Mục tiêu chung của Kế hoạch là nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất, chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trên cơ sở mục tiêu chung, Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể, bao gồm nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại địa phương.
Tuyên Quang phấn đấu 30 doanh nghiệp trở lên được hỗ trợ các giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ảnh minh họa
Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu đào tạo, tập huấn về năng suất, chất lượng cho trên 500 lượt người thuộc các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, tổ chức, doanh nghiệp; đào tạo về chuyên gia năng suất, chất lượng cho ít nhất 10 người thuộc các sở, ngành, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có 30 doanh nghiệp trở lên được hỗ trợ các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Cũng theo Kế hoạch, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu 50% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thuỷ sản, thực phẩm trên địa bàn Tỉnh được thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hoá và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Cùng với mục tiêu cụ thể nêu trên, Kế hoạch còn đặt ra các mục tiêu khác như: hướng dẫn, hỗ trợ 02 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; trên 70% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; triển khai xây dựng Cổng thông tin điện tử về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá của Tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu này, Kế hoạch xác định 05 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bao gồm tổ chức thực hiện và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng; thông tin, tuyên truyền về năng suất, chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.
Cùng với đó là các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng và tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp UBND Tỉnh quản lý và triển khai thực hiện Kế hoạch; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.