Thứ năm, 14/10/2021 14:18 GMT+7

Tuần lễ ISO 2021: Hướng đến những giá trị đổi mới

BSI (Cơ quan Tiêu chuẩn hoá Anh Quốc) đã chủ trì Tuần lễ ISO 2021 diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ hơn 100 cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia là thành viên của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế ISO.

“Tương lai đã bắt đầu” là chủ đề năm nay, bằng phương thức cùng nhau hợp tác hành động, chúng ta có thể sử dụng Tiêu chuẩn để đạt được một thế giới tốt đẹp và bền vững – điều mà Chiến lược ISO 2030 hướng đến để đáp ứng 17 SDGs của Liên Hợp quốc (UN).

Tuần lễ ISO 2021 cũng là lần đầu tiên ISO tổ chức hoàn toàn trực tuyến trên nền tảng được thiết kế riêng. Việc làm này như một lời cam kết của ISO đưa ra trong Đại hội đồng ISO năm nay rằng ISO sẽ đẩy mạnh tổ chức các hội thảo, hội nghị, workshop theo phương thức kết hợp trực tuyến – trực tiếp (hybrid) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên, đặc biệt là các thành viên đến từ các nước đang phát triển có cơ hội được tiếp cận sâu rộng hơn vào việc xây dựng tiêu chuẩn.

Toàn thể Đại hội đồng ISO 2021 cũng lần đầu tiên chứng kiến sự ra mắt của Tân Chủ tịch ISO đến từ Thuỵ Điển sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 1/2022 – bà Ulrika Francke sẽ tiếp quản vị trí này ngay sau khi ông Eddy Njoroge hoàn thành nhiệm kỳ của mình. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế ISO có nữ giới đảm nhận vị trí cao nhất của Tổ chức này.Điều này cũng một lần nữa khẳng định sự thúc đẩy mạnh mẽ mạng lưới về giới của ISO – đặc biệt là nữ giới tham gia vào các hoạt động của Tổ chức.
 

Bà Ulrika Francke –  Tân Chủ tịch ISO sẽ bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 1/2022

Cũng trong phiên cuối cùng của Toàn thể Đại hội đồng ISO 2021, ISO đã công bố danh sách các ứng viên trúng cử, cụ thể: Ông Adrian O’Connell – Giám đốc cơ quan Tiêu chuẩn Úc (SA) và ông Pramod Kumar Tiwari – Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) trúng cử vào Nhóm 2 Hội đồng ISO.

Ông Shaharul Sadri Alwi – Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn hoá Malaysia (DSM) và ông Adem Şahin, Chủ tịch Cơ quan Tiêu chuẩn hoá Thổ Nhĩ Kỳ (TSE) trúng cử vào Nhóm 3 Hội đồng ISO. Đại diện cho Cục Tiêu chuẩn Kenya (KBS) - ông Bernard Njiraini trúng cử vào Nhóm 4 Hội đồng ISO. Ông Christoph Winterhalter đến từ Cơ quan Tiêu chuẩn Đức (DIN) và ông Javier Garcia đến từ Cơ quan Tiêu chuẩn Tây Ban Nha (UNE) cũng đã lần lượt trúng cử vào các vị trí Tân Phó Chủ tịch Chính sách và Tân Phó Chủ tích Quản trị kỹ thuật.

Thay đổi khí hậu là nội dung của Phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về an ninh khí hậu. Tối ngày 23/9 giờ Việt Nam, nhận lời mời của Thủ tướng Ireland Michael Martin, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại phiên họp cấp cao của HĐBA LHQ về an ninh khí hậu. Tham dự phiên họp có Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, các Nguyên thủ, Thủ tướng và đại diện cấp cao các nước thành viên HĐBA.

Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Bảo an và các đại biểu đều tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoà bình và an ninh quốc tế, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, một trong những tâm điểm của Tuần lễ ISO là sự ra mắt của Tuyên bố Luân-Đôn (London Declaration) vào ngày 24/09/2021- ngày cuối khép lại Tuần lễ ISO.

Tuyên bố Luân-đôn là động lực của ISO nhằm chuyển đổi cách tiếp cận đối với các hành động thay đổi khí hậu và thúc đẩy các hoạt động quốc tế nhằm tăng tốc trên cuộc đua đến con số 0 trong loại bỏ khí thải CO2 của các Chính phủ và doanh nghiệp. Tuyên bố này như một lời cam kết khí hậu của ISO, được sự chấp thuận của các thành viên ISO – đại diện cho 164 đất nước trên thế giới.

