Chủ nhật, 21/11/2021 10:53 GMT+7

Áp dụng công cụ cải tiến, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất

Áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng (NSCL) sản phẩm hàng hóa là một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định nói riêng tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Theo thông tin từ Sở KH&CN tỉnh Nam Định, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) sản phẩm hàng hóa, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động khảo sát nhu cầu, đánh giá thực trạng NSCL, hoạt động cải tiến năng suất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ đó nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động NSCL dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tiếp tục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về NSCL thông qua hoạt động đào tạo, phổ biến, tuyên truyền… giúp doanh nghiệp cũng như cán bộ của các cơ quan quản lý nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về nâng cao NSCL, hình thành được phong trào NSCL trên địa bàn toàn tỉnh với mọi loại hình doanh nghiệp.

Hoạt động do Sở tiến hành sẽ ưu tiên những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về tài chính và tham vọng cải tiến NSCL để hỗ trợ một cách toàn diện, xây dựng mô hình điểm để rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu trong quá trình thực hiện các dự án nâng cao NSCL tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cố gắng hình thành được lực lượng chuyên gia về NSCL tại địa phương, trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức đúng đắn về NSCL và triển khai các dự án hỗ trợ nâng cao NSCL cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Quyết định số 1322/QĐ-TTg và Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các chuyên mục quảng bá các mô hình điểm về NSCL và đổi mới sáng tạo để tuyên truyền cho hoạt động NSCL trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo đánh giá của Sở KH&CN tỉnh Nam Định, thời gian qua, việc hỗ trợ nâng cao NSCL đã góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh tăng cơ hội tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh chinh phục thị trường, khách hàng, gia tăng lợi nhuận, củng cố thương hiệu.

Cụ thể, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, UBND  tỉnh Nam Định đã phê duyệt Dự án nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở KH&CN phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh như dệt may; cơ khí; sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng… tham gia Dự án để được hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001, ISO 14000, HACCP, ISO/IEC 17025), công cụ cải tiến NSCL (Kaizen, 5S, Lean Six Sigma)… và hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
 

Nhiều doanh nghiệp tại Nam Định thời gian qua đã được hưởng lợi từ các chương trình thúc đẩy năng suất chất lượng. Ảnh minh họa
 

Căn cứ theo quy mô và điều kiện hoạt động của từng doanh nghiệp, Sở KH&CN đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phương án hỗ trợ cụ thể, phù hợp. Với các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, VietGAP sẽ được hỗ trợ sản phẩm là chứng nhận ISO và VietGAP; các doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến 5S, Lean với sản phẩm là báo cáo đánh giá hiệu quả bằng các số liệu về giảm nhân lực, nguyên liệu, nhiên liệu; các doanh nghiệp được hỗ trợ kiểm toán năng lượng có sản phẩm là báo cáo tính toán mức năng lượng sử dụng hợp lý và lãng phí, đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng… Đến nay, toàn tỉnh đã có 150 lượt doanh nghiệp tham gia và được hỗ trợ hướng dẫn áp dụng các mô hình mới để cải tiến NSCL.

Một số doanh nghiệp điển hình, áp dụng thành công các mô hình cải tiến như Công ty Cổ phần May Nam Hà. Đây là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao NSCL trong ngành Dệt may Việt Nam, với sự hỗ trợ áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến NSCL như: ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen.

Hay như Công ty TNHH Thắng Lợi (Khu công nghiệp Hòa Xá) khi được hỗ trợ áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng ISO 9000, 5S, Kaizen, LEAN vào hoạt động quản lý cũng như sản xuất đã đưa năng suất tổng thể của doanh nghiệp tăng lên 20% so với trước đó, sản phẩm sai, lỗi giảm từ 4,5% xuống còn 2,3%. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Nam Dược, Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà, Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định, Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc… cũng đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến NSCL vào hoạt động của doanh nghiệp đã nâng cao được năng suất tổng thể của doanh nghiệp từ 20-30% so với trước. 

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thích ứng nhanh và tích cực tham gia để cải tiến NSCL vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ với vấn đề này. Khi Sở KH&CN tỉnh Nam Định tiến hành khảo sát tại 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nhu cầu nâng cao NSCL thì đa số doanh nghiệp phản hồi đều có mong muốn được đào tạo nâng cao nhận thức, áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến NSCL vào hoạt động của mình.

Song khi triển khai các dự án về NSCL, triển khai Nghị quyết 42/2017/NQ-HĐND ngày 10-7-2017 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Nam Định để giúp doanh nghiệp nâng cao NSCL thì nhiều doanh nghiệp lại không tham gia.

Một số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia các dự án về NSCL, gặp gỡ và được sự tư vấn của cơ quan quản lý, các chuyên gia NSCL nhưng sau đó lại hủy với nhiều lý do như cán bộ, công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu; sợ thay đổi, làm xáo trộn hoạt động; chưa sẵn sàng đầu tư kinh phí đối ứng cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước để cải tiến doanh nghiệp; không bố trí được nhân lực cũng như thời gian để triển khai; phải thực hiện nhiều thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu khi tham gia dự án…

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 2304

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)