Thứ năm, 30/09/2021 21:43 GMT+7

Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia về Công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020

Sáng ngày 27/9/2021, tại Hà Nội, Chương trình KH&CN cấp quốc gia về Công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình KHCN vũ trụ) đã tổ chức tổng kết triển khai giai đoạn dưới hình thức hội nghị trực tuyến.

Tham dự hội nghị có ông Bùi Thế Duy - Ủy viên dự khuyết BCH Trung Ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Đào Ngọc Chiến - Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Đình Tâm - Đại tá, Phó Cục trưởng cục B05, Bộ Công An; ông Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; Ban chủ nhiệm và Chánh Văn phòng Chương trình KHCN vũ trụ giai đoạn 2016-2020; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chủ trì và các nhà khoa học tham gia thực hiện Chương trình. 

Trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Việt Nam, Thủ tướng đã giao Bộ KH&CN là đơn vị quản lý, phê duyệt khung chương trình và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là đầu mối tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình KHCN vũ trụ theo các giai đoạn.

Trong 5 năm qua, tổng số đề tài thực hiện trong Chương trình là 38 đề tài KHCN,trong đó: 06 đề tài thực hiện từ năm 2016; 16 đề tài thực hiện từ năm 2017; 15 đề tài thực hiện từ năm 2018, 01 đề tài Thực hiện từ năm 2019. Các đề tài được chia theo 03 hướng, cụ thể: 03 đề tài hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng liên quan đến khoa học và công nghệ vũ trụ (8% số lượng, 6% kinh phí); 08 đề tài hướng phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất và các công nghệ liên quan khác (21% số lượng, 37% kinh phí); 26 đề tài hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh (68% số lượng, 55% kinh phí); Ngoài ra có 01 đề tài Pháp lý xây dựng Dự thảo Chiến lược vũ trụ đến năm 2030 (3% số lượng, 1% kinh phí). 

Về lực lượng thực hiện Chương trình có 25 đơn vị tham gia tổ chức chủ trì đến từ khối các Viện nghiên cứu, trường Đại học, các Bộ, ngành và Quốc phòng – An ninh. thực hiện Chương trình. Tổng cộng có hơn 900 cán bộ khoa học tham gia thực hiện Chương trình, trong đó, GS, PGS chiếm 4%, TS chiếm 40%, ThS chiếm 50%, KS/CN chiếm 6%. Số lượng cán bộ được đào tạo của Chương trình là 36 tiến sỹ, 75 thạc sỹ và 9 kỹ sư/cử nhân. 

Mục tiêu chính của Chương trình giai đoạn 2016-2020 gồm: (1) Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thông, viễn thám, hệ thông tin địa lý và hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu trên cơ sở khai thác hiệu quả các hạ tầng công nghệ vũ trụ đã được đầu tư và hợp tác quốc tế; (2) Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm một số thiết bị, mô-đun chính trong các phân hệ của vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất và công nghệ phóng vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo thấp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ vệ tinh với các nước tiên tiến; (3) Thúc đẩy nghiên cứu cơ bản có chọn lọc về khoa học và công nghệ vũ trụ có tiềm năng ứng dụng và phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ, tiếp tục hình thành một số nhóm nghiên cứu mạnh trên cơ sở khai thác thành tựu KHCN trên thế giới; (4) Góp phần định hướng nội dung Chiến lược quốc gia về công nghệ vũ trụ cho giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2040, trong đó chú trọng xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật về công nghệ vũ trụ, thương mại hóa sản phẩm và từng bước hình thành thị trường trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. 

PGS.TS. Doãn Minh Chung, Chủ nhiệm Chương trình KHCN vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020 đã báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020. Có thể nói, Chương trình đã bám sát với các mục tiêu, nội dung và sản phẩm dự kiến mà Bộ KHCN đề ra. Mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng các đề tài thuộc Chương trình đã phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch các mục tiêu, nội dung và sản phẩm được phê duyệt. 


PGS.TS. Doãn Minh Chung báo cáo tổng kết Chương trình.
 

Sản phẩm tiêu biểu đạt được theo hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng liên quan đến khoa học và công nghệ vũ trụ

Chế phẩm bổ sung dinh dưỡng nguồn gốc thiên nhiên (TPCN), nhằm phòng ngừa và khắc phục các yếu tố bất lợi đối với cơ thể sống trong môi trường vũ trụ. Sản phẩm đề tài do TS. Trịnh Thị Thu Hương làm chủ nhiệm. Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên là đơn vị chủ trì.

Mô hình tính toán năng lượng bức xạ mặt trời sử dụng dữ liệu vệ tinh địa tĩnh với mô hình khí hậu trong điều kiện Việt Nam. Sản phẩm của đề tài do ThS. Nguyễn Tiến Công làm chủ nhiệm. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là cơ quan chủ trì.

Hệ thống mô phỏng trạng thái vi trọng lực 3D clinostat. Sản phẩm của đề tài do TS. Lê Thành Long làm chủ nhiệm. Viện Sinh học nhiệt đới là cơ quan chủ trì. 

Sản phẩm tiêu biểu đạt được theo hướng phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất và các công nghệ liên quan khác 

Tên lửa nghiên cứu (Sounding Rocket) TV-02 bao gồm hệ thống động cơ, thiết bị khí động thân vỏ, thiết bị cắt tầng, thiết bị phóng tên lửa, phần mềm điều khiển, hệ thống thiết bị trên khoang (payload) và hệ thống thiết bị khoa học đo đạc thông số khí quyển tầng cao. Sản phầm đề tài do Thiếu tướng, GS.TS.Nguyễn Lạc Hồng làm chủ nhiệm, Học viện Kỹ thuật quân sự là cơ quan chủ trì. 
 

   Ảnh phóng tên lửa lên quỹ đạo thấp và ảnh kết cấu tổng thể tên lửa nghiên cứu TV-02
 

Hệ thống anten bám kiểu Hexapod cho vệ tinh quan sát trái đất. Hệ thống anten bám kiểu Hexapod bao gồm 01 anten parabol và 01 anten mảng phản xạ được điều khiển, có khả năng thu/phát tín hiệu để điều khiển vệ tinh quan sát trái đất. Sản phẩm của đề tài do TS.Ngô Duy Tân làm chủ nhiệm, Viện Công nghệ vũ trụ là cơ quan chủ trì.
 

Ảnh kết cấu hexapod để định hướng anten bám theo vệ tinh và ảnh Anten parabol băng S
 

Phân hệ cao tần cho vệ tinh Micro. Sản phẩm của đề tài do TS.Tạ Sơn Xuất làm chủ nhiệm, ĐH Bách Khoa Hà Nội là cơ quan chủ trì. Phân hệ tần số cao gồm: ăng-ten, bộ phát đáp (transceiver) băng S, bộ phát tín hiệu (transmitter) băng X cho vệ tinh Micro có trọng lượng khoảng 50 kg phục vụ cho ứng dụng quan sát trái đất. 
 


Ảnh mạch thu phát băng S hoàn chỉnh.
 

Hệ thống thông tin di động chuyên dụng chuyển tiếp vệ tinh phục vụ vùng sâu vùng xa, biển đảo và các trường hợp khẩn cấp. Sản phẩm của đề tài do TS. Nguyễn Ngọc Minh làm chủ nhiệm, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông là cơ quan chủ trì. 
 

Ảnh lắp đặt các các linh kiện.
 

Bộ thu phát và xử lý tín hiệu trong hệ thống thông tin vệ tinh sử dụng công nghệ truyền thông quang vô tuyến FSO. Sản phẩm của đề tài do PGS.TS. Đặng Hoài Bắc làm chủ nhiệm, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông là cơ quan chủ trì. 
 

Ảnh thiết bị FSO sau khi lắp ráp

Vệ tinh siêu nhỏ cỡ Nano. Sản phẩm của đề tài do ThS.Vũ Việt Phương làm chủ nhiệm, Trung tâm vũ trụ Việt Nam là cơ quan chủ trì.  
 

Ảnh thiết kế cấu trúc cơ khí

Phổ kế siêu cao tần băng L và payload quang học trong dải nhìn thấy, hồng ngoại gần tương thích với thiết bị bay không người lái (UAV) phục vụ nghiên cứu viễn thám. Sản phẩm của đề tài do ThS.Nguyễn Văn Hiệu làm chủ nhiệm, Viện Công nghệ vũ trụ là cơ quan chủ trì.


