Hội thảo trực tuyến Giới thiệu GII năm 2021 và Kết quả của Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đại diện WIPO cho biết, việc Việt Nam tiếp tục dẫn đầu như là một tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia.
Việc Nghị quyết của Chính phủ Việt Nam đã đề xuất GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo của quốc gia là thí dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển quốc gia.
Các quốc gia khác đang học hỏi từ Việt Nam về khía cạnh này và về cách sử dụng GII một cách có hệ thống để đánh giá những thay đổi về kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo ở cấp độ cao nhất, phục vụ cho việc đánh giá chính sách.
Đánh giá về chỉ số xếp hạng của Việt Nam, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, trong báo cáo GII 2021 của WIPO vừa công bố thì Việt Nam tiếp tục được nhắc đến như quốc gia có tiến bộ một cách có hệ thống và có tiềm năng.
Việc tiếp tục giữ vững vị trí của Việt Nam về đổi mới sáng tạo trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu từ 2017 đến nay cho thấy những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã được chuyển thành các hành động, nỗ lực cụ thể của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Kết quả này là rất đáng ghi nhận nhưng cũng đặt ra thách thức to lớn trong thời gian tới, làm thế nào để tiếp tục phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới ứng phó một cách hiệu quả với đại dịch Covid -19 và thúc đẩy được phục hồi sau đại dịch.
Để vượt qua thách thúc này đòi hỏi nỗ lực không mệt mỏi của các cấp, các ngành trong cả nước về đổi mới sáng tạo.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, qua chỉ số GII cũng cho thấy một số hạn chế còn tồn tại.
Về vấn về Thể chế, có hai chỉ số quan trọng còn được đánh giá chưa cao dù đã có những thay đổi tích cực những năm gần đây là Hiệu lực chính phủ và Chất lượng các quy định pháp luật.
Hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) tuy đã có những tiến bộ vượt bậc trong những năm qua nhưng chưa theo kịp sự phát triển chung của thế giới, vẫn còn đi sau nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngành công nghiệp sáng tạo đã xuất hiện những chỉ dấu tích cực, nhưng xét tổng thể chưa được chú trọng và có chiến lược phát triển rõ ràng. Trong khi đó, đây là ngành công nghiệp có nhiều đổi mới sáng tạo và được quan tâm phát triển ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Các hoạt động đầu tư nói chung, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và cho đổi mới sáng tạo nói riêng còn ở mức thấp. Các ngành sử dụng nhân lực trình độ cao chiếm tỷ trọng nhỏ.
Chưa có nhiều trường đại học có chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế để đào tạo nhân lực trình độ cao, tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển, sáng tạo tri thức, lan truyền tri thức. Các đại học ở Việt Nam chưa thu hút được nhiều sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu....
Trong bảng xếp hạng GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế (so với thứ hạng 42 năm 2019 và năm 2020) sau khi WIPO đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu.
Liên kết nguồn tin:
https://nhandan.vn/science-news/viet-nam-nhan-thuc-duoc-tam-quan-trong-cua-doi-moi-sang-tao-doi-voi-su-phat-trien-666019/