Tuyên bố có nội dung: “ISO cam kết làm việc với các thành viên, các bên liên quan và đối tác để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn và ấn phẩm quốc tế của ISO thúc đẩy việc đạt được thành công Thỏa thuận Paris, các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và Lời kêu gọi Hành động của Liên Hợp Quốc về Thích ứng và Khả năng phục hồi” (Nguồn: “London Declaration”).

Tuyên bố Luân Đôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tiêu chuẩn Quốc tế trong việc hỗ trợ các cộng đồng, tổ chức và ngành công nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn và có thể tái tạo. Các tiêu chuẩn cũng có thể giúp bảo tồn đa dạng sinh học đồng thời mở ra thị trường cho những đổi mới nhằm giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu.Tuyên bố cũng quy định rằng nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của xã hội dân sự và những người dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu trong việc xây dựng tất cả các tiêu chuẩn và ấn phẩm quốc tế.

Tại Tuần lễ ISO 2021, ISO cũng công bố “Bộ hành động khí hậu” (Climate Action Kit), một gói hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong cam kết giảm phát thải khí nhà kính ròng. Gói hỗ trợ này sẽ trình bày các nghiên cứu điển hình về cách các tiêu chuẩn có thể hỗ trợ các chính sách công và ảnh hưởng đến sáng kiến ​​về biến đổi khí hậu.

Bộ Hành động Khí hậu sẽ cung cấp ví dụ mang tính quốc gia về sự hợp tác tốt giữa các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia và các nhà hoạch định chính sách của chính phủ, nơi các tiêu chuẩn và sáng kiến ​​khác, cả trong nước và quốc tế, đã đưa ra các giải pháp cho các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
 

Tuyên bố Luân-đôn được phát hành vào ngày 24/09/2021 trước toàn thể Đại hội đồng ISO (Từ trái qua phải: Ông Sergio Mujica – Tổng thư ký ISO, ông Eddy Njoroge – Chủ tịch ISO và ông Scott Steedman – Tổng Giám đốc Tiêu chuẩn BSI)

Chủ đề “Tương lai đã bắt đầu” của Tuần lễ ISO năm nay đã được thể hiện xuyên suốt qua các hội thảo chuyên đề.Tương lai là điều mà chúng ta không thể dự đoán, tuy nhiên, chúng ta có thể phân tích các xu hướng ở hiện tại để xác định các viễn cảnh có tiềm năng trông sẽ ra sao.

Trong hội thảo chuyên đề “Đối mặt với tương lai”, các đại biểu tham gia Tuần lễ ISO sẽ được thảo luận và trao đổi về 03 viễn cảnh có thể xảy ra vào năm 2040. Người tham dự cùng nhau xác định các tác động đối với các chủ đề về tiêu chuẩn, sản phẩm tiêu chuẩn, mô hình kinh doanh tiêu chuẩn và cấu trúc của hệ thống tiêu chuẩn hoá quốc tế.

Thông qua chuyên đề này, ISO mong muốn truyền tải một trong những phương pháp chính được sử dụng trong việc xây dựng tầm nhìn chiến lược là việc xây dựng kịch bản để giúp các tổ chức lập kế hoạch tốt hơn trong tương lai thông qua sự thay đổi của các tác động của biến đổi khí hậu, bối cảnh chính trị, đến những cách khác nhau mà công nghệ sẽ có thể thay đổi cuộc sống của con người. Bên cạnh đó, bằng cách đối mặt với những thách thức tiềm ẩn trong tương lai, chúng ta có thể nắm bắt cơ hội để duy trì sự phù hợp của mình và tối đa hóa tác động tích cực của chúng ta đối với thế giới.

Khi đề cập đến khái niệm “tương lai”, chúng ta như theo một thói quen là gắn “tương lai” với “đổi mới sáng tạo” bởi sự nhanh nhẹn và đổi mới là chìa khóa để tồn tại trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng của chúng ta và hướng tới tương lai. Bỏ lỡ cơ hội của ngày hôm nay có thể khiến chúng ta trở nên không thích hợp vào ngày mai.

Nhưng làm thế nào để chúng ta thấm nhuần tư duy này vào văn hóa tổ chức của mình? Chính vì vậy Hội thảo chuyên đề “Đổi mới sáng tạo: Thách thức ở hiện tại để kiến tạo tương lai” sẵn sàng cho sự thay đổi có nghĩa là có thể thách thức những giả định mà chúng ta cho là đương nhiên để chúng ta có thể làm những điều khác biệt. Những người tham gia sẽ làm việc cùng nhau theo nhóm do một nhà đổi mới của Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN) hướng dẫn và chia sẻ phương pháp luận Cha-Cha-Cha (Thử thách: Challenge, Thay đổi: Change, Biểu đồ: Chart) để tăng cường cho sự nhanh nhẹn và đổi mới của tổ chức. Những người tham gia đã cùng nhau đặt ra các giả định để tìm ra giải pháp thú vị nhằm cải tiến sản phẩm và quy trình trong tiêu chuẩn hóa thông qua phương pháp Cha-Cha-Cha. 

