Ban Chủ nhiệm 5 đề án khoa học đã báo cáo tiến độ triển khai, rà soát, kiến nghị giải quyết những vấn đề còn vướng mắc.
Hai đề án do Bộ KH&CN quản lý là đề án Hệ tri thức Việt số hóa và Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.
Về đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, đề án tiếp tục là vườn ươm ý tưởng sáng tạo phục vụ cộng đồng. Dự án thu hút kỷ lục sự tham gia của cộng đồng công nghệ thông tin, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hàng trăm doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam là một đề án có tầm quan trọng đặc biệt, được Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Bộ KH&CN giao Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) tổ chức thực hiện Đề án.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư “huy động tham gia của các nhà sử học trong cả nước, nhất là các chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, lịch sử quân sự, lịch sử an ninh, văn hóa và khảo cổ học và các nhà lãnh đạo, quản lý và khoa học trong các lĩnh vực liên quan khác”, tham gia thực hiện Đề án là đội ngũ đông đảo gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước, tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thừa Thiên – Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ KH&CN đã thành lập Ban Chủ nhiệm và Thư ký khoa học Đề án (bao gồm 6 thành viên) và Hội đồng Khoa học Đề án (bao gồm 21 thành viên), là các nhà khoa học có năng lực, kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực để tổ chức thực hiện Đề án, đảm bảo chất lượng và tính thống nhất của bộ Quốc sử. Cố Giáo sư Phan Huy Lê là Tổng chủ biên của Bộ Lịch sử Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng khoa học Đề án.
Việc triển khai hoạt động nghiên cứu, biên soạn được bắt đầu từ năm 2015, bao gồm xây dựng hệ thống đề tài, thuyết minh và kế hoạch thực hiện các đề tài thuộc Đề án, tổ chức thực hiện nghiên cứu các nội dung đề ra (2015-2016); Triển khai biên soạn, đánh giá chương viết thử, biên soạn bản thảo, tự đánh giá, bổ sung hoàn thiện bản thảo chính thức (2017-2018); Đánh giá cấp Đề án các đề tài, tổ chức các hội thảo khoa học trao đổi, thống nhất các vấn đề biên tập, thống nhất nguyên tắc chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo, chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện bản thảo để chuẩn bị hồ sơ nghiệm thu cấp quốc gia (2019-2020).
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, đến tháng 12/2021, toàn bộ bản thảo 33 tập sách trong bộ Quốc sử (gồm 25 tập thông sử, 5 tập biên niên sự kiện, 3 tập cơ sở dữ liệu với 27.000 trang) đã được nghiệm thu cấp Nhà nước với sự tham gia của 96 nhà khoa học. Các đề tài được đánh giá nghiêm túc, khoa học, khách quan và sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, nâng cao, bảo đảm chất lượng, tính thống nhất giữa các đề tài.