Thứ ba, 14/12/2021 11:47 GMT+7

Tổng kết các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020

Ngày 13/12, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 (Chương trình) dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện một số bộ, ban, ngành, các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, các nhà khoa học tại các điểm cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.



Toàn cảnh Hội nghị

 

Làm chủ nhiều kỹ thuật và công nghệ tiên tiến

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá và nhìn nhận lại các kết quả khoa học đạt được cũng như công tác tổ chức quản lý thực hiện các chương trình trong thời gian qua; những hạn chế cần khắc phục, đề xuất các kiến nghị để hoàn thiện công tác tổ chức thực hiện Chương trình cho giai đoạn tới. 

Trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia có 07 chương trình bao gồm 06 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (chương trình KC) và 01 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX.01/16-20). Các chương trình được triển khai trong bối cảnh Chính phủ tiến hành nhiều đổi mới trong quản lý điều hành với mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Nhiều chương trình KH&CN Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia vẫn được tích cực triển khai và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đã có 257 nhiệm vụ KH&CN được triển khai với 9.700 cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành từ 155 đơn vị chủ trì, hàng trăm tổ chức trong và ngoài nước phối hợp thực hiện. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn phục vụ cho ngành, địa phương, doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều kết quả có giá trị cao ngang tầm khu vực và quốc tế, góp phần tích cực cho đào tạo và phát triển nhân lực khoa học và công nghệ cho đất nước.



Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị

 

Nhiều báo cáo, kiến nghị, chắt lọc từ kết quả của nhiệm vụ đã được gửi tới các cơ quan ban ngành của Đảng, Chính phủ, và Quốc hội như: Hội đồng lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ ban ngành… phục vụ cho việc soạn thảo nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.

469 loại sản phẩm dạng 1 trong đó có: 103 loại thiết bị máy móc; 85 loại vật liệu mới; 31 dây chuyền công nghệ; 69 là các mẫu, mô hình; 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ và những sản phẩm khác như giống cây trồng, chủng nấm… đã thương mại hóa hàng trăm tỷ đồng trong quá trình thực hiện.

384 giải pháp, quy trình công nghệ, 90 cơ sở dữ liệu/bộ số liệu, 60 phần mềm các loại. Nhiều giải pháp/quy trình công nghệ sau khi được hoàn thiện đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn đồng thời được nhân rộng phổ biến. Nhiều phần mềm sau khi được thử nghiệm đã được sử dụng và ứng dụng triển khai ngay sau khi kết thúc đề tài tại các cơ quan của bộ, ngành trung ương và địa phương.

Làm rõ thêm các kết quả từ Chương trình, PGS.TS Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước cho biết: Sau 5 năm hoạt động, với sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan quản lý, đến nay nhiều kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã được Việt Nam làm chủ, với hơn 380 giải pháp, quy trình công nghệ được phát triển. Trong đó phải kể đến ứng dụng công nghệ chiếu xạ để sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa từ tinh bột gạo dùng làm chất xơ thực phẩm- đây là nghiên cứu mới ứng dụng thành công về mặt khoa học ứng dụng, áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại như chiếu xạ, nhiệt phân, thủy phân enzym, trao đổi ion, sấy phun; Quy trình kỹ thuật ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não; Kỹ thuật điều trị hội chứng truyền máu song thai và giải xơ buồng ối bằng laser quang đông; Kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới trong sàng lọc rối loạn nhiễm sắc thể trước chuyển phôi,…

Tạo thuận lợi cho nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình, đề xuất những kiến nghị, định hướng về nội dung và công tác tổ chức quản lý cho Chương trình trong giai đoạn tới. Đây là cơ sở để Bộ KH&CN xây dựng Chương trình giai đoạn 2021-2025, đồng thời phục vụ việc xây dựng chiến lược về KH&CN cho những năm tiếp theo.

Theo ông Trần Đỗ Đạt, việc triển khai các Chương trình trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn nhất định. Trong đó, hệ thống các văn bản quản lý đã được ban hành tương đối đầy đủ từ khâu xác định nhiệm vụ đến khâu nghiệm thu thanh lý. Từ đó, đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý tổ chức triển khai các chương trình cũng như những cơ quan tổ chức, cá nhân có năng lực nghiên cứu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN, tiến hành đăng ký và triển khai nhiệm vụ…

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, một số quy định chưa đồng bộ, chưa bao phủ được những phát sinh từ thực tiễn; chưa đẩy mạnh được cơ chế đặt hàng từ các bộ, ban, ngành, việc triển khai chưa đồng bộ các thông tư liên quan đến cơ chế tài chính đã tạo ra những vướng mắc nhất định…

Bên cạnh đó, hoạt động của các Chương trình vẫn còn vẫn còn sự dàn trải về nội dung, chưa có nhiều nhiệm vụ có tính quy mô và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Trong bối cảnh lấy doanh nghiệp làm trung tâm phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, số lượng 10% nhiệm vụ của các chương trình KH&CN có doanh nghiệp hoặc đơn vị nghiên cứu thuộc doanh nghiệp là đơn vị chủ trì là khiêm tốn.

