Thứ sáu, 09/09/2022 11:16 GMT+7

Hội thảo Nâng cao năng lực cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu Việt Nam trong tìm kiếm các cơ hội hợp tác với Liên minh châu Âu

Trên tinh thần thúc đẩy khoa học và hợp tác quốc tế, ngày 29/8/2022, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp với EURAXESS tổ chức Hội thảo quốc tế “Thông tin KH&CN phục vụ Hệ sinh thái ĐMST quốc gia: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” với mục đích nâng cao năng lực trong nghiên cứu khoa học, cũng như khuyến khích các sáng kiến trong khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU).

Lễ khai mạc sự kiện được diễn ra tại Hà Nội có sự tham dự của ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN nghệ Quốc gia; bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; TS. Jenny Lind Elmarco, điều phối viên khu vực Đông Nam Á của EURAXESS toàn cầu; các chuyên gia quốc tế và Việt Nam trong các lĩnh vực KH&CN cùng các đại biểu là các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trên khắp Việt Nam cùng tham dự trực tuyến. Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ với các đại biểu về hợp tác khoa học Việt Nam – EU; cách viết dự án và nộp hồ sơ cho Chương trình Nghiên cứu chung - vừa được Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu (ERC) phê duyệt cho năm 2023 với tổng ngân sách tài trợ khoảng 2,2 tỷ € cũng như cách đăng ký riêng lẻ chương trình Học bổng Marie Curie cho các chương trình học tập, nghiên cứu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Mạnh Thắng chia sẻ: Như chúng ta đã biết, EU có rất nhiều chương trình tài trợ cho các nhà nghiên cứu ở mọi giai đoạn trong sự nghiệp nghiên cứu, từ các nhà nghiên cứu trẻ, các nhà nghiên cứu chính đến các nghiên cứu viên cao cấp. Là một người từng rất quen thuộc với các Chương trình khung FP7, Horizon 2020 trước đây, Ông cho rằng cấu trúc của các chương trình Horizon Europe trong vòng 7 năm (2021-2027) là chương trình có tính phức tạp cao, đặc biệt là đối với các nhà khoa học trẻ. Tuy nhiên, có một điều may mắn là các nhà nghiên cứu và nhà khoa học của chúng ta sẽ nhận được sự hỗ trợ từ EURAXESS Worldwide - nền tảng một cửa cung cấp tất cả thông tin và dịch vụ cho các nhà khoa học và nhà nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cách thức nghiên cứu, các chính sách thông tin ở EU, cách thức tìm học bổng tài trợ để thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu tại một quốc gia Châu Âu và cách tìm đối tác cho các dự án nghiên cứu chung hoặc cách trở thành một ứng viên nghiên cứu quốc tế.

Cách đây khoảng 2 tháng, Thủ tướng Chính phủ vừa Ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó đề cập đến một trong những phương pháp quan trọng là chủ động tham gia vào liên minh nghiên cứu quốc tế trong các lĩnh vực khoa học nổi bật  như y tế, an sinh xã hội, công nghệ số trong thực phẩm và nền kinh tế sinh học,... Vì vậy, sự phù hợp giữa chiến lược quốc gia của Việt Nam và 6 lĩnh vực trọng điểm mà Horizon Europe tập trung là cơ hội tuyệt vời để các nhà khoa học Việt Nam tìm kiếm và hợp tác với các nhà nghiên cứu châu Âu nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu của mình.

Phát biểu tại hội thảo, bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam gửi lời cảm ơn tới Ban Tổ chức đã mời bà đến tham dự sự kiện trực tiếp đầu tiên sau khi EURAXESS Worldwide và Cục Thông tin KH&CN quốc gia (NASATI) ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác vào tháng 12 năm 2021. Theo bà Kristina, Horizon Europe là chương trình tài trợ chính của EU cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo với ngân sách 95,5 tỷ Euro sẽ kéo dài trong 7 năm từ 2021-2027. Chương trình tạo điều kiện cho sự hợp tác và tăng cường tác động của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong việc phát triển, hỗ trợ và thực hiện các chính sách của EU trong giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu,… 

Quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU đang phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học-công nghệ, an ninh quốc phòng và trong nhiều khuôn khổ đa phương quan trọng. Chương trình Horizon Europe được triển khai với 3 trụ cột: khoa học xuất sắc, thách thức toàn cầu về khả năng cạnh tranh công nghiệp và Châu Âu đổi mới sáng tạo trong đó thúc đẩy các lĩnh vực: y tế; văn hóa, xã hội sáng tạo & hòa nhập; an ninh dân sự cho xã hội; kỹ thuật số, công nghiệp & không gian; khí hậu, năng lượng & chuyển dịch; thực phẩm, kinh tế sinh học, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và môi trường.



Hình ảnh các diễn giả, khách mời tại Hội thảo

(Ảnh từ trái qua: bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia; TS. Jenny Lind Elmarco, điều phối viên khu vực Đông Nam Á của EURAXESS toàn cầu)
 

Hội thảo diễn ra với 2 phiên họp bao gồm 02 chủ đề chính: (1) Phiên họp về Hợp tác Việt Nam-EU và vai trò quan trọng của KH&CN; (2) Phiên Đào tạo về Cách thức viết Đề xuất cho dự án Nghiên cứu theo chuẩn EU một cách hiệu quả.

Giáo sư Tiến sĩ Renaud Jolivet, giáo sư về Kỹ thuật Thần kinh và Tính toán tại Đại học Maastricht, đã giới thiệu về kinh nghiệm của ông tại Diễn đàn ERA, một mô hình cho sự tham gia của các nhà khoa học trong ASEAN (ASTNET). Ông là người có kinh nghiệm thực tế tại các trường đại học, bệnh viện, các tổ chức thực hiện nghiên cứu và cơ sở hạ tầng, các cơ quan tài trợ và các tổ chức chính sách khoa học quốc tế cũng như kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và nghiên cứu chuyên sâu. 

Ông Glenn Banaguas, thành viên Hội đồng chuyên gia của EU-ASEAN về khí hậu và an ninh môi trường, chủ tịch Hội các nhà ngoại giao Khoa học Châu Á cũng chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động nhiều năm của ông trong Diễn đàn Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES) và tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu và Môi trường (ECCRI).



Các diễn giả trong phiên họp về
Hợp tác Việt Nam-EU và vai trò quan trọng của KH&CN
 

Tiến sĩ Borbala Schenk, Cố vấn Chính về Tài trợ Nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Kinh tế và Công nghệ Budapest, chuyên gia của Horizon Europe và Giáo sư Gianna Avellis. Giovanna Avellis, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin của Italia đã tham gia với tư cách là giám đốc dự án trong một số dự án Châu Âu về Kỹ thuật phần mềm, các dự án Đa phương tiện và Viễn thông di động đã giới thiệu về cấu trúc của chương trình Horizon Europe, những yêu đối với một đề xuất hợp tác chung, cách thức để viết một đề xuất dự án nghiên cứu hiệu quả,…

Phó Giáo sư, TS. Narisorn Kitiyanant, Đại học Mahidol Thái Lan đã giới thiệu về cách tìm kiếm một tổ chức nơi bạn muốn thực hiện nghiên cứu của mình thông qua việc giữ liên hệ cá nhân, tham dự hội nghị, tham gia các dự án hợp tác, tìm kiếm nguồn thông tin trên internet, các hội chợ việc làm, Hiệp hội cựu sinh viên Marie Alumni, Cổng thông tin EURAXESS,…

Tiến sĩ Jenny Lind Elmaco, điều phối viên khu vực của EURAXESS Worldwide giới thiệu về các cơ hội cho các nhà nghiên cứu tại châu Âu thông qua chương trình Horizon Europe.



Các diễn giả tham dự phiên đào tạo về
Cách thức viết Đề xuất cho dự án Nghiên cứu theo chuẩn EU một cách hiệu quả
 

Hội thảo cũng xây dựng Diễn đàn mở để các đại biểu và diễn giả trao đổi, thảo luận các vấn đề cùng quan tâm.



Các diễn giả và đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1358

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)