Thứ năm, 23/03/2023 11:30 GMT+7

Đoàn đánh giá An ninh hạt nhân quốc tế (INSSerV) đến Việt Nam

Từ ngày 20-31/3/2023, Đoàn đánh giá an ninh hạt nhân quốc tế (INSServ) của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến Việt Nam và làm việc với các cơ quan có liên quan nhằm đánh giá năng lực quốc gia trong việc bảo đảm an ninh hạt nhân của Việt Nam, góp phần tăng cường ngăn chặn, phát hiện và ứng phó đối với vật liệu phóng xạ ngoài kiểm soát (MORC). Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đã tiếp Đoàn và khai mạc buổi làm việc của Đoàn INSServ 2023.

Thứ trưởng Lê Xuân Định tiếp Đoàn INSServ

Tại buổi tiếp Đoàn, Thứ trưởng Lê Xuân Định bày tỏ lời cảm ơn đến IAEA đã chấp nhận đề nghị của Việt Nam trong việc triển khai Đoàn đánh giá an ninh hạt nhân quốc tế (INSServ) và cũng cảm ơn chân thành đến ông Khammar Mrabit, Nguyên Trưởng ban An ninh hạt nhân/IAEA đã nhận lời tới Việt Nam với vai trò Trưởng đoàn INSServ. Thứ trưởng cho biết, trong nhiều năm qua, trong khuôn khổ bản Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (Integrated Nuclear Security Support Plan - INSSP) giữa IAEA và Việt Nam, trong đó, Cục ATBXHN và Ban An ninh hạt nhân của IAEA đã hợp tác chặt chẽ, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường bảo đảm an ninh hạt nhân quốc gia cho Việt Nam. Trong khuôn khổ INSSP, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực phát hiện, đặc biệt hỗ trợ Việt Nam lắp đặt các cổng phát hiện phóng xạ (RPMs) tại các sân bay quốc tế (Sân bay quốc tế Nội Bài năm 2013-2016 và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất năm 2021).

Ngoài ra, nhiều cán bộ của Cục ATBXHN, các cơ quan tuyến đầu trong phát hiện và ứng phó sự cố liên quan đến vật liệu phóng xạ đã được tham gia các khóa đào tạo của IAEA về an ninh hạt nhân đối với cơ sở hạt nhân, vận chuyển vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ, ứng phó sự cố an ninh hạt nhân, bảo đảm an ninh hạt nhân cho sự kiện lớn và khu vực đông dân cư, v.v.  Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao năng lực về phát hiện và ứng phó sự cố cũng như nâng cao kiến thức về bảo đảm an ninh hạt nhân của Việt Nam nói chung và cơ quan Cục ATBXHN nói riêng.

Thứ trưởng cũng đề nghị, hệ thống RPMs tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn tất việc lắp đặt. Tuy nhiên đơn vị sử dụng (cán bộ Chi cục hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng cục Hải quan, v.v.) cần được chuyên gia hướng dẫn đào tạo, sử dụng hệ thống. Do đó, đề nghị IAEA xem xét, hỗ trợ đào tạo cho cán bộ của Việt Nam trong vận hành, sử dụng hệ thống này. Đề nghị IAEA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực về phát hiện phóng xạ và ứng phó sự cố phóng xạ, cụ thể là tiếp tục xem xét hỗ trợ lắp đặt các cổng phát hiện phóng xạ, các hoạt động liên quan đến kiểm soát phế liệu kim loại và kiểm soát vật liệu ngoài kiểm soát pháp quy (MORC).

Ông Khammar Mrabit, Trưởng đoàn INSServ đã cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian tiếp Đoàn. Ông đánh giá cao những nỗ lực và tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực an ninh hạt nhân. Ông cũng bày tỏ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa năng lực quốc gia trong lĩnh vực này.
 


Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu khai mạc Đoàn INSServ

Phát biểu khai mạc buổi làm việc của Đoàn INSServ 2023, Thứ trưởng nhiệt liệt chào mừng các vị chuyên gia của Đoàn INSServ đã đến Việt Nam và sẽ làm việc trong thời gian 02 tuần (từ ngày 20 đến ngày 31/3/2023). Thứ trưởng hi vọng các khuyến nghị của Đoàn sẽ giúp Việt Nam nhận thức năng lực quốc gia trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý đối với lĩnh vực rất đặc thù này.
 

Trong năm 2021, Cục ATBXHN đã có thư chính thức đề nghị và được IAEA chấp thuận thực hiện Đoàn đánh giá Dịch vụ tư vấn an ninh hạt nhân quốc tế (INSServ) tại Việt Nam dự kiến trong Quý I/2023.  Mục đích của Đoàn đánh giá nhằm tăng cường năng lực quốc gia về ngăn chặn, phát hiện và ứng phó tập trung vào vật liệu phóng xạ ngoài kiểm soát (MORC) và đánh giá cơ chế an ninh hạt nhân của Việt Nam. Hoạt động đánh giá được thực hiện theo các nội dung chủ đề về cơ chế an ninh hạt nhân của Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an ninh hạt nhân, năng lực quốc gia về ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với vật liệu MORC. Để chuẩn bị cho Đoàn đánh giá này, từ năm 2021, Cục ATBXHN đã chủ trì phối hợp với Ban An ninh hạt nhân (IAEA) và các đơn vị hữu quan của Việt Nam (Tổng cục Hải quan (TCHQ) – Bộ Tài chính; các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) tổ chức các Cuộc họp khởi động (tháng 12/2021), Cuộc họp trù bị (tháng 6/2022) phục vụ Đoàn đánh giá, thực hiện các hoạt động chuẩn bị cần thiết như cung cấp thông tin cho IAEA, trả lời bộ câu hỏi đánh giá, đồng thời xây dựng nội dung làm việc cụ thể với Đoàn đánh giá INSServ.
 

Đoàn INSServ và đại diện các Bộ, ngành có liên quan

Đoàn INSServ đến Việt Nam lần này do ông Khammar Mrabit, Nguyên Trưởng ban An ninh hạt nhân/IAEA làm Trưởng đoàn, bao gồm các chuyên gia về an ninh hạt nhân đến từ Hoa Kỳ, Braxin, Malaysia, Pakistan và Trung Quốc./.

 

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 1735

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)