Thứ tư, 10/11/2021 16:36 GMT+7

Tọa đàm Kết nối ứng dụng, chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào

Ngày 5/11/2021, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Vụ Công nghệ và Đổi mới - Bộ Công nghệ và Truyền thông, CHDCN Lào; Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trường Đại học Cửu Long tổ chức Tọa đàm “Kết nối ứng dụng, chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào” theo hình thức trực tuyến tại 04 điểm cầu: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long và thủ đô Viêng Chăn - Lào.

Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện Dự án Kết nối Doanh nghiệp vừa và nhỏ (LinkSME) thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Vĩnh Long và một số đơn vị trực thuộc có liên quan…

Các đại biểu tham gia qua các đầu cầu trực tuyến

Tiếp nối các hoạt động hợp tác, ký kết thỏa thuận tại Diễn đàn Xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào năm 2018 và trên cơ sở nhu cầu đề xuất 18 dự án của Bộ Công nghệ và Truyền thông CHDCND Lào. Các đại biểu đã tập trung trao đổi thảo luận về việc phối hợp cùng nghiên cứu của các nhà khoa học hai nước, sự hợp tác nghiên cứu - ứng dụng, sản xuất - kinh doanh giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp của Việt Nam và Lào trong lĩnh vực bảo quản và chế biến nông - lâm - thủy sản nhằm thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho một số sản phẩm sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Lào; phối hợp tổ chức Diễn đàn Xúc tiến Chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào trong giai đoạn tới.

Vụ Công nghệ và Đổi mới Lào giới thiệu 18 dự án và đề xuất 04 dự án trọng tâm để triển khai thực hiện ngay trong năm 2022, đó là: Dự án sử dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực thương mại; Dự án Nghiên cứu khoa học Làng thông minh; Dự án nghiên cứu, sử dụng công nghệ hiện đại nhằm cải thiện nền nông nghiệp sạch tại huyện Păk Ngum; Dự án nghiên cứu và đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm bao bì thực phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên. Qua đề xuất của đối tác Lào, PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã giới thiệu 4 nhóm công nghệ, thiết bị của Viện và tư vấn cho đối tác Lào về các công nghệ, thiết bị ứng dụng trong lâm sản, thủy sản và chăn nuôi gia súc. Ông nhận định các thế mạnh của Lào và chia sẻ về cơ bản các kết quả nghiên cứu và sản phẩm của Viện phù hợp để ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các đối tác của Lào.
 

Bà Trần Thị Hồng Lan phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tổng kết ý kiến các đơn vị Việt Nam, Lào và chuyên gia quốc tế. Các bên đã thống nhất trong việc phối hợp triển khai hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đã làm rõ được khung hợp tác tổng thể. Đồng thời đưa ra định hướng đối với một số hoạt động hợp tác của hai nước, đặc biệt lựa chọn, đánh giá đề xuất các dự án khả thi để hai bên cùng phối hợp triển khai, bên cạnh đó cũng cần xây dựng lộ trình cụ thể đối với việc thực hiện các dự án này nhằm đạt hiệu quả hợp tác cao nhất.

Bà Trần Thị Hồng Lan chia sẻ Tọa đàm là sự kết nối, là cơ hội để hai bên trao đổi, hợp tác nghiên cứu công nghệ cũng như hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực chế biến, bảo quản các sản phẩm nông lâm nghiệp trọng điểm và đổi mới sáng tạo giữa nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ, doanh nghiệp, cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ của Việt Nam và Lào để thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao, nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng công nghệ. Tập trung đưa khoa học, công nghệ trở thành động lực, then chốt và trụ cột vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa đất nước tiến lên công nghiệp, hiện đại góp phần thắt chặt tình hữu nghị và làm sâu sắc hơn quan hệ gắn bó, tin cậy, đồng thời hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế của hai nước./.

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 990

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)