Chủ nhật, 09/01/2022 11:23 GMT+7

Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng

Tính đến nay, hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN) đã lên đến hơn 13.000 TCVN và hơn 800 QCVN, với hơn 60% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là công cụ quản lý nhà nước nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người dân.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng năm 2021 và phương hướng hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) tổ chức diễn ra chiều ngày 7/1/2022 tại Hà Nội.
 


Tham dự Hội nghị còn có Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Nguyễn Hoàng Linh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp
 

Ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TĐC phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp cho biết, năm 2021 dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Tổng cục đã triển khai công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đảm bảo thích ứng linh hoạt, an toàn trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đồng thời, Tổng cục đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch công tác theo phân công, thực hiện các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua khó khăn và phát triển trong đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, công tác TĐC đã được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp từ trung ương đến địa phương với sự tham gia tích cực, có hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học,… đã góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người dân cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hội nhập phát triển của đất nước.

Báo cáo thực hiện công tác năm 2021, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được Tổng cục chú trọng nâng cao, tăng cường sự chủ động để hỗ trợ tốt hơn cho các Bộ, ngành, trong đó phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thẩm định, trình Bộ KH&CN công bố 61 TCVN về trang thiết bị y tế, trong đó có nhiều TCVN quan trọng về khẩu trang, găng tay y tế, áo choàng y tế... phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Tổng cục đã triển khai việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiệm vụ này cũng được tập trung trong năm 2022 để hoàn thiện hành lang pháp lý giúp quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đặc biệt đối với thủ tục kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN với hơn 88.000 lượt hồ sơ được giải quyết trong năm 2021 đã góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và chỉ số cải cách hành chính của Bộ KH&CN. Đồng thời, Tổng cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính của Bộ KH&CN và duy trì 6 thủ tục hành chính kết nối với Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

Bên cạnh đó, Tổng cục đã tổ chức tốt công tác tiếp nhận, thẩm định, trình công bố 389 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN); tiếp nhận, thẩm tra và thẩm định 39 dự thảo quy chuẩn quốc gia (QCVN) của các bộ, ngành xây dựng; hướng dẫn, góp ý 25 quy chuẩn kỹ thuật địa phương đã góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, năng suất chất lượng, nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn.

Về công tác đo lường, Tổng cục đã thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 159 lượt đơn vị (giảm 10% so với năm 2020); chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 128 lượt đơn vị (giảm 2% so với năm 2020);

Chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 cho 158 lượt đơn vị (giảm 5% so với năm 2020); chứng nhận, cấp 1224 thẻ kiểm định viên đo lường (giảm 9% so với năm 2020); phê duyệt 4.094 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước (tăng 19% so với năm 2020); hướng dẫn hơn 460 tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo, cách ghi định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn, đăng ký và chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường…

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, việc tiến hành kiểm tra trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường vẫn được triển khai theo đúng kế hoạch. Cụ thể, Tổng cục đã kiểm tra, khảo sát 361 cơ sở (kiểm tra tại 144 cơ sở, khảo sát 217 cơ sở; số kiểm tra tại cơ sở giảm 22% so với năm 2020) kinh doanh vàng trang sức; thực phẩm; xăng dầu.... Tổng số mẫu khảo sát, kiểm tra: 2.165 mẫu, kết quả: 1.180/2.165 mẫu không đủ thông tin ghi nhãn hàng hóa, dấu CR; Tổng số mẫu thử nghiệm: 192 mẫu; kết quả: 41/142 mẫu không đạt.

Thực hiện kiểm tra nhà nước tổng số 3.463 hồ sơ (tương đương 5.741 lô) xăng, dầu DO, LPG, dầu nhờn động cơ đốt trong, với tổng khối lượng hơn 7,3 triệu tấn (xăng, dầu, LPG) và 45,2 triệu lít dầu nhờn động cơ đốt trong. Thực hiện xử lý theo thẩm quyền, tạm dừng lưu thông hàng hóa không đạt về chất lượng đối với 4700 mét dây điện, hơn 17 nghìn lít dầu nhờn động cơ, hơn 13 nghìn lít xăng E5 RON92 với tổng số tiền phát nộp ngân sách nhà nước là gần 150 triệu đồng.

Trong hoạt động hợp tác quốc tế, Tổng cục tiếp tục hoàn thành xuất sắc vai trò trung tâm, điều hành các chương trình nghị sự của ASEAN, APO như: Chủ tịch luân phiên Tổ chức Năng suất châu Á (APO), Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ), Ủy ban hỗn hợp điện - điện tử ASEAN (JSC/EEE),…

Công cụ quản lý hữu hiệu cho doanh nghiệp, vì sức khỏe người dân
 

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC phát biểu tại Hội nghị.

Trên cơ sở những thành tựu của năm 2021, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, trong năm 2022, Tổng cục tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các Chương trình hành động và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TĐC để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong tình hình mới, tạo môi trường thông thoáng cho tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế -  xã hội; tăng cường công tác hậu kiểm đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa nhóm 2; đẩy mạnh chuyển đổi số, chính phủ điện tử, tăng cường giải quyết công việc trên môi trường điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công, nhất là triển khai qua cơ chế một cửa và cổng dịch vụ công các cấp,…
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định ghi nhận và đánh giá cao hệ thống pháp luật về TĐC ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như định hướng phát triển của xã hội. Điều này thể hiện qua hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam đã lên đến hơn 13.000 TCVN và hơn 800 QCVN, với hơn 60% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. “Đây chính là công cụ quản lý nhà nước nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người dân” Thứ trưởng Lê Xuân Định nói.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, hoạt động đo lường chính xác và thống nhất là công cụ đắc lực góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như đảm bảo sự công bằng trong buôn bán, giao dịch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường đồng thời là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế đồng thời là căn cứ pháp lý kỹ thuật xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường sự tin tưởng của doanh nghiệp, người dân vào hiệu lực quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, Thứ trưởng Lê Xuân Định ghi nhận hoạt động năng suất, chất lượng, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý trong bối cảnh mở cửa thị trường, ứng dụng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại. Hoạt động này giúp giảm chi phí đầu tư nhưng tăng cường kiểm soát hàng hóa và các bên liên quan trong toàn chuỗi cung ứng xác định, truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không an toàn, kém chất lượng, ngăn chặn hàng giả hàng nhái,...

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị Tổng cục cần tập trung 6 định hướng lớn, trong đó cần tiếp tục đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới (trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia). Đồng thời, tập trung xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động theo hướng tinh gọn; tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bởi hạ tầng số sẽ giải quyết được nhiều bài toán, trong đó có việc đảm bảo kết nối trong đại dịch.

Thứ trưởng cũng yêu cầu trong năm 2022, Tổng cục tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Đặc biệt cần chú trọng tổ chức xây dựng hệ thống các phòng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa đủ năng lực phục vụ nhu cầu phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, thúc đẩy việc thừa nhận lẫn nhau và đảm bảo đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước.

Đối với các chương trình, đề án quốc gia như Chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng, Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc, Đề án 996 về bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; Quyết định số 36/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… cần có cách tiếp cận mới, linh hoạt hơn, bảo đảm huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia thực hiện.

“Tất cả các Chương trình, Đề án đều phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mạnh mẽ năng suất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đảm bảo có tính cạnh tranh dựa trên nền tảng áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 16384

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)