Ông Trần Đỗ Đạt cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN từ các bộ, ngành để phục vụ Chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong việc đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt trong các khâu xác định nhiệm vụ, chuyển giao ứng dụng kết quả.

Ngoài ra, cần xem xét bổ sung những quy định nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoặc ràng buộc sự liên kết, hợp tác của các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp ở các vùng miền, địa phương trong việc phối hợp triển khai các nhiệm vụ, các chương trình KH&CN. Qua đó, thúc đẩy sự gắn kết giữa các tổ chức và đặc biệt là sự lan tỏa trong nghiên cứu, phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Trình bày về chiến lược tái cơ cấu các Chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 hướng tới 2030, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, bên cạnh các định hướng nghiên cứu về lĩnh vực ưu tiên, giai đoạn mới bổ sung nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn, dân tộc, vùng, địa phương. Đặc biệt, hướng tới công nghiệp 4.0, công nghệ cao, công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ số và đô thị thông minh, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, lưu trữ năng lượng, công nghệ vũ trụ và bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gene. Các nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo cũng cần gắn với doanh nghiệp và thị trường.

Ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh, giai đoạn mới sẽ được tái cơ cấu căn cứ theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030), lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường là chủ thể nghiên cứu, thu hút các nguồn lực xã hội. Để phát triển tiềm lực KH&CN trung và dài hạn, cần phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên và sản phẩm trọng điểm, chủ lực. Bên cạnh đó cần đảm bảo không trùng lặp về nội dung và phân bổ nguồn lực, dựa theo tiêu chí có tính ứng dụng cao, ưu tiên phát triển mô hình sinh kế gắn với đặc thù vùng, địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, những kết quả của Chương trình đạt được góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành KH&CN trong những năm qua. Tiêu biểu như những thành tựu mới trong kỹ thuật ghép tạng tiếp tục khẳng định sự tiến bộ nhanh chóng của nền y học nước nhà; Các kỹ thuật tiên tiến trong khám và chữa bệnh mà chương trình KC10 đã đạt được tiếp tục được phổ biến rộng rãi trong các bệnh viện; Một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin nhằm triển khai có hiệu quả chính phủ điện tử; Hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa cho Việt Nam bằng các mô hình động lực đã được xây dựng và chuyển giao cho các cơ quan quản lý; Các kết quả nghiên cứu về biển KC09 không chỉ góp thêm vào kho dữ liệu về địa chất – đại mạo, văn hóa, lịch sử và tài nguyên mà còn góp phần đáng kể vào việc củng cố cơ sở pháp lý trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, và còn rất nhiều công nghệ, vật liệu, thiết bị kết quả của các chương trình KC02 và KC05 đang được ứng dụng trong sản xuất, mang lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp.



Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị

 

Đối với Chương trình KX, các kết quả nghiên cứu đã được chắt lọc thành những báo cáo kiến nghị cho việc xây dựng cơ chế chính sách, hình thành những tri thức để nâng cao nhận thức của xã hội về văn hóa, xã hội và con người, đặc biệt là những đóng góp về luận cứ khoa học trong việc kiến nghị nhằm hoạch định chính sách và hoàn chỉnh cơ chế quản lý, có nhiều kết quả nghiên cứu đã được chắt lọc, tổng hợp kịp thời và chuyển giao cho Tổ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII, góp phần xây dựng và hoàn thiện văn kiện phục vụ Đại hội Đảng.

Bộ trưởng ghi nhận sự say mê, lao động miệt mài, âm thầm của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành. Về định hướng giai đoạn mới, Bộ trưởng cho rằng ngoài việc hoàn thiện khung Chương trình, trong quá trình tái cơ cấu, Bộ cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện thể chế, các thông tư hướng dẫn để cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học. Cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý từ các khâu xác định nhiệm vụ, tuyển chọn và đánh giá nghiệm thu để hoạt động các Chương trình ngày càng hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác tư vấn, phối hợp tổ chức xây dựng và quản lý nhiệm vụ, các cá nhân thực hiện các nhiệm vụ và các cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.



Lãnh đạo Bộ KH&CN trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các cá nhân

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN – Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước - Văn phòng Bộ

Lượt xem: 5274

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)