Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, GS.TS. Trần Quốc Tuấn Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu năng lượng mặt trời Pháp (French Institute for Solar Energy), Đại học Grenoble Alpes, lãnh đạo các đơn vị của Bộ KH&CN gồm các đơn vị chức năng của Bộ, đại diện các Bộ, Ngành,… cùng gần 80 đại biểu là đại diện Lãnh đạo, nhà khoa học thuộc gần 20 doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và hội/hiệp hội khu vực miền Bắc.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết nhiên liệu hóa thạch đã đóng vai trò cung cấp năng lượng chính cho toàn thế giới trong suốt thế kỷ qua. Tuy nhiên, trước sức ép của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, việc chuyển dịch năng lượng để cắt giảm phát thải carbon trở thành xu hướng tất yếu tại Việt Nam và trên thế giới. Để góp phần thực hiện tốt quá trình chuyển dịch này thì KH,CN&ĐMST luôn được coi là giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới. Điều này được thể hiện qua những chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 55-NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị Quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ đã nêu “chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại”; đồng thời giao Bộ KH&CN “nghiên cứu rà soát cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý trong lĩnh vực tài chính, nhằm khuyến khích, nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để hiện đại hóa ngành năng lượng trong nước”. Cụ thể hoá chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trong đề ra phát triển công nghệ năng lượng là một trong 10 định hướng phát triển nghiên cứu quan trọng giai đoạn tới; đồng thời, Bộ KH&CN đã phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, mã số KC.05/21-30 nhằm hỗ trợ phát triển, ứng dụng công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, lưới điện thông minh… trong lĩnh vực vực năng lượng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Bộ trưởng hy vọng, thông qua Hội thảo “Chuyển đổi năng lượng, năng lượng mặt trời và lưới điện thông minh: từ nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ đến ứng dụng” sẽ tạo cơ hội trao đổi, cập nhật, thảo luận các chính sách về năng lượng trên Thế giới và Pháp đồng thời giới thiệu, cập nhật những thông tin công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng nói chung và chuyển đổi năng lượng nói riêng. Tại đây, ngoài việc thảo luận những vấn đề chuyển đổi năng lượng, năng lượng mặt trời và lưới điện thông minh, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến thảo luận của những chuyên gia, doanh nghiệp để nhận diện, tháo gỡ những tồn tại, xác định nhu cầu thực tế cũng như đánh giá tính khả thi, tính ứng dụng, tính phù hợp và khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác xây dựng chính sách cũng như thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ sau này.
Tại Hội thảo, GS. TS. Trần Quốc Tuấn Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu năng lượng mặt trời Pháp (French Institute for Solar Energy), Đại học Grenoble Alpes đã nêu ra bối cảnh chuyển dịch năng lượng trên thế giới, thực trạng chuyển dịch năng lượng tại Pháp và ở Việt Nam; xu hướng phát triển năng lượng mặt trời; các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong chuyển dịch năng lượng (giải pháp lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời dọc đường cao tốc, đường xe lửa hay tại khu vực nuôi trồng nông lâm, thuỷ sản; bài toán tối ưu hoá nguồn điện mặt trời mái nhà…); vai trò và giải pháp lưới điện thông minh, tự động hoá và chuyển đổi số…
GS.TS. Trần Quốc Tuấn trình bày tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Ông Lê Việt Cường Phó Viện trưởng Viện năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng với những định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương về chuyển dịch năng lượng, trong quá trình lập các quy hoạch này cũng như theo các tài liệu nghiên cứu quốc tế bài toán chuyển dịch năng lượng được xem xét trên 04 lĩnh vực trụ cột: (i) Phát triển năng lượng tái tạo; (ii) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iii) Lĩnh vực dầu khí; (iv) Điện khí hóa. Trong đó, cùng với những mục tiêu, cam kết về môi trường và biến đổi khí hậu, thì hai động lực chính thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng là chính sách và công nghệ. Ngành năng lượng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.
Ông Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội thảo, Bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến về dịch chuyển Năng lượng Việt Nam cho biết chuyển dịch năng lượng là xu thế của thế giới nên Việt Nam cũng không nằm trong xu thế này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải cần quan tâm xem xét mô hình để chuyển dịch năng lượng theo định hướng như thế nào cho hiệu quả và kinh tế trong bối cảnh đất nước còn khó khăn là một trong những bài toán lớn. KH,CN&ĐMST cũng cần xem xét tham gia nhằm giải quyết các bài toán lớn trong quá trình chuyển dịch năng lượng như: làm chủ công nghệ chế tạo và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá các thiết bị năng lượng, công nghệ dự báo về nhu cầu nguồn và phụ tải, nâng cao hiệu quả sử dụng tại các nhà máy nhiệt điện, công nghệ pin lưu trữ…
Bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến về dịch chuyển Năng lượng Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được các ý kiến trao đổi thảo luận của của PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Kỹ thuật nhiệt Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đức Huy, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, Ông Nguyễn Quang Việt, nguyên Trưởng Ban KHCN và môi trường, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các nhà khoa học các viện, trường và doanh nghiệp đóng góp cho định hướng phát triển KH&CN phục vụ phát triển ngành năng lượng trong giai đoạn tới.
Phát biểu kết luận Hội thảo Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết Hội thảo đã được lắng nghe GS.TS Trần Quốc Tuấn trình bày về chuyển dịch năng lượng, năng lượng mặt trời và lưới điện thông minh từ nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ đến ứng dụng với các thông tin rất phong phú và cần thiết. Tại Hội thảo đã được lắng nghe phát biểu khai mạc và định hướng của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt; cùng nghe, trao đổi chia sẻ thông tin của các cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học, đơn vị quản lý, viện, trường đại học, doanh nghiệp trong cả nước. Hiện nay, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII cho nên những trao đổi, tham luận của GS.TS. Trần Quốc Tuấn và các nhà khoa học trong Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng để các cơ quan quản lý hoàn thiện bổ sung nội dung của quy hoạch này theo nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và tiếp nhận xu hướng chuyển đổi năng lượng, nguồn năng lượng mới trên thế giới. Thông qua Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng rất mong Hội thảo hôm nay sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu trong nước có thể cùng với tổ chức nghiên cứu Pháp tăng cường hợp tác đào tạo nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa hai bên. Tiếp thu các ý kiến của GS.TS. Trần Quốc Tuấn và nhà khoa học, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai tốt Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, mã số KC.05/21-30 và các văn bản chính sách nhằm góp phần giúp cho Việt Nam chuyển đổi năng lượng một cách tốt đẹp nhất.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu kết luận Hội thảo
PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Kỹ thuật nhiệt Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Quang Việt, nguyên Trưởng Ban KHCN và môi trường, Tập đoàn điện lực Việt Nam
PGS.TS. Nguyễn Đức Huy, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam