Thứ năm, 30/09/2021 23:15 GMT+7
Tập huấn đào tạo sử dụng Hệ thống Phân tích Thông tin Cạnh tranh – COMPAS
Ngày 28/9/2021, Cục Thông tin KH&CN quốc gia phối hợp với Viện Thông tin KH&CN Hàn Quốc (KISTI) tổ chức Lớp tập huấn đào tạo sử dụng Hệ thống Phân tích Thông tin Cạnh tranh (COMPAS) theo hình thức trực tuyến với sự hướng dẫn của các chuyên gia KISTI tại Hàn Quốc.
Cục Thông tin KH&CN quốc gia đang phối hợp với KISTI triển khai Dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo số thông qua xây dựng hệ thống phân tích thông tin KH&CN dựa trên dữ liệu lớn”. Trong khuôn khổ Dự án, KISTI đã xây dựng và hoàn thiện Hệ thống COMPAS (Competitive Analysis Service) có khả năng phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển công nghệ, dự báo xu hướng công nghệ và phân tích thị trường công nghệ trên thế giới. Hệ thống COMPAS sẽ được chuyển giao cho Cục Thông tin KH&CN quốc gia để vận hành và khai thác sử dụng.
Lớp tập huấn này sẽ giúp các học viên đến từ một số đơn vị liên quan trong Cục (Trung tâm Thông tin & Thống kê KH&CN, Trung tâm CSDL quốc gia về KH&CN, Trung tâm Giao dịch Thông tin Công nghệ và Thư viện KH&CN quốc gia) biết cách thức vận hành và khai thác sử dụng Hệ thống COMPAS một cách có hiệu quả.
Hệ thống COMPAS nhằm phát triển dịch vụ phân tích thông tin cạnh tranh, hỗ trợ đưa ra quyết định nghiên cứu và phát triển (NC&PT) trên cơ sở phát hiện và phân tích tình trạng hoạt động của công nghệ cạnh tranh toàn cầu dựa theo nguồn thông tin lớn như bài báo khoa học, sáng chế,… Nó còn tạo cơ hội giúp các nhà nghiên cứu trong các dự án NC&PT quốc gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sáng tạo nhưng gặp khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội, xử lý mối đe dọa nghiên cứu và phát triển và có thể thường xuyên theo dõi các công nghệ cạnh tranh. Khảo sát cho thấy trong số các yếu tố tạo nên thành công trong NC&PT của các viện nghiên cứu tư nhân thì "việc thường xuyên theo dõi công nghệ, xu hướng thị trường và khảo sát, phân tích yếu tố rủi ro" được xếp vị trí số 1. Hệ thống COMPAS đáp ứng được được nhu cầu về thiết lập hệ thống hỗ trợ phân tích thông tin thường xuyên về công nghệ cạnh tranh toàn cầu ở cấp quốc gia. Nó giúp giải quyết được một trong những khó khăn lớn nhất mà những người tham gia các dự án NC&PT quốc gia gặp phải khi lập kế hoạch cho các dự án nghiên cứu mới đó là: Khó khăn trong việc theo dõi thông tin thường xuyên, phân tích so sánh khách quan với phân tích xu hướng công nghệ, công nghiệp, thị trường, đối thủ cạnh tranh,… trong và ngoài nước; giám sát và phản ứng nhanh đối với công nghệ cạnh tranh, môi trường liên quan là yếu tố chính để đảm bảo khả năng cạnh tranh.
Hệ thống COMPAS bao gồm các mẫu (model) phân tích đa dạng: các model phân tích khác nhau về các yếu tố cần thiết cho việc lập/thực hiện NC&PT; model phân tích dựa theo nhu cầu của người dùng, đa dạng hóa thông tin sử dụng như sáng chế, bài báo khoa học và báo cáo thương mại; model phân tích riêng rẽ hoặc sử dụng kết hợp với model khác. Hệ thống COMPAS khá tiện lợi cho người dùng, với dịch vụ cá nhân hóa bằng cách để người dùng trực tiếp tìm kiếm và chỉ định công nghệ đích; tích hợp chức năng phân tích đơn giản (Basic analysis) về kết quả tìm kiếm; tự động cập nhật phân tích theo chu kỳ cập nhật cơ sở dữ liệu (một số model). COMPAS hiện tích hợp 10 model hữu dụng trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện NC&PT.