Vệ tinh NanoDragon là một trong 15 vệ tinh được JAXA chọn lựa sẽ phóng lên quỹ đạo bởi tên lửa Epsilon, theo dự kiến là trong năm 2021 của Nhật Bản. NanoDragon là vệ tinh được thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam và là một sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển vệ tinh nhỏ “made in Vietnam” của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4-2-2021.
Vệ tinh NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano, nặng 3,8kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5mm), được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phát triển. Vệ tinh là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020”. Quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, do các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đảm nhận. Ngoài ra, toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn và một số mạch phụ trợ khác của vệ tinh cũng được tự chế tạo tại Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Xuân Huy, Trưởng nhóm nghiên cứu vệ tinh NanoDragon cho biết, vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ. Vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560km.
Sau khi hoàn thành quá trình chế tạo, tích hợp và thử nghiệm chức năng tại Việt Nam, từ ngày 9-3 đến 9-4-2021, vệ tinh đã được gửi sang Trung tâm Thử nghiệm vệ tinh nhỏ, Học viện Công nghệ Kyushu (Nhật Bản) để tiến hành thử nghiệm môi trường trước khi phóng. Các thử nghiệm bao gồm: Thử nghiệm vệ tinh làm việc trong môi trường nhiệt, chân không trong vũ trụ; kiểm tra độ chính xác kích thước chế tạo vệ tinh với hệ thống phóng; kiểm tra độ cứng, vững chắc của vệ tinh... Kết thúc thử nghiệm, vệ tinh NanoDragon đạt mọi chỉ tiêu theo yêu cầu của nhà phóng và yêu cầu thiết kế. Sau khi thử nghiệm tại Nhật Bản, vệ tinh quay trở lại Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện.
Song song với quá trình phát triển vệ tinh, một trạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng đã được phát triển và hoàn thành việc lắp đặt tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội). Hiện tại, trạm mặt đất đã sẵn sàng hoạt động. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, công nghệ vũ trụ là một ngành công nghệ cao được tích hợp từ nhiều ngành khoa học công nghệ khác nhau, nhằm chế tạo và ứng dụng các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa đẩy, trạm mặt đất… để khám phá, chinh phục, sử dụng khoảng không vũ trụ vì lợi ích con người. Việt Nam đã từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh thông qua việc thiết kế, chế tạo từ vệ tinh siêu nhỏ, vệ tinh nhỏ đến những vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến nhất là công nghệ radar (LOTUSat-1).
Trước NanoDragon, tháng 1-2019, vệ tinh MicroDragon (50kg) đã được nhóm 36 cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản, được phóng thành công lên quỹ đạo và đã thu nhận được ảnh chụp từ vệ tinh. Năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo cũng đã được phóng lên quỹ đạo và thu được tín hiệu.
Liên kết nguồn tin:
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1009126/nanodragon-cua-viet-nam-chuan-bi-duoc-phong-len-vu-tru