế qua các cửa khẩu của Việt Nam và quốc tế trở nên năng động và hiệu quả hơn; làm cơ sở cho việc thừa nhận song phương và đa phương về kết quả đánh giá sự phù hợp, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm chi phí thử nghiệm trong giao thương quốc tế, góp phần làm hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và vị thế của sản phẩm hàng hóa Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế./.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1007

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)