Chủ nhật, 12/12/2021 10:07 GMT+7

Hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa được ít nhất 20 loại chất chuẩn, chuẩn đo lường

Mục tiêu đến năm 2030 mà kế hoạch đề ra là hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa được ít nhất 20 loại chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp...

Huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường

Thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây viết tắt là Đề án 996), UBND tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án này trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu chung của kế hoạch là phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển của tỉnh; Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường tại các doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp;

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường; Áp dụng hiệu quả Bộ “Tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp” để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo; Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp;

Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 sẽ hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa được ít nhất 10 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho doanh nghiệp; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 200 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 50 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân;

Triển khai áp dụng hiệu quả Bộ “Tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp” để lựa chọn ít nhất 01 doanh nghiệp đạt mức tiêu biểu xuất sắc của tỉnh; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động cho ít nhất 02 tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường… (được chứng nhận hệ thống quản lý phù hợp theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025).

Mục tiêu đến năm 2030 mà kế hoạch đề ra là hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa được ít nhất 20 loại chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; Củng cố, xây dựng mạng lưới cán bộ tham gia hoạt động đo lường; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đo lường ít nhất 300 cán bộ tham gia hoạt động đo lường;

Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 100 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân;

Triển khai áp dụng hiệu quả Bộ “Tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp” để lựa chọn ít nhất 01 doanh nghiệp đạt mức tiêu biểu xuất sắc của tỉnh; tiếp tục duy trì năng lực, hoạt động và phát triển, mở rộng phạm vi được chỉ định cho các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được chỉ định trong giai đoạn trước. Thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động cho ít nhất 03 tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường… chưa được chứng nhận hệ thống quản lý phù hợp theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025.
 

Ảnh minh họa

Tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp

Để các mục tiêu đã đề ra có hiệu quả, kế hoạch đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, xây dựng kế hoạch, định kỳ rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách và Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế;

Khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ đo lường; xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân được sử dụng trang thiết bị thử nghiệm, chuẩn đo lường, phương tiện đo tại các đơn vị được UBND tỉnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, thực hiện các đề tài liên quan lĩnh vực đo lường của tỉnh; Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đo lường; áp dụng các cơ chế, chính sách thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu;

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chương trình đảm bảo đo lường; triển khai áp dụng bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp để đánh giá các lĩnh vực đo, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; Thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm chuẩn hóa năng lực, hoạt động của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Một giải pháp quan trọng được đưa ra trong kế hoạch là tăng cường phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh. Xây dựng, phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm duy trì hệ thống chuẩn đo lường, đảm bảo độ chính xác và tính liên kết với chuẩn đo lường quốc gia của Việt Nam; phát triển được ít nhất 30 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp;

Phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để phục vụ nhu cầu về đo lường của doanh nghiệp; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 500 cán bộ tham gia hoạt động đo lường của các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Cụ thể, cử cán bộ tham gia hoạt động đo lường của địa phương đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đo lường; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đo lường cho các cán bộ phụ trách kỹ thuật đo lường tại doanh nghiệp (thuộc các lĩnh vực đo lường: Khối lượng, dung tích, độ dài, áp suất, nhiệt độ, hóa lý, điện, điện từ…); tăng cường hỗ trợ công tác nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ đo lường; Khuyến khích triển khai xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến đối với hoạt động sử dụng phương tiện đo, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường: TCVN ISO/IEC 17025, TCVN ISO 10012, Văn bản kỹ thuật đo lường đo lường Việt Nam…

Kế hoạch cũng đề xuất cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra nhà nước về đo lường; triển khai áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn tỉnh cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động cho ít nhất 05 tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan và doanh nghiệp về công tác quản lý hoạt động đo lường; Thực hiện chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá việc áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường.

Triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và xây dựng phương pháp đo cho 150 doanh nghiệp; Triển khai áp dụng hiệu quả Bộ “Tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp” để lựa chọn ít nhất 01 doanh nghiệp đạt mức tiêu biểu xuất sắc của tỉnh để xem xét, phê duyệt và gửi kết quả phê duyệt về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, công bố xếp loại mức đánh giá;

Hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trên địa bàn tỉnh đáp ứng Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường; Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến trong quá trình sản xuất theo quy định pháp luật hiện hành.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ về đo lường; Tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường hiện Việt Nam là thành viên; Tham gia vào các Chương trình hợp tác song phương, đa quốc gia về đo lường; đẩy mạnh trao đổi, hợp tác nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ giữa các cơ quan, tổ chức đo lường của tỉnh với các cơ quan, tổ chức đo lường các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về hoạt động đo lường; Tổ chức hội nghị, hội thảo về đo lường; triển khai các hoạt động kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam; tổ chức thi đua, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hoạt động đo lường.

Trong thời gian tới, các chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế đất nước, cũng như nhu cầu tất yếu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế thế giới đã đặt ra nhiệm vụ ngày càng cao cho hoạt động đo lường. Bởi đây là hoạt động quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp được coi là trọng tâm tạo ra giá trị cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế. Vì vậy, phát triển hệ thống đo lường quốc gia đồng bộ, hiện đại, và nhiều phép đo (CMCs-MRA) được thừa nhận quốc tế giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp không phải mang chuẩn, thiết bị ra nước ngoài để liên kết chuẩn; hạn chế việc phải tiến hành đo kiểm tra lại các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa khi thông quan.

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động đo lường, để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án đang được triển khai thực hiện và hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá trong hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 925

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)