Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; ông H.E. Sadykov T. Sirozhevich, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TP. Hồ Chí Minh; TS. Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); ông Anthony Wier, đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; bà Phạm Thị Nhâm – Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng; TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; TS. Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử. Tham gia Hội nghị lần thứ 14 có hơn 40 tổ chức trong và ngoài nước với hơn 250 đại biểu là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong cả nước, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ KH&CN Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Công Tạc gửi lời chào, lời cảm ơn đến toàn thể đại biểu trong nước, quốc tế và các đồng nghiệp Việt Nam đã dành thời gian tham dự Hội nghị. Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, hiện nay Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang đối diện với những thách thức lớn về vấn đề năng lượng, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình sẽ giúp Việt Nam cũng như các nước trên thế giới phát triển kinh tế xã hội, chống chọi với những thách thức lớn hiện nay.
Bà Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng bày tỏ, Hội nghị được tổ chức lần này với nhiệt huyết của các nhà khoa học sẽ có nhiều chia sẻ về nghiên cứu, ứng dụng KH&CN hạt nhân và mong đưa các ứng dụng này vào đời sống. Tỉnh Lâm Đồng là nơi có Viện Nghiên cứu hạt nhân đã có nhiều công trình đóng góp vào lĩnh vực hạt nhân cũng sẽ có chia sẻ đóng góp chung để lĩnh vực KH&CN hạt nhân trong nước và quốc tế đạt được những kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong đời sống.
TS. Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc IAEA khẳng định, đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng có đóng góp trực tiếp vào những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. IAEA vui mừng đã hỗ trợ Việt Nam trong một số chương trình hợp tác kỹ thuật quốc gia cũng như khu vực. Trong kế hoạch của Việt Nam, từ việc thực hiện lò phản ứng nghiên cứu, IAEA đã cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý và kỹ thuật thông qua phát triển nguồn nhân lực thực hiện công tác đào tạo. Việt Nam đã có những nỗ lực và thực hiện tích cực để thực thi hiệu quả những hoạt động như hoạt động của Trung tâm nghiên cứu. Ngoài ra, IAEA hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, qua đó nâng cao khả năng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Cụ thể, trong nông nghiệp, IAEA đã giúp Việt Nam nâng cao sản lượng nông nghiệp. Trong y tế, những năm qua Việt Nam đã có nhiều cải thiện về vấn đề chữa trị liên quan đến các bệnh về ung bướu thông qua việc ứng dụng công nghệ hạt nhân. Đồng thời, là việc đào tạo các chuyên gia ứng dụng trong lĩnh vực này.
Khẳng định Việt Nam đang song hành cùng với bạn bè trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân, TS. Rafael Mariano Grossi cho biết, trong bối cảnh Covid-19, Việt Nam đã có những ứng dụng trong xét nghiệm PCR. Việt Nam đang sử dụng công nghệ hạt nhân và những công nghệ liên quan cho hoạt động phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, đội ngũ các nhà nghiên cứu. Khi tất cả các bên cùng chung tay để nắm bắt tìm hiểu sẽ chấm dứt, ngăn ngừa việc lây lan dịch bệnh, trong đó có dịch bệnh xuyên biên giới như cúm gia cầm, cúm gia súc…
TS. Rafael Mariano Grossi cho biết, Việt Nam đã và đang tăng cường các hoạt động để xử lý bệnh ung thư, giảm thiểu những trường hợp nhiễm và đem lại chất lượng chữa trị tốt hơn. Việt Nam là một quốc gia thành viên quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực vào công việc chung, sẵn sàng ứng phó với đại dịch diễn ra trong tương lai, cùng chia sẻ những thành tựu vì an ninh lương thực và sự phát triển. Các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng các công nghệ liên quan để phục vụ cho sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, tích hợp những kỹ thuật công nghệ trong giảm thiểu đồ nhựa. TS. Rafael Mariano Grossi bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ thành công trong việc tối ưu hóa những ứng dụng của công nghệ hạt nhân trong đời sống.
