Tham dự buổi Tọa đàm có Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan, đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số phòng, đơn vị thuộc Cục; Viện Cơ điện có PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng, lãnh đạo và cán bộ một số phòng, đơn vị thuộc Viện; về phía Trường Đại học Cửu Long có TS. Nguyễn Thanh Dũng, Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các khoa, phòng và đơn vị của Trường cùng một số doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Điểm cầu tại Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ
Tại buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Thanh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long đã có báo cáo đánh giá về nhu cầu ứng dụng, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Theo đánh giá tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông các sản phẩm nông sản thời gian qua trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số sản phẩm chủ lực của vùng khó tiêu thụ, trong khi chưa có nhiều giải pháp công nghệ trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh và vùng có nhu cầu tìm kiếm công nghệ như: bảo quản, chế biến lúa gạo, khoai lang tím, một số trái cây có múi, sản xuất phân bón hữu cơ,…
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện chia sẻ về một số giải pháp công nghệ phù hợp với nhu cầu đặt hàng của tỉnh Vĩnh Long và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở nhu cầu của địa phương theo đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực ứng dụng và chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ từ nước ngoài... của tỉnh Vĩnh Long và nhu cầu ứng dụng công nghệ trong vùng, Viện Cơ điện đã đề xuất phương án phối hợp với Trường đại học Cửu Long và một số cơ quan, doanh nghiệp trong vùng lựa chọn một số nhóm nhiệm vụ theo quy mô phù hợp để xử lý như: nhóm sản phẩm trái cây, nhóm sản phẩm về cây lương thực, nhóm sản phẩm về thủy sản,... Viện Cơ điện giới thiệu một số công nghệ do viện làm chủ, đang ứng dụng thành công trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản có thể ứng dụng cho một số nhóm sản phẩm của vùng đồng bằng sông Cửu Long như: công nghệ bao gói khí quyển biến đổi (MAP), công nghệ chế biến purê cho trái cây; công nghệ chế biến các sản phẩm khoai lang tím (chế biến tinh bột, purê, snack,...), công nghệ chế biến tinh dầu cám gạo; công nghệ cấp đông nhanh cho một số sản phẩm trái cây và thủy sản,...
Các điểm cầu tham gia Tọa đàm
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đánh giá cao về sự quan tâm và tích cực tham gia của các đơn vị trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống, trong đó có lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng chí đề nghị các phòng, đơn vị chuyên môn tập trung tham mưu lãnh đạo Cục để thường xuyên có hoạt động kết nối cung cầu công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu của viện, trường vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, theo định hướng nghiên cứu và đặt hàng của địa phương, các viện, trường cần phối hợp trong đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề cấp thiết địa phương, hoặc đề xuất tham gia các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia để giải quyết các vấn đề của vùng, khu vực trong thời gian tới./.