Thứ ba, 30/11/2021 23:04 GMT+7

Đề xuất nghiên cứu mô hình tổng hợp đa bậc dinh dưỡng phục vụ nuôi lồng bè tại Cát Bà

Tại Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng), việc phát triển nuôi lồng bè ồ ạt, dày đặc, tự phát không theo quy hoạch, cùng với nguồn nước trao đổi chủ yếu nhờ vào thuỷ triều, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, vùng nuôi lồng bè tại đây cũng tập trung các dịch vụ du lịch với số lượng khách đáng kể, hằng ngày thải xuống biển một lượng chất thải không nhỏ, làm tăng thêm mức độ ô nhiễm môi trường nước. Do vậy, việc nghiên cứu tìm ra mô hình nuôi mới vừa đảm bảo được yêu cầu xử lý môi trường nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, không phá vỡ quy hoạch vùng nuôi, vừa đảm bảo cảnh quan môi trường biển Cát Bà là hết sức cần thiết.


 

TS. Đinh Văn Nhân cùng các cộng sự Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển nuôi lồng bè bền vững tại Cát Bà bằng mô hình tổng hợp đa bậc dinh dưỡng (IMTA), với mục tiêu xây dựng được mô hình IMTA bền vững theo hướng xử lý chất lượng môi trường nước bằng hệ thống lọc sinh học tự nhiên, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích nuôi tại vùng biển Cát Bà, vừa đảm bảo cải thiện chất lượng môi trường nước, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản đặc thù phục vụ khách du lịch, đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân và không ảnh hưởng đến cảnh quan sinh thái vùng nuôi.

IMTA là một khái niệm được mô phỏng theo sự vận hành vốn có của chuỗi thức ăn trong môi trường biển. Cụ thể là, trong chuỗi thức ăn, một loài luôn tìm thấy phổ thức ăn thích hợp từ chất thải của loài khác tạo ra. Thuật ngữ nuôi tổng hợp đa bậc dinh dưỡng được sử dụng trong trường hợp các sản phẩm phụ (chất thải) từ một loài được tái sử dụng và trở thành đầu vào cho loài khác.

Dự kiến, với thời gian 2 năm, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành nghiên cứu hiện trạng nuôi lồng bè tại Cát Bà, đánh giá sức tải môi trường, từ đó thiết kế và triển khai mô hình IMTA tại đây (với 3 hệ thống lồng nuôi với các đối tượng nuôi đã chọn), đánh giá hiệu quả mô hình, đồng thời đề xuất mô hình IMTA để triển khai vào thực tiễn.

Tại hội nghị tư vấn thuyết minh nhiệm vụ, các thành viên hội đồng cho rằng, đây là một nhiệm vụ cần thiết, liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường bền vững Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tượng nuôi cần được chú trọng để phù hợp với mô hình triển khai (từ nguồn thức ăn theo chuỗi cho đến giá trị kinh tế, điều kiện địa phương). Kết quả của quá trình xử lý môi trường nước từ mô hình sẽ là căn cứ xác định hiệu quả của mô hình cũng như nhân rộng mô hình trong thực tiễn…

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng

Lượt xem: 985

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)