Thứ sáu, 15/10/2021 21:00 GMT+7

Ứng dụng vi lượng đất hiếm phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn và bền vững

Ngày 9/10/2021, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VinAtom) phối hợp với Công ty Cổ phần Atomfeed Việt Nam cho ra mắt sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa 2 bên được ứng dụng vi lượng đất hiếm trong nuôi trồng thủy sản: Sản phẩm “Cá kho nhà mình” gắn với Mô hình nuôi cá trắm cỏ tại Hà Nam.

Trên cơ sở Bản ghi nhớ “Hợp tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ và an toàn, bền vững” giữa CTCP Atomfeed Việt Nam và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam vào ngày 25/02/2021, Atomfeed đã tiên phong triển khai một số ứng dụng công nghệ vi lượng đất hiếm của VinAtom trong nông nghiệp. Công ty đã ứng dụng thành công các dự án: Nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Bến Tre; Trồng trà tại Thái Nguyên với thương hiệu trà Tea Del Sol; Cá lồng bè tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Tiếp nối thành công đó, Atomfeed Việt Nam và VinAtom đã triển khai dự án hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ vào mô hình: “Nuôi cá trắm cỏ” tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và giới thiệu sản phẩm “Cá kho nhà mình” từ mô hình này.

Tham dự buổi Lễ ra mắt sản phẩm có: ông Trần Hồng Hà – Nguyên Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Về phía Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam có ông Trần Chí Thành – Viện trưởng, ông Phạm Quang Minh – Phó Viện trưởng; ông Hoàng Nhuận – Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm; ông Đặng Quang Thiệu – Giám đốc Trung tâm Chiếu Xạ Hà Nội và một số cán bộ của Viện NLNTVN. Về phía Công ty Atomfeed có ông Nguyễn Trọng Tín – Giám đốc và các thành viên Hội đồng quản trị, Lãnh đạo phòng ban. Ngoài ra, có đại diện của Lãnh đạo Đoàn Bộ KH&CN, Lãnh đạo Đoàn Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đại diện của các cơ quan báo chí: Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Truyền hình Quốc hội, báo Vnexpress và Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
 

Viện trưởng Trần Chí Thành phát biểu tại buổi Lễ ra mắt sản phẩm

Phát biểu tại buổi Lễ ra mắt sản phẩm, Viện trưởng Trần Chí Thành đã bày tỏ niềm vui trước những kết quả ban đầu trong hợp tác giữa 2 bên nhằm đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ và an toàn, bền vững. Viện trưởng cho biết ứng dụng của vi lượng đất hiếm vào nông nghiệp đang thể hiện hiệu quả vượt trội và có nhiều tiềm năng. Hiện nay, năng lượng nguyên tử đang được ứng dụng rộng rãi trong các ngành: Y tế (chẩn đoán và điều trị ung thư), nông nghiệp (chiếu xạ xuất khẩu, tạo giống cây trồng, nuôi trồng…), công nghiệp (kiểm tra, đánh giá công trình) và tài nguyên môi trường.

Tại Trung Quốc, việc ứng dụng đất hiếm trong trồng trọt được tiến hành từ năm 1972 với nhiều thí nghiệm quy mô nhỏ và lớn đã được tiến hành. Kết quả thu được cho thấy đất hiếm có ảnh hưởng tới nhiều loại cây trồng. Trong chăn nuôi, khi tình trạng kháng kháng sinh ở vật nuôi lan rộng khắp thế giới, các nhà khoa học đã nghiên cứu tìm chất thay thế kháng sinh. Đến năm 2006, Thụy Điển cấp phép tạm thời sử dụng vi lượng đất hiếm trong thức ăn chăn nuôi. Qua quá trình dài nghiên cứu, thử nghiệm, đến năm 2020, châu Âu chính thức cấp phép cho vi lượng đất hiếm để sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

Tại Việt Nam, những nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên về ảnh hưởng của đất hiếm đến sự phát triển của một số cây trồng đã được tiến hành từ những năm 1990 và lần đầu tiên được áp dụng trên đồng ruộng vào năm 1993. Chế phẩm phun lá đất hiếm 93 dùng trong nông nghiệp như một thứ phân bón vi lượng, giảm lượng phân bón thông thường. Hiện nay, Viện NLNTVN đã có nhiều nghiên cứu và triển khai ứng dụng sản phẩm chứa vi lượng đất hiếm giúp tăng năng suất và tăng chất lượng trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ hải sản tại một số địa phương và đã thu được những kết quả tốt về chất lượng, có hiệu quả kinh tế cao và vẫn bảo vệ được sức khỏe của người tiêu dùng, như: sử dụng phân bón chứa vi lượng đất hiếm cho cây chè, và cây dược liệu; sử dụng vi lượng đất hiếm trong thức ăn chăn nuôi (gà, lợn) và nuôi trồng thuỷ sản.
 

Phó Viện trưởng Phạm Quang Minh phát biểu tại buổi Lễ ra mắt sản phẩm

TS. Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN cho biết, trong đất hiếm có 17 nguyên tố, nhưng chỉ có hai nguyên tố là lanthan và xeri được sử dụng phổ biến trong nông nghiệp. Lanthan (Lanthanum) và xeri (Cerium) là hai nguyên tố tương đồng với canxi, giúp vật nuôi chắc xương, cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.

Ở vật nuôi, trong thức ăn có các vi lượng đất hiếm sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa, có tác dụng như kháng sinh, nhưng không để lại dư lượng trong con vật mà đào thải qua đường tiêu hóa. Các enzym sinh ra trong quá trình tiêu hóa giúp vật nuôi khỏe mạnh, kháng lại các điều kiện khắc nghiệt.

