Thứ bảy, 28/05/2022 06:45 GMT+7

Nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, tổ chức đánh giá sự phù hợp trên địa bàn tỉnh An Giang nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, từ đó, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tham mưu UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 573/KH-UBND ngày 18/9/2021 về triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn Tỉnh.

Theo Kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Tỉnh nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất, chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế cho DN; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho tối thiểu 100 cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và cán bộ quản lý tại DN; đào tạo 5 chuyên gia năng suất theo tiêu chuẩn; hỗ trợ xây dựng và áp dụng tối thiểu 12 hệ thống quản lý tiên tiến cho DN (hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000), hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001); hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (ISO 45001), thực hành nông nghiệp tốt (GAP)…).

Đồng thời, hỗ trợ áp dụng tối thiểu 15 công cụ nâng cao năng suất chất lượng, như: 5S, Kaizen, chỉ số hoạt động chính (KPI), quản lý chất lượng toàn diện (TQM), duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM), nhóm kiểm soát chất lượng (QCC); hỗ trợ tối thiểu 25 DN đăng ký sử dụng mã số mã vạch, 8 DN áp dụng giải pháp về hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Định hướng đến năm 2030, tiếp tục hỗ trợ DN thông qua việc áp dụng giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất chất lượng.
 

An Giang hỗ trợ xây dựng và áp dụng tối thiểu 12 hệ thống quản lý tiên tiến cho DN. (ảnh minh họa)

Đối tượng được hỗ trợ của chương trình là DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động trên địa bàn Tỉnh. Ưu tiên DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, DN khởi nghiệp, DN sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại địa phương. Để được hỗ trợ, các đối tượng phải có địa chỉ hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang; hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký.

Đối với hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP)... định mức 100% chi phí tư vấn áp dụng, không vượt quá 70 triệu đồng/hệ thống; 100% chi phí đánh giá chứng nhận lần đầu, không vượt quá 50 triệu đồng/hệ thống; hỗ trợ không quá 1 hệ thống/DN/năm.

Đối với hỗ trợ áp dụng công cụ nâng cao năng suất chất lượng, 100% chi phí tư vấn áp dụng, không vượt quá 70 triệu đồng/công cụ; hỗ trợ không quá 1 công cụ/DN/năm. Đối với hỗ trợ đăng ký sử dụng mã số mã vạch, 100% phí đăng ký cấp mã số mã vạch lần đầu, không quá 2 triệu đồng/DN. Đối với hỗ trợ áp dụng giải pháp về hệ thống truy xuất nguồn gốc, 100% chi phí đăng ký lần đầu sử dụng dịch vụ truy xuất nguồn gốc trên nền tảng chung, không quá 8 triệu đồng/DN.

Tỉnh An Giang còn hỗ trợ chi phí tham dự và khen thưởng DN đạt thành tích khi tham dự Giải thưởng Chất lượng quốc gia với mức khen thưởng 40 triệu đồng/lần (đối với Giải vàng) và 30 triệu đồng/lần (đối với Giải thưởng Chất lượng quốc gia). Tổng kinh phí hỗ trợ của chương trình trong giai đoạn 2021-2025 gần 3,3 tỷ đồng.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang được giao chủ trì, phối hợp triển khai theo yêu cầu của UBND Tỉnh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện của DN tham gia chương trình; hướng dẫn các đối tượng đăng ký tham gia nội dung hỗ trợ; thống kê nhu cầu hỗ trợ; lựa chọn đơn vị tư vấn đáp ứng yêu cầu.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 2187

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)