Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), đồng Chủ nhiệm Chương trình Tây Nam Bộ; Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Đồng chí Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm KHXHVN.
Hội nghị còn có sự tham dự của PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, nguyên đồng Chủ nhiệm Chương trình; Đồng chí Vũ Hùng Cường, Chánh Văn phòng Chuyên môn chương trình Tây Nam Bộ, Viện Hàn lâm KHXHVN và lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại điểm cầu Bộ KH&CN
Nhiều kết quả nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Từ Diệp Công Thành- Giám đốc Văn phòng Chương trình Tây Nam Bộ cho biết, Chương trình thực hiện 3 mục tiêu cơ bản gồm: cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ; triển khai có hiệu quả các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ.
Chương trình đã tập hợp các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc ĐHQG-HCM, Viện Hàn lâm KHXHVN cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp cả nước và vùng Tây Nam Bộ tham gia thực hiện và đã phê duyệt 62 nhiệm vụ (đề tài, dự án) KH&CN.
Trong đó, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, phát triển bền vững đã cung cấp luận cứ khoa học cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng Tây Nam Bộ, phục vụ cho việc hoạch định các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, kịp thời phục vụ Ban Kinh tế Trung ương sử dụng trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án Tổng kết 15 năm (2005-2020) thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, làm cơ sở để ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Về lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường đã và đang chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, kết quả nghiên cứu của Chương trình đã đóng góp xây dựng 02 chuyên đề “Phát triển các chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và chuyên đề: “Các giải pháp nhằm bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, các đề tài, dự án của Chương trình đã đóng góp trực tiếp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nam Bộ, tiêu biểu như: Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng tôm và xây dựng mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho ngành hàng cây có múi (bưởi và cam sành); Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau sạch tiết kiệm nước; Xây dựng hệ thống thông tin địa lý ĐBSCL (MGIS); Nghiên cứu sự biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các hoạt động kinh tế không được kiểm soát tại vùng thượng lưu sông Mê Kông; Nghiên cứu tạo, chọn các giống lúa chống chịu mặn thích nghi với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL; Nghiên cứu giải pháp khai thác và sử dụng tài nguyên nước mưa của các tỉnh ven biển ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu; Sản xuất túi dự trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho dân cư ở các vùng chịu thiệt hại xâm nhập mặn và thí điểm tại tỉnh Bến Tre,…
Đánh giá kết quả Chương trình, PGS.TS Từ Diệp Công Thành cho biết, hầu hết các đơn vị chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn của sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương vùng Tây Nam Bộ, đồng thời góp phần tác động trực tiếp đến các địa phương trong thay đổi tư duy và đổi mới cơ chế chính sách phát triển bền vững vùng, thúc đẩy phát triển các mô hình sinh kế, sản xuất/kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng KH&CN.
Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang gửi lời chúc mừng đến ĐHQG-HCM và Viện Hàn lâm KHXHVN, đồng thời cho biết, trên cơ sở là những đơn vị nghiên cứu và đào tạo hàng đầu của cả nước, trong những năm gần đây, đã có những đột phá, tiên phong trong hoạt động nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt, ĐHQG-HCM và Viện Hàn lâm KHXHVN đã chủ trì phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức thực hiện thành công Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn vừa qua về “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”.
Thứ trưởng cho biết, phát triển bền vững vùng kinh tế - xã hội các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ trong những thập kỷ qua. Qua việc xác định vai trò và tầm quan trọng của KH&CN đối với phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ, ngành KH&CN đã luôn tích cực và chủ động, tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Chương trình đã thể hiện được quy mô tổng hợp liên ngành trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sau 30 năm đổi mới cùng với quan điểm tổng hợp, lồng ghép giữa khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và KHCN dựa trên cơ sở phương pháp tiếp cận cơ bản, có tính xuyên suốt, đó là đưa KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường gắn với an ninh quốc phòng.
