Thứ bảy, 13/05/2023 00:07 GMT+7

Nam Định sẽ trở thành trung tâm khoa học và công nghệ vùng Nam Đồng bằng sông Hồng

Trong thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ vươn lên trở thành trung tâm KH&CN của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Tỉnh Nam Định mong Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) để xây dựng và phát triển thành tỉnh mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hướng tới phát triển công nghiệp công nghệ cao và kinh tế xanh

Ngày 11/05/2023, Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã có buổi làm việc nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, định hướng nhiệm vụ KH&CN trọng tâm trong giai đoạn tới.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nam Định có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Về phía Bộ KH&CN có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
 


Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cảm ơn đồng chí Bộ trưởng và Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã dành sự quan tâm đối với tỉnh Nam Định và nêu rõ, tỉnh Nam Định thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX trong bối cảnh là tỉnh nông nghiệp, sản xuất công nghiệp chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, hệ thống hạ tầng phục vụ KT-XH còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, Nam Định đã tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông; các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh ĐMST, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển toàn diện KT-XH.
 


Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài đã báo cáo “Tình hình KT-XH và hoạt động KH,CN&ĐMST năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023; những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới”. Theo đó, giai đoạn này, hoạt động quản lý nghiên cứu KH,CN&ĐMST; quản lý công nghệ, thẩm định công nghệ và phát triển thị trường công nghệ; sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ hạt nhân; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; quản lý KH&CN cấp cơ sở, thông tin, thống kê KH&CN  được đẩy mạnh triển khai và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Đồng chí cho biết, thời gian qua, đã có nhiều dự án đầu tư được thẩm định công nghệ, trong đó có các dự án có sử dụng công nghệ phức tạp như: Dự án Nhà máy gang thép xanh Xuân Thiện Nam Định; Dự án Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng… Tỉnh đã nỗ lực quan tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hỗ trợ doanh nghiệp... Cụ thể, tỉnh đã tiếp nhận, ứng dụng 45 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất liên kết chuỗi trong lĩnh vực nuôi thủy hải sản, giống cây trồng, chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến... Đồng thời triển khai thực hiện một số hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển 05 nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận; hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của các huyện trong tỉnh đạt từ 2 sao trở lên...
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài báo cáo tại buổi làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị mong rằng trong thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đồng chí Bộ trưởng và Bộ KH&CN để hướng tới phát triển công nghiệp công nghệ cao và kinh tế xanh; hỗ trợ tỉnh vươn lên trở thành trung tâm KH&CN của Vùng Nam ĐBSH theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí cũng đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ: nghiên cứu KH&CN ứng dụng trong nông nghiệp và xây dựng Nam Định là một trong những trung tâm KH&CN về nông nghiệp; thẩm định về công nghệ của các nhà đầu tư về công nghệ cao tại tỉnh; triển khai các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST cấp quốc gia phục vụ phát triển KT-XH...
 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao những thành tựu nổi bật tỉnh Nam Định đạt được trong thời gian qua, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong mọi mặt của đời sống xã hội. Thứ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, tỉnh Nam Định cũng cần tập trung xây dựng những nhiệm vụ KH&CN lớn gắn với thực tiễn sản xuất và có sự tham gia của doanh nghiệp, từ đó xây dựng chuỗi hoạt động KH&CN; xây dựng các hoạt động KH&CN liên tỉnh, liên vùng, phối hợp với các địa phương có nguồn lực và tiềm lực lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, đồng thời gắn với kinh tế biển; tăng cường phối hợp với viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh để triển khai có hiệu quả các hoạt động KH&CN phù hợp với hạ tầng, dân trí, gắn với xây dựng sản phẩm chủ lực của tỉnh...
 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Năm nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giao Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của các địa phương, tham mưu đề xuất cho Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn nữa đối với hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 

Một là, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường đầu tư cho hoạt động KH,CN&ĐMST trong thời gian tới, có giải pháp huy động mọi nguồn lực trong đó quan tâm đến giải pháp thu hút nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN, nhất là của các doanh nghiệp, nhà sản xuất...

Hai là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo Công nghệ, ĐMST trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ và phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường;

Ba là, tiếp tục đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, thu hút chuyên gia, hợp tác quốc tế trong hoạt động KH,CN&ĐMST;

Bốn là, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực KH&CN trên địa bàn như: tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ; đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường, doanh nghiệp KH&CN; thanh tra; thông tin, thống kê KH&CN… Duy trì, giữ vững thương hiệu sản phẩm của tỉnh đã được bảo hộ; tăng cường khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ đã được hình thành tại thị trường trong và ngoài nước;

Năm là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc lãnh đạo chỉ đạo hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước. Tổng kết đánh giá những kinh nghiệm, cách làm hay để triển khai với các địa phương khác. Đề xuất và triển khai những nhiệm vụ KH&CN nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như kinh tế biển, văn hóa du lịch, giáo dục và đào tạo… Bám sát và triển khai hiệu quả các chủ trương mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhất là Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đến năm 2030 tầm nhìn 2045 đã đặt ra.

Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Nam Định, trên cơ sở ý kiến trao đổi của các đơn vị chức năng liên quan, Bộ KH&CN thống nhất chủ trương, ủng hộ triển khai thực hiện. Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Nam Định giao Sở KH&CN làm đầu mối chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương và của Bộ rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên và lộ trình triển khai từng năm phù hợp với nguồn lực để xây dựng đề xuất cụ thể, báo cáo lãnh đạo Bộ và lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN trao tặng quà lưu niệm cho các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Nam Định.
 

Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Nam Định tặng các đồng chí Lãnh đạo Bộ KH&CN bức tranh Tháp Phổ Minh - biểu tượng lịch sử - văn hóa của Nam Định.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 2615

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)