Ngay sau Lễ khai mạc đã diễn ra Phiên toàn thể Hội nghị với 9 tham luận được trình bày. Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành đã trình bày tổng quan về hiện trạng nghiên cứu và phát triển của Viện và các định hướng nghiên cứu ứng dụng trong giai đoạn tới. PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trình bày về Tình hình thực hiện dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân và đề xuất các hướng nghiên cứu và ứng dụng chính của Lò phản ứng nghiên cứu mới Đà Lạt. TS. Grigory V. Trubnikov, Chủ tịch Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) trình bày chương trình hợp tác về nghiên cứu hạt nhân giữa Việt Nam và JINR: Hiện tại và tương lai. Giáo sư Hiroyoshi Sakurai, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Hóa Lý – RIKEN, Nhật Bản trình bày về thành tựu và những hoạt động nghiên cứu trong vật lý và kỹ thuật hạt nhân tại RIKEN.
Đến từ Trường đại học Bang Bắc Carolina (NCSU), Hoa Kỳ, GS. Đinh Trúc Nam trình bày về những ứng dụng của phương pháp định hướng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân. GS. Masaki Saito đến từ TITECH, Nhật Bản gửi lời phát biểu chào mừng đến VINANST-14 và thảo luận về vấn đề: Liệu Năng lượng hạt nhân có phải là sự lựa chọn tốt cho Việt Nam?
Trong lĩnh vực nghiên cứu Vật lý lò phản ứng, TS. Phạm Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trình bày về ứng dụng chùm nơtron của lò phản ứng nghiên cứu và một số kết quả tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Trong lĩnh vực nghiên cứu về vật lý hạt nhân, TS. Võ Văn Thuận, Đại học Duy Tân trao đổi vấn đề: Bằng chứng thực nghiệm về hiện thực vật lý của photon đơn năng trong giao thoa hai khe bất đối xứng. Một bằng chứng thực nghiệm đồng thời quan sát được lưỡng tính đối ngẫu cả sóng và hạt sẽ dẫn đến nhu cầu phải xem xét lại cách giải thích cơ học lượng tử chính thống đương đại. Như vậy thí nghiệm hai khe bất đối xứng với một chùm laser có thể là một minh họa đơn giản nhất của lời giải “khe nào” để xác định có hay không khái niệm thực thể vật lý của hạt vi mô.
Trong lĩnh vực Y tế, PGS.TS. Lê Ngọc Hà, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trình bày về chủ đề: Dược chất phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân tại Việt Nam: Hiện tại và triển vọng. Báo cáo cho hay: Theo kế hoạch phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế của chính phủ, nhiều trung tâm cyclotron và PET/CT, SPECT/CT đang phát triển trên phạm vi cả nước. Báo cáo giới thiệu tổng quan về các đồng vị phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân được sản xuất từ các nguồn khác nhau như lò phản ứng hạt nhân, cyclotron và máy phát phóng xạ cũng như tình hình về dược chất phóng xạ (DCPX) ở trong nước. Hiện nay ở Việt Nam, ngoài các DCPX kinh điển như 131I, 99mTc, 18F-FDG thì có rất ít DCPX mới được sử dụng cũng như cấp phép lưu hành so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này một phần do những đặc thù riêng của các DCPX khác biệt hoàn toàn so với các thuốc thông thường khác. Dựa trên các quy định hiện hành của Bộ Y tế, bài viết đưa ra các ý kiến để có thể áp dụng các DCPX mới vào thực hành lâm sàng y học hạt nhân.
Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của các Hội đồng khoa học, Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 đã chọn được 178 báo cáo, trong đó có 103 báo cáo được trình bày (Oral presentation) tại các Tiểu ban chuyên môn và 75 báo cáo dán bảng (Posters).
Trong 2 ngày 09 – 10/12, Hội nghị sẽ chia thành các tiểu ban thảo luận về các nội dung: Lò phản ứng, điện hạt nhân và đào tạo nguồn nhân lực; Vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, máy gia tốc và phân tích hạt nhân; Ghi đo bức xạ, an toàn bức xạ và quan trắc môi trường; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, công nghiệp và các lĩnh vực khác; Hóa phóng xạ, hóa bức xạ và hóa học hạt nhân, chu trình nhiên liệu, công nghệ nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ.
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 được tổ chức hai năm một lần, là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 là một sự kiện khoa học quan trọng không chỉ đối với cộng đồng năng lượng nguyên tử Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Dưới đây là hình ảnh Khai mạc Hội nghị và Phiên họp toàn thể:
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị
Ông H.E. Sadykov T. Sirozhevich, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TP. Hồ Chí Minh
TS. Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc IAEA
Phó Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng Phạm Thị Nhâm phát biểu tại Hội nghị
TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Toàn cảnh Hội nghị trực tiếp và trực tuyến
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm