Các đại biểu của Viện NLNTVN cùng chuyên gia IAEA và các nước tham dự
Hội thảo nằm trong kế hoạch hoạt động thường niên của Nhóm chủ đề về Giáo dục và đào tạo (ETTG), có sự tham dự của hơn 20 đại biểu là đại diện các quốc gia thành viên Mạng lưới như Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Sing-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc và các chuyên gia đến từ Cơ quan An toàn bức xạ và hạt nhân Phần Lan (STUK), Công ty Marler - Mỹ cùng các chuyên gia của IAEA.
Mục tiêu chính của hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về chiến lược thu hút, phát triển và giữ chân nguồn nhân lực có trình độ cao dựa trên cách tiếp cận chiến lược của IAEA nhằm nâng cao năng lực an toàn bức xạ và hạt nhân; đồng thời thảo luận một số mô hình tiêu biểu về vấn đề quản lý nhân tài tại các tổ chức hạt nhân trong nước phục vụ lợi ích cho cơ quan pháp quy. Phát biểu giới thiệu Hội thảo, ông Geza Macsuga, chuyên gia an toàn hạt nhân của IAEA đã giới thiệu 12 hoạt động cụ thể của IAEA nhằm hỗ trợ các nước thành viên sau sự kiện Fukushima 2011. Ông cũng chia sẻ rằng IAEA luôn song hành, hỗ trợ các quốc gia trong Mạng lưới ANSN xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng nhằm bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân tại mỗi nước.
Phó Viện trưởng Trần Ngọc Toàn tham dự và phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN cho biết chủ đề của Hội thảo cũng chính là thách thức mà Việt Nam phải đối mặt sau khi dừng dự án điện hạt nhân vào năm 2016. TS. Trần Ngọc Toàn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề phát triển nguồn nhân lực cùng những đóng góp của IAEA cũng như Mạng lưới ANSN trong những năm qua dành cho các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Hội thảo sẽ là cơ hội hữu ích cho không chỉ Việt Nam, mà cho tất cả các nước có chung khó khăn trong xây dựng, duy trì nguồn nhân lực an toàn bức xạ và hạt nhân.
Trong 05 ngày, Hội thảo sẽ tập trung vào việc xây dựng và thực hiện các chiến lược quốc gia về phát triển và duy trì năng lực về an toàn bức xạ và hạt nhân, việc áp dụng các nguyên tắc của phương pháp tiếp cận có hệ thống của IAEA để đào tạo và quản lý năng lực cán bộ trong một hệ thống quản lý tích hợp. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề sáp nhập, giảm quy mô cơ cấu và các vấn đề liên quan khác.
Phía Việt Nam tham dự đóng góp cho Hội thảo 02 bài trình bày về “Chiến lược quốc gia về xây dựng năng lực trong an toàn bức xạ và hạt nhân của Việt Nam” và “Chiến lược xây dựng năng lực tại Viện NLNTVN”.
Phát triển nguồn nhân lực là một trong những biện pháp chính được xác định để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Hợp tác giữa Việt Nam và IAEA tập trung chủ yếu vào vấn đề phát triển nguồn nhân lực bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong những năm qua, phát triển nguồn nhân lực là chủ đề quan trọng bao gồm trong các chương trình đào tạo hoặc Hội thảo khu vực của Mạng lưới ANSN dành cho Việt Nam./.