Ảnh thử nghiệm phố kể siêu cao tần băng L ngoài thực địa 

01 quả khinh khí cầu mang theo hệ thống thiết bị đo đạc, được thả lên tầng bình lưu ở độ cao từ 20km đến 34km trên mặt nước biển, có khả năng sử dụng nhiều lần; 12 Hệ thống thiết bị được tích hợp trên HAPS, có khả năng hoạt động ổn định trong điều kiện môi trường tầng bình lưu; 03 Trạm mặt đất và xử lý dữ liệu trung tâm; 03 Trạm thu phát dữ liệu di động; 10 Bộ mẫu thiết bị truyền tin cứu hộ cá nhân. Sản phẩm của đề tài do PGS.TS.Phạm Hồng Quang làm chủ nhiệm, Trung tâm Tin học và Tính toán là cơ quan chủ trì.

Ảnh thả thết bị Radiosonde HAPS 2 duy trì thời gian hoạt động và ăng ten trạm thu trạm mặt đất
 

Sản phẩm tiêu biểu đạt được theo hướng ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh

24 bộ số liệu và Cơ sở dữ liệu các khu vực nghiên cứu được xây dựng và vận hành trên cơ sở các dữ liệu vệ tinh độ phân giải cao, đặc biệt là dữ liệu vệ tinh VNREDSat-1 thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, phục vụ quốc phòng – an ninh, phục vụ quản lý ngành nông nghiệp; 

17 mô hình và quy trình ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ có hiệu quả được đề xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, nghiên cứu khoa học và đào tạo; 

13 hệ thống WebGIS sử dụng trong quản lý và giám sát tài nguyên, môi trường, thiên tai, chất lượng nước, lớp phủ, rừng, mức độ ô nhiễm không khí… trên cơ sở ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh và công nghệ viễn thám. 

Ngoài ra, số công trình được đăng trên các tạp chí, hội thảo trong và ngoài nước là 258 bài, trong đó có 51 bài SCI và SCI-E, 19 bài ISN, 91 bài đăng trên các tạp chí trong nước và 97 bài báo cáo tại các hội nghị; 04 sách chuyên khảo; tham gia đào tạo 36 tiến sĩ, 75 thạc sĩ và 9 kỹ sư/cử nhân; có 07 hồ sơ đăng ký cấp bằng sở hữu trí tuệ và giải pháp hữu ích cho các sản phẩm của Chương trình và đều đã được công bố, chấp nhận đơn. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy bày tỏ vui mừng về các kết quả đạt được của Chương trình đặc biệt các kết quả liên quan đến ứng dụng công nghệ vũ trụ vào trong cuộc sống được tập trung nhiều về các kết quả sử dụng ảnh vệ tinh, viễn thám, cũng như tập trung vào các kết quả phát triển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất từ việc thiết kế vệ tinh nhỏ đến việc thiết kế các trạm thu phát... Các kết quả đạt được cho thấy các nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và đặc biệt là nỗ lực duy trì thực hiện Chương trình KHCN vũ trụ của Viện Hàn lâm KHCNVN. Thứ trưởng cho biết, công nghệ vũ trụ là kết tinh của tất cả công nghệ đỉnh cao. Việt Nam chúng ta không phải là quốc gia đi đầu trên thế giới cả về tiềm lực kinh tế lẫn nghiên cứu khoa học công nghệ vũ trụ, tuy nhiên chúng ta đã có được những kết quả để làm chủ và duy trì được năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ, cũng như đảm bảo điều kiện nhất định để khi chúng ta tiếp nhận công nghệ mới nhất trên thế giới và vào ứng dụng thực tế, từ đó phát triển được một số sản phẩm của riêng chúng ta. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chúc mừng Ban chủ nhiệm Chương trình KHCN vũ trụ 2016-2020 đã hoàn thành nhiệm vụ và đề nghị tiếp tục có những cải tiến, đề xuất cách thức tổ chức để thực hiện Chương trình KHCN vũ trụ mới tốt hơn, đồng thời chúc mừng tất cả các nhà khoa học tham gia chương trình đã có những kết quả nhất định. 

.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội nghị.
 

Có thể nói, Chương trình KHCN vũ trụ giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung, sản phẩm được phê duyệt. Các nhiệm vụ Khoa học được lựa chọn để thực hiện đều có hàm lượng KHCN cao, đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu triển khai, ứng dụng CNVT giải quyết các vấn đề cấp bách của KHCN, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai trong một số lĩnh vực công nghệ đề ra trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” như công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất, công nghệ tên lửa đẩy và các công nghệ liên quan khác. Nhiều kết quả và sản phẩm của Chương trình đã được đưa vào sử dụng trong thực tiễn và được chuyển giao, đào tạo cho các cơ sở, địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thám và GIS.

Chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Nguồn: Vụ Công nghệ cao

Lượt xem: 3270

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)