Đồng thời, các sản phẩm từ các nhiệm vụ triển khai trong Chương trình ngoài việc được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước có uy tín còn có các sản phẩm đã và đang được chuyển giao cho các bộ/ban/ngành và địa phương gồm: Bộ cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng; Các mô hình sinh kế nuôi trồng, chế biến (dược liệu, cây nông nghiệp, thủy sản,…); Các giải pháp dự báo và mô hình chỉnh trị hạn chế xói lở bờ sông, đề biển,…
Các đại biểu tại điểm cầu Bộ KH&CN
Ứng dụng KH&CN là khâu đột phá trong phát triển kinh tế
Cũng theo PGS.TS Từ Diệp Công Thành, bên cạnh bám sát mục tiêu, được tách chiết để chuyển giao các tỉnh thông qua việc góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ XIII tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ, báo cáo trong các hội nghị, hội thảo khoa học và trong các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương, các hoạt động của Chương trình đã góp phần giúp địa phương dần thay đổi nhận thức, coi việc lựa chọn ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, Chương trình với tính hướng đích và tính ứng dụng cao đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, thiết thực đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững của vùng và các tiểu vùng.
Tuy nhiên, do tình hình diễn biến đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nghiên cứu, triển khai các mô hình trong thực tế, các hoạt động hội nghị, hội thảo, tập huấn, chuyển giao và nhiều hoạt động chuyên môn khác. Do vậy việc tiếp tục được triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2021-2025) dựa trên các nhiệm vụ trong giai đoạn 2014-2020 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô và nghiên cứu chiều sâu trong giai đoạn 2021-2025.
Trong bối cảnh khó khăn trước đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận những nỗ lực của các nhà khoa học, các tổ chức chủ trì, cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình trong việc điều tra, khảo sát và tập huấn các địa phương vùng Tây Nam Bộ, đồng thời đánh giá cao qua những kết quả cụ thể như: triển khai nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ từ các nhiệm vụ đã được chọn lọc, trích xuất tổng hợp để góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ 13 tỉnh vùng Tây Nam Bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020; tư vấn phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Tây Nam Bộ cho kế hoạch 2020 - 2025; đề xuất “Quan điểm và giải pháp về phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045”.
Tuy nhiên, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị các sở, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp của các tỉnh Tây Nam Bộ cần tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN, ĐHQG-HCM, Viện Hàn lâm KHXHVN, các viện, ban ngành liên quan để tiếp nhận kết quả các nhiệm vụ KH&CN vừa qua, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và huy động nguồn lực để ứng dụng và nhân rộng các mô hình, các dự án thử nghiệm nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn hiện nay và định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, ĐHQG-HCM cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các địa phương vùng Tây Nam Bộ để xây dựng khung chương trình (định hướng mục tiêu, nội dung chính, sản phẩm, tiêu chí đánh giá) giai đoạn 5 năm và 10 năm tới dựa trên 03 trục: KHXH&NV, Khoa học tự nhiên và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kính tế - xã hội; KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu,…
Đồng thời, trên cơ sở Khung Chương trình đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt, các bộ ngành, địa phương có liên quan và vùng Tây Nam Bộ cần chủ động lựa chọn các vấn đề KH&CN để đề xuất đặt hàng, gửi Bộ KH&CN tổng hợp và tổ chức thực hiện.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ĐHQG-HCM, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị nghiên cứu, đặc biệt là các địa phương vùng Tây Nam Bộ tổ chức triển khai hiệu quả hơn nữa chương trình KH&CN cấp quốc gia nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu đối với các địa phương vùng Tây Nam Bộ trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu tham dự đã trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu, một số kết quả nổi bật Chương trình Tây Nam Bộ phát triển kinh tế -xã hội ứng phó biến đổi khí hậu một số địa phương, sự đóng góp của Chương trình trong phát triển kinh tế - xã hội,…
Các đề tài, dự án của Chương trình đã đóng góp trực tiếp vào việc nuôi thủy sản tuần hoàn nước