Trong khuôn khổ Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt” do Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức, ông Tạ Hồng Sơn - Bí thư Đoàn Bộ NN&PTNT cho biết, chất lượng, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Cơ quan quản lý nhà nước đã thiết lập và không ngừng hoàn thiện quy định pháp lý về chất lượng An toàn thực phẩm (ATTP) trong chuỗi sản xuất kinh doanh từ khâu sản xuất ban đầu cho tới tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, ATTP. Trong nỗ lực minh bạch hóa thị trường, nâng cao uy tín, trách nhiệm cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, hoạt động Truy xuất nguồn gốc (TXNG) luôn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Hiểu một cách khái quát, TXNG là chỉ ra chính xác một đơn vị sản phẩm thuộc về lô sản phẩm nào, sản xuất ở đâu, sử dụng chất gì trong quá trình sản xuất, đồng thời cung cấp thông tin làm rõ trách nhiệm các bên liên quan tới việc sản xuất, đóng gói, phân phối,... lô sản phẩm từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng.
TXNG sản phẩm giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và cung cấp sự đảm bảo cho khách hàng. TXNG giúp người tiêu dùng và đối tác thương mại có thể biết thông tin về sản phẩm từ khâu sản xuất tới lưu thông trên thị trường. Điều này tạo thêm sự tin tưởng của khách hàng đối với nhà sản xuất.
TXNG là quy định bắt buộc ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Do đó, TXNG sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu. “Trước xu thế mới của thị trường, để có thể gia nhập các thị trường khó tính và nâng cao sự cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước, Việt Nam đã nỗ lực triển khai việc TXNG sản phẩm trong những năm qua”, ông Sơn cho hay.
TXNG sản phẩm giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và cung cấp sự đảm bảo cho khách hàng.
Theo ông Sơn, đối với thị trường trong nước, việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thiết lập hệ thống thông tin liên quan đến quá trình sản xuất từ đó truy xuất được thông tin khi có sự cố về ATTP giúp hoạt động điều tra nguyên nhân, thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn của doanh nghiệp dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước được hiệu quả và chính xác.
Đối với các thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU)... cũng đều đưa ra các quy định bắt buộc về việc thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp của nước xuất khẩu tiêu biểu như: Quy định 178/2002/E của Liên minh Châu Âu (EU), Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) của Hoa Kỳ, Quy định của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, ATTP đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu... Thực tế cho thấy, việc xây dựng hệ thống quy định này của các nước có xu hướng tăng với nội dung ngày càng chặt chẽ hơn.
Trong bối cảnh đó, nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp và hội nhập với xu thế toàn cầu hóa, Chính phủ đã xây dựng và ban hành hệ thống khung pháp lý trong đó có quy định các yêu cầu liên quan đến truy xuất nguồn gốc: Luật ATTP số 55/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ 01/07/2011, Nghị định số: 15/2018/NĐ-CP quy định một số điều chi tiết của Luật ATTP có hiệu lực thi hành từ ngày 02/02/2018 và chỉ đạo các Bộ ngành xây dựng các thông tư hướng dẫn có liên quan thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ hoạt động truy xuất nguồn gốc như: hệ thống mã số mã vạch theo tiêu chuẩn GS1, Mã QR (QR code), xác thực nguồn gốc... Điển hình như Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Trong thời gian qua, rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp sử dụng mã QR code để cung cấp thông tin về sản phẩm và gọi đó là tem TXNG, tuy nhiên, hoạt động truy xuất thông qua tem truy xuất này chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức.
Tem truy xuất mới chỉ sử dụng được hệ thống mã nội bộ, chỉ có khả năng truy xuất trong cùng hệ thống, chưa đáp ứng đúng yêu cầu truy xuất. Các hệ thống TXNG mang tính khép kín, chưa được kết nối với cơ quan quản lý, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống TXNG này có thể tham gia với các hệ thống TXNG khác cũng như kết nối với các hệ thống TXNG của các nước khác trên thế giới.
Với Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 đang được dự thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước và sẽ trình trong cuối quý từ năm 2021. Chiến lược này sẽ hiện thực hoá các quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đại hội XIII của Đảng.
Đó là, nhấn mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp dựa trên động lực “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chiến lược xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”. Các chiến lược này triển khai trong thời gian tới thì việc thực hiện TXNG là xu thế tất yếu, trở thành vấn đề cấp thiết và là yêu cầu bắt buộc trong xuất, nhập khẩu, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá nông sản.
Thực tiễn quá trình triển khai công tác đoàn những năm vừa qua, tại các địa phương, phong trào thanh niên khởi nghiệp từ ngành nông nghiệp được phát động sôi nổi và thực hiện có hiệu quả hay doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp cũng quan tâm nhiều hơn tới việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Nhiều thanh niên đã biết lựa chọn hướng đi đúng, mạnh dạn đầu tư để xây dựng mô hình mới, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, rất nhiều đoàn viên thanh niên trên cả nước đã khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp mong muốn được tiếp cận với quy định, chính sách trên đồng thời mong muốn có những diễn đàn để tìm hiểu, chia sẻ, kết nối thông tin liên quan hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.