Thứ tư, 16/11/2022 13:22 GMT+7

Cần có thêm tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng không khí đối với công trình xanh

Chuyên gia cho rằng cần có thêm các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn và chính sách để dần dần quản lý, đưa những công trình tại Việt Nam tiệm cận với công trình trên thế giới về mặt vệ sinh, tiện nghi, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

Việc thông gió và điều hòa không khí có vai trò rất lớn giúp cải thiện chất lượng không khí, nâng cao tiện nghi và sức khỏe cho người sử dụng. Vấn đề này càng quan trọng hơn nữa đối với những công trình xanh và tiết kiệm năng lượng, nhưng thực tế chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh, hiện nay các tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong nhà vẫn nằm rải rác ở các tiêu chuẩn liên quan tới điều kiện khí hậu, chất lượng không khí hay những tiêu chuẩn liên quan. Sau một thời gian nghiên cứu, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đã biên soạn thành công Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 - Nhà ở và nhà công cộng - Các thông số chất lượng không khí trong nhà.

Tiêu chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng không khí trong nhà, áp dụng cho nhà ở và nhà công cộng khi đóng kín cửa chống lạnh trong mùa Đông, hay điều hòa không khí làm mát trong mùa Hè. Đặc biệt, Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 sẽ được dùng làm điều kiện cơ sở để thiết kế kết cấu bao che và hệ thống thiết bị thông gió - điều hòa không khí của tòa nhà, đánh giá tiêu chí về chất lượng môi trường trong nhà đối với các công trình xanh.

Đây là tiêu chuẩn hoàn toàn mới được biên soạn dựa trên khảo sát điều kiện môi trường thực tế ở Việt Nam trong 4 năm liên tiếp, kết hợp tham khảo tiêu chuẩn của một số quốc gia trên thế giới. Do đó, tiêu chuẩn này vừa có tính hiện đại, hòa nhập quốc tế, vừa có tính thực tiễn, khả thi tại Việt Nam.

Lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận định, đối với các công trình xanh thì chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật liên quan đến chất lượng không khí trong nhà rất quan trọng. Tuy nhiên, trước khi Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 được ban hành, Việt Nam chưa hề có quy chuẩn, tiêu chuẩn nào về chất lượng không khí trong nhà, kiểm tra chỉ tiêu về các hợp chất VOCs, formaldehyde hay nấm mốc trước khi đưa vào sử dụng…

Chính vì thế, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận thấy, lĩnh vực này rất cần có thêm các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn và chính sách để dần dần quản lý, đưa những công trình tại Việt Nam tiệm cận với công trình trên thế giới về mặt vệ sinh, tiện nghi, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
 

Ảnh minh hoạ

Cũng theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh, đối với Việt Nam, đây là vấn đề tương đối mới nên đang thiếu các chuyên gia, phương pháp và công cụ thử, đặc biệt là thiếu phòng thử nghiệm, cũng như điều kiện kinh tế, kỹ thuật để lấy mẫu, đo đạc, quan trắc, giám sát và thử nghiệm, từ đó đánh giá các chỉ tiêu này.

Với việc ban hành Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 cùng các Quyết định liên quan đến vấn đề nhãn sinh thái trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 02/2018/TT-BXD Quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng và các văn bản sắp được ban hành (Bộ Xây dựng đang nghiên cứu ban hành quy định dán nhãn xanh cho vật liệu tiết kiệm năng lượng)…, chúng ta sẽ có thêm các đơn vị nghiên cứu, tư vấn, thử nghiệm và chứng nhận các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng không khí trong nhà và chỉ tiêu phục vụ công bố môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

“Việc ban hành tiêu chuẩn này là rất quan trọng, nhưng việc bảo đảm việc tuân thủ nghiêm chỉnh áp dụng tiêu chuẩn này vào thực tế còn quan trọng hơn nữa. Hiện nay, Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 vẫn có tính chất tự nguyện áp dụng. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu để sau một số năm áp dụng Tiêu chuẩn có thể đưa vào hệ thống các quy chuẩn của ngành Xây dựng, từ đó kiểm soát các nguyên tắc, yêu cầu kỹ thuật cần đảm bảo trong quá trình lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng và quản lý vận hành công trình”, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh cho biết.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch danh dự Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, Cố vấn Trung tâm môi trường đô thị và công nghiệp cho biết: Việc thông gió và điều hòa không khí tiêu thụ rất nhiều năng lượng cho công trình, khoảng 50 – 60%. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thông thoáng, điều kiện tiện nghi nhiệt và vệ sinh công trình. Tuy nhiên, hầu hết người dân Việt Nam chỉ quan tâm đến vấn đề điều hòa không khí, còn vấn đề thông gió chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là vấn đề cấp gió tươi và trao đổi không khí.

Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm an toàn sức khỏe dân cư Canada năm 1998 đã chỉ ra rằng, hoạt động sống của con người ở trong nhà chiếm tới 86,9%. Do đó, chất lượng không khí trong nhà có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe con người. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của chất lượng không khí trong nhà, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật không khí sạch và tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà từ 20 – 30 năm về trước. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang chậm hơn nhiều các nước trên thế giới trong việc ban hành tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong nhà.

Phần lớn các tiêu chuẩn môi trường do Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đều được biên dịch từ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước ngoài. Nhưng Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 thì khác, đây là Tiêu chuẩn hoàn toàn mới được biên soạn dựa trên khảo sát điều kiện môi trường thực tế ở Việt Nam trong 4 năm liên tiếp, kết hợp việc tham khảo tiêu chuẩn của một số quốc gia trên thế giới. Do đó, tiêu chuẩn này vừa có tính hiện đại, hòa nhập quốc tế, vừa có tính thực tiễn, khả thi tại Việt Nam.

Ví dụ, Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 có hướng dẫn chống ô nhiễm môi trường không khí trong nhà ở có bàn thờ cúng thường xuyên đốt hương, nhang. Đây là điều không có trong bất kỳ tiêu chuẩn tương tự nào ở các nước khác trên thế giới.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng hy vọng việc ban hành Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 cùng các hoạt động phổ biến, nâng cao kiến thức và sự vào cuộc của các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, lắp đặt thiết bị công trình sẽ giúp cải thiện sự quan tâm về điều hòa không khí và thông gió.
 

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1136

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)