Thứ năm, 14/10/2021 13:58 GMT+7

Đổi mới hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thúc đẩy phát triển KTXH bền vững

Tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy giao dịch và thương mại giữa các nước và trao đổi quốc tế. Tiêu chuẩn hỗ trợ cho thị trường và thúc đẩy các giao dịch có hiệu quả để đáp ứng các mục tiêu liên quan đến các vấn đề sức khoẻ, an toàn và môi trường, phản ánh nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng hoặc phản ánh các yêu cầu về mặt công nghệ của những nhà công nghiệp.

Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao nǎng suất lao động, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế các quốc gia. Từ sau khi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ban hành năm 2006, hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam đã được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ thông qua cơ cấu các Bộ, ngành và hệ thống các văn bản dưới Luật có liên quan. 

Với hệ thống trên 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), hơn 13.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) với tỷ lệ 60% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, giúp đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là công cụ quản lý kỹ thuật phổ biến hiện nay, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế.

Thông qua áp dụng TCVN, QCVN, người tiêu dùng cũng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi được người bán, người sản xuất, nhập khẩu cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt đối với những mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe tính mạng đối với người tiêu dùng. Ví dụ: QCVN về xăng dầu, nhiên liệu sinh học, QCVN về phương tiện giao thông đường bộ, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, kiểm soát ô nhiễm môi trường, vật liệu xây dựng, an toàn công trình...
 


 

Hoạt động xây dựng, thẩm định ban hành TCVN, quy chuẩn kỹ thuật đã có sự đổi mới, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, đồng thuận giữa các thành phần xã hội, phù hợp thông lệ quốc tế. Với tỷ lệ hài hòa cao như hiện nay (60%), hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã trở thành công cụ hỗ trợ cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dễ dàng vào các thị trường lớn, khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP đã ký kết và có hiệu lực.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong thời gian qua hoạt động tiêu chuẩn hóa cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức đáng kể. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống KTXH…

Mặt khác, tình hình thế giới diễn biến phức tạp hơn dự báo, kinh tế thế giới suy giảm, nhiều nước tăng cường các biện pháp kỹ thuật bảo hộ thương mại trong nước thông qua xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thế hệ mới với nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn, gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu. 

Tuy nhiên, việc liên kết hợp tác để phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Vượt lên những khó khăn, thách thức, công tác tiêu chuẩn hóa đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó sự phát triển hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tạo dựng hành lang kỹ thuật minh bạch, ổn định, góp phần quan trọng trong định hình sự tồn tại và phát triển của các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam.  

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ 2021 - 2030 của Chính phủ giao nhiệm vụ đối với ngành khoa học và công nghệ nói chung và tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng như sau: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…”;

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững, cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn tiêu chuẩn quốc gia, đổi mới công tác tiêu chuẩn hóa nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.  

Nhiệm vụ và giải pháp 

Với thực trạng và cơ sở pháp lý nêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới là xác định mục tiêu và giải pháp đúng đắn để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác tiêu chuẩn hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN. Cụ thể như sau: Xây dựng chính sách tiêu chuẩn hóa quốc gia trên cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết trong FTA thế hệ mới đã ký kết, nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Chủ động rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bắt đầu từ việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại sau hơn 15 năm áp dụng;

Có cơ chế thích hợp thúc đẩy xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, thực tiễn sản xuất kinh doanh tại Việt Nam nhằm phát huy hết khả năng, tiềm lực của doanh nghiệp;

Tăng cường cơ chế phối hợp, cộng tác hiệu quả giữa các bộ ngành liên quan, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng TCVN, tạo cơ chế thông thoáng nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp xây dựng TCVN, hướng hệ thống TCVN gắn kết hữu cơ hơn với nền kinh tế thị trường, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn SXKD của doanh nghiệp;

Ưu tiên xây dựng các nhóm tiêu chuẩn cốt lõi về cơ khí chế tạo, vật liệu công nghiệp, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, đô thị thông minh, an ninh thông tin, nông sản chủ lực, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng, hệ thống quản lý tiên tiến…; từng bước tăng cường, nâng cao yêu cầu quản lý, chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế, khu vực, có tính đến năng lực sản xuất kinh doanh trong nước và điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng miền;

Đổi mới quy trình xây dựng, thẩm định, công bố TCVN. Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT, tăng cường áp dụng các công cụ, giải pháp CNTT vào hoạt động ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, bảo vệ bản quyền tiêu chuẩn, xuất bản phát hành TCVN; Tham gia hiệu quả và thực chất hơn vào hợp tác đa phương, khu vực, song phương (ISO, IEC, ITU, Codex, APEC, ASEAN, PASC…); Tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ về tiêu chuẩn hóa để chuẩn bị lực lượng kế cận tại các ban kỹ thuật TCVN.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (theo Nguyễn Văn Khôi - Vụ Trưởng Vụ Tiêu chuẩn)

Lượt xem: 1214

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)