Tuần lễ ISO 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn rất nhiều diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên khắp thế giới. Những thách thức và tác động của đại dịch COVID-19 và nhiều biện pháp nhanh chóng mà ISO đã thực hiện để hỗ trợ các thành viên là những điểm nhấn chính trong báo cáo của Tổng thư ký trong phiên họp Đại hội đồng ngày 23/09/2021.

Tổng thư ký Sergio Mujica cho biết: “Đó không chỉ là việc sống sót mà còn là sự kiên cường và là bằng chứng trong tương lai”. Chiến lược ISO 2030 có tính linh hoạt, linh hoạt và có thể thích ứng, cho phép chúng ta đối mặt với thực tế mới này và phù hợp hơn bao giờ hết”.

Ông mô tả các công cụ công nghệ thông tin mới, hỗ trợ ảo và các dịch vụ đã được đưa vào để giúp các thành viên tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn và tương tác với các bên liên quan của họ một cách hiệu quả. Ông cũng vạch ra một số dự án và sáng kiến ​​mới, bao gồm Khung tầm nhìn ISO, nhằm xác định các xu hướng và cơ hội trong tương lai để tiêu chuẩn hóa.

Ngoài ra, ông Mujica cũng vui mừng và tự hào thông báo rằng trong năm 2021, dù tình hình Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn nhưng ISO đã xuất bản được 1627 sản phẩm phân phối trong năm, bao gồm các tiêu chuẩn được phát triển để hỗ trợ cho các nỗ lực toàn cầu trong việc đối phó với đại dịch. 

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện điều khoản tham chiếu mới của hợp tác tiêu chuẩn thế giới WSC (World Standards Cooperation) giữa 03 Tổ chức ISO, IEC và ITU đã được sửa đổi để tăng cường hơn nữa sự phối hợp và cộng tác giữa ba tổ chức và góp phần vào việc lập kế hoạch làm việc hiệu quả. Các điều khoản tham chiếu đã được phê duyệt bởi các cơ quan quản lý liên quan của IEC, ISO và ITU.

Cuộc họp thường niên năm 2021 của WSC đã diễn ra vào ngày 26 tháng 2 năm 2021. Cuộc họp được triệu tập bởi IEC với vai trò là Ban Thư ký WSC cho năm 2021, phái đoàn ISO bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch (quản lý chính sách và kỹ thuật) và Tổng thư ký. Chủ tịch ISO được bầu – bà Ulrika đã tham dự với tư cách quan sát viên.

Bài phát biểu quan trọng do ông Børge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra. Bài phát biểu của ông Brende nhấn mạnh những thách thức lớn do đại dịch COVID-19 mang lại nhưng hy vọng khi nói rằng triển vọng kinh tế cho năm 2021 là tươi sáng, với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​5,5% bất chấp sự không chắc chắn về diễn biến của đại dịch.

Bài phát biểu của ông Brende tập trung vào ba ưu tiên sẽ thống trị thập kỷ hiện tại, đó là chuyển đổi kỹ thuật số, công nghệ xanh và giải quyết bất bình đẳng. Trong cuộc thảo luận diễn ra sau đó, giá trị của việc sử dụng các Tiêu chuẩn Quốc tế dựa trên sự đồng thuận của IEC, ISO và ITU để góp phần giải quyết những thách thức này và đẩy nhanh sự thay đổi đã được nhấn mạnh. Các thành viên WSC bày tỏ mong muốn được hợp tác với WEF giúp tăng cường hiểu biết về giá trị và lợi thế cạnh tranh do các tiêu chuẩn quốc tế tự nguyện dựa trên sự đồng thuận mang lại.

Có thể nói, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn ra trong 02 năm trở lại đây, tuần lễ ISO 2021 đã chính thức khép lại với nhiều dấu ấn đặc sắc lần đầu tiên diễn ra trong lịch sự hình thành và phát triển của ISO cũng như “phá vỡ” cách thức tổ chức tuần lễ ISO thông thường để hướng đến những giá trị đổi mới cho tổ chức.

ISO cam kết thực hiện những hành động và phương thức cần thiết để bám sát và thúc đẩy Chiến lược ISO 2030, đồng thời xây dựng các Tiêu chuẩn đáp ứng 17 SDGs của Liên Hợp Quốc, lấy người dùng làm trọng tâm để hướng tới cuộc sống tốt hơn – an toàn hơn – khoẻ mạnh hơn.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1806

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)