Theo tính toán, một kg thức ăn khi phối trộn nguyên tố đất hiếm sẽ tăng giá thêm gần 200 đồng. Đây cũng là mức giá phổ biến ở những quốc gia ứng dụng vi lượng đất hiếm vào chăn nuôi, nông nghiệp. Nguyên tố này có thể sử dụng cho các loại vật nuôi khác nhau theo tỉ lệ phối trộn nhất định.

Nhóm thử nghiệm đã lên biểu đồ theo dõi sức khỏe, sức ăn của cá theo từng giai đoạn. Thức ăn được sản xuất từ những nguyên liệu hữu cơ kết hợp với chế phẩm vi lượng đất hiếm không chất tạo mùi, không có chất tăng trọng. Cá lớn đạt theo biểu đồ tăng trưởng: cá chắc thịt, không bị phình bụng, không bị nhiều mỡ. Sau gần 10 tháng, sản lượng cá khi đến vụ là khoảng 20 tấn/ao. Dự kiến sau khi kết thúc giai đoạn nuôi thử nghiệm tại Hà Nam, Atomfeed sẽ mở rộng mô hình nuôi cá rộng đến 4,3 ha tại Thanh Trì, Hà Nội.
 

Ông Nguyễn Trọng Tín, Giám đốc CTCP Atomfeed Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ ra mắt sản phẩm

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Giám đốc CTCP Atomfeed Việt Nam, công ty đã phối hợp với VinAtom tham gia ứng dụng vi lượng đất hiếm trong nuôi trồng thủy sản tại nhiều địa phương. Trong đó, có công trình thí nghiệm nuôi cá trắm cỏ tại tỉnh Hà Nam. Qua thời gian nghiên cứu cho thấy, mặc dù chọn loại cá giống bé hơn, mật độ thả cá cao hơn, thả cá trong thời tiết khắc nghiệt hơn vẫn cho ra chất lượng sản phẩm tốt hơn nuôi bằng thức ăn truyền thống. Khi thu hoạch cá, có thể thấy chất lượng cá cao gấp nhiều lần cách nuôi truyền thống. Đồng thời môi trường nước cũng được cải thiện rõ rệt, người nông dân có thể nuôi nhiều vụ trong năm. Người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng truy quét nguồn gốc sản phẩm, thời gian nuôi trồng và các vi lượng có hại cho cơ thể trong quá trình nuôi. Vi lượng đất hiếm tạo ra hiệu quả cho hệ tiêu hóa cá nước ngọt từ đó tăng sức đề kháng, tăng trưởng ổn định trong mọi loại thời tiết của miền Bắc. Ngoài ra, sử dụng vi lượng đất hiếm trong chế phẩm nước uống cho gà thịt và gà để trứng giúp tăng đề kháng, chống chọi bệnh tật như cúm gà, gà thịt tăng trưởng tốt, sản lượng trứng đều và chất lượng, cho phép kéo dài thời gian khai thác trứng từ 2 – 4 lần so với bình thường.

 Ông Nguyễn Trọng Tín cho biết: Sản phẩm “Cá kho Nhà Mình”- Một trong những kết quả thuộc chương trình Hợp tác giữa 2 bên xuất phát từ thành quả của mô hình và mong muốn giữ gìn hương vị đặc sản của quê hương, cũng như lan tỏa sự thành công của những ứng dụng Năng lượng nguyên tử ở Việt Nam, CTCP Atomfeed Việt Nam đã phát triển thương hiệu “CÁ KHO NHÀ MÌNH”. Đây không chỉ là thành quả sau thời gian dài ấp ủ, mà còn là đứa con tinh thần, sự tiếp nối truyền thống đẹp đẽ của dân tộc.
 

Sản phẩm “Cá kho nhà mình”

Từ thành quả của mô hình – những lứa cá trắm đủ tiêu chuẩn sẽ được chọn để thực hiện món cá kho theo công thức làng Vũ Đại và sử dụng các nguyên liệu như gừng, riềng, ớt…; Cá được kho bằng niêu đất; niêu đều được lựa chọn những loại niêu tốt nhất từ Nghệ An, Thanh Hóa. Củi đun bằng củi nhãn là loại củi cháy lâu; than đượm giúp giữ nhiệt độ ổn định trong suốt quá trình kho.

Dưới bàn tay khéo léo và lành nghề của các nghệ nhân kho cá, sau quá trình 10-12 tiếng đun trên lửa nhỏ, đã hoàn thành một niêu cá kho ngon đúng điệu. Thịt cá săn chắc, hương vị thơm ngon của cá hòa quyện với các nguyên liệu theo công thức gia truyền. Sản phẩm cá kho nhà mình được hoàn thành từ những nguyên liệu hết sức đơn sơ và thân thuộc: Giỏ dựng được đan bằng cỏ bằng, loài cỏ dại mọc hoang có từ bao giờ, Niêu cá là niêu đất, là đồ vật được sử dụng rộng rãi, gắn bó với người dân, trải qua cùng với sự phát triển theo dòng lịch sử của dân tộc.

Các phụ kiện đi kèm là giấy carton tái chế và dây dừa đều là những vật dụng an toàn với môi trường.

Như vậy, sản phẩm đầu tiên được ứng dụng vi lượng đất hiếm trong nuôi trồng thủy sản được xây dựng thương hiệu “Cá kho nhà mình”- Mô hình nuôi cá trắm cỏ tại Hà Nam đã đến với người tiêu dùng, đánh dấu thành công trong sự hợp tác giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Công ty Cổ phần Atomfeed, hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng tốt nhất cho cộng đồng. Hy vọng rằng, với sự hợp tác ngày càng phát triển, hai bên sẽ trở thành những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch nhờ ứng dụng khoa học công nghệ cao và mang đến nhiều giá trị bền vững cũng như các sản phẩm hợp tác cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2015

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)