Tham dự, tại đầu cầu IAEA có bà Petra Nabil SALAME, Phòng Châu Á và Thái Bình Dương, Ban Hợp tác kỹ thuật, IAEA; tại đầu cầu Căm-pu-chia có ông LEK Vansopanha, Điều phối viên hợp tác của Campuchia với IAEA, Vụ Khoa học và Công nghệ hạt nhân, Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia cùng các đại biểu và học viên Campuchia. Tại đầu cầu Hà Nội, có đại diện lãnh đạo của Thanh tra Cục, Phòng Pháp chế và Chính sách và Phòng Hợp tác quốc tế, Cục ATBXHN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải nhấn mạnh Thỏa thuận dàn xếp (Practical Arrangements) giữa IAEA, Việt Nam, Lào và Campuchia về Hợp tác 3 bên tăng cường hợp tác kỹ thuật giữa các nước đang phát triển (TCDC) và tăng cường hợp tác Nam-Nam (South-South Cooperation) đã được ký ngày 17/9/2019. Cục trưởng cũng cho biết, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác được xác định trong khuôn khổ dự án bao gồm: ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, công nghiệp và kiểm tra không phá hủy, an toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu, cơ sở hạ tầng pháp quy, chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ, chiếu xạ, y học hạt nhân, quản lý và quan trắc môi trường biển và trên mặt đất. Trong khuôn khổ của Thỏa thuận này, một số hoạt động đã được phát triển và thống nhất thực hiện vào năm 2020. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, các bên đã phải thay đổi, để thích nghi với “bình thường mới” và hội thảo trực tuyến hôm nay là một ví dụ về nỗ lực của tất cả các Bên trong việc thực hiện Thỏa thuận dàn xếp nêu trên. Cục trưởng bày tỏ mong muốn, qua Hội thảo này, Cục ATBXHN sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm thanh tra về an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân cho Campuchia.
Mục đích của Hội thảo này nhằm đào tạo cho học viên Campuchia về các nội dung chính sau:
- Khuôn khổ pháp luật về bảo vệ bức xạ và an toàn hạt nhân, thanh tra và các hoạt động thực thi pháp luật;
- Các kiến thức cơ bản về an toàn bức xạ;
- Quy trình, phương pháp và kỹ năng thanh tra;
- Thực hành về việc tiến hành một cuộc thanh tra,v.v.