Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị…
Tại điểm cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, có sự tham dự của đồng chí Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, Bí thư Đảng Ủy Bộ; đồng chí Phạm Gia Chương, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ; các đồng chí đại diện Ban cán sự Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ; bí thư, phó bí thư cấp ủy trực thuộc; cán bộ chủ chốt các đơn vị trực thuộc Bộ và các ban tham mưu của Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điểm cầu tại Bộ KH&CN tham gia Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trình bày báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết; đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ triển khai, thực hiện Nghị quyết; đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội trình bày báo cáo chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, những năm qua, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được huy động; nhiều điểm nghẽn đối với phát triển được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng từng bước được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005-2020, cao hơn mức trung bình cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được cải thiện. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên được chú trọng; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường...
Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26 nêu rõ: Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Từ mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể, Nghị quyết đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng…