Thứ bảy, 25/09/2021 15:05 GMT+7

Diễn đàn khoa học “Ứng phó với dịch bệnh có nguồn gốc động vật: vai trò của khoa học hạt nhân”

Trong hai ngày 21-22/9/2021, Diễn đàn khoa học với chủ đề “Ứng phó với dịch bệnh có nguồn gốc động vật: vai trò của khoa học hạt nhân” đã được tổ chức tại thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo. Đây là một trong những sự kiện bên lề quan trọng trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 65 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.

Toàn cảnh Diễn đàn khoa học “Ứng phó với dịch bệnh có nguồn gốc động vật: vai trò của khoa học hạt nhân”tại thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo.
 

Trước tình hình đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến trên toàn cầu, Diễn đàn khoa học lần này được tổ chức trên cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và trên 3.000 đại biểu tham dự trực tuyến. Tham dự Diễn đàn có ông Rafael Mariano Grossi - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Qu Dongyu - Tổng giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Monique Eloit - Tổng Giám đốc Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), đại diện quan chức các quốc gia thành viên IAEA và các khách mời quốc tế. Đại diện Cục Năng lượng nguyên tử đã tham dự trực tuyến tại Diễn đàn này.

Tại phiên khai mạc, ông Rafael Mariano Grossi cho biết thế giới đang trải qua một đại dịch và tất cả đều biết về những điều đã diễn ra ở các quốc gia. IAEA mong muốn Diễn đàn khoa học lần này là không gian để trao đổi những quan điểm dựa trên cơ sở khoa học thuyết phục nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết giúp đẩy lùi đại dịch và ngăn chặn chúng không xảy ra một lần nữa. Ông nhấn mạnh “Chúng ta sẽ mang lại cho thế giới những điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm theo phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” (One health approach). Theo đó, cách tiếp cận “Một sức khỏe” thừa nhận rằng sức khỏe của con người có mối liên hệ chặt chẽ với hệ sinh thái môi trường và sức khỏe của động vật”.

            Với tư cách là thành viên của Nhóm quản lý khủng hoảng của Liên hợp quốc về COVID-19, IAEA đã phối hợp với WHO hỗ trợ cho 129 quốc gia thông qua việc cung cấp thiết bị phát hiện vi rút gây bệnh COVID-19 và hỗ trợ các dự án hợp tác kỹ thuật - đào tạo lớn nhất từ trước đến nay. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO ghi nhận sự đóng góp của IAEA trong việc nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm thú y nhằm tăng cường hệ thống y tế và khả năng sẵn sàng ứng phó với đại dịch trên toàn cầu. Điều này đã hỗ trợ cho các hoạt động triển khai và cơ chế hợp tác giữa WHO và đối tác ở các quốc gia trên thế giới.

Đại diện cho OIE, bà Monique Eloit đã lưu ý rằng, khi dân số thế giới và sự cạnh tranh tiếp tục gia tăng vì các nguồn tài nguyên ngày càng giảm, chúng ta được nhắc nhở về tầm quan trọng hơn bao giờ hết đối với sức khỏe của con người, động vật và các sinh vật khác. Do đó, chúng ta cần giải quyết những vấn đề này một cách khoa học và phải thực hiện đồng bộ, có hệ thống.

Tại Diễn đàn, Diễn giả chính và Sứ giả hòa bình của Liên hợp quốc, bà Jane Goodall, đã giải thích cơ chế các bệnh lây truyền từ động vật xảy ra thông qua việc con người tiếp xúc với động vật và sự lây lan của mầm bệnh. Khi một mầm bệnh như vi khuẩn hoặc vi rút xâm nhập vào cơ thể, nó có thể gây ra một trong những bệnh truyền nhiễm mới từ động vật. Có thể thấy rõ ràng là sức khỏe của con người có mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện của môi trường, từ đó phụ thuộc vào sức khỏe của động vật và thực vật, tạo nên sự đa dạng sinh học của một khu vực và hệ sinh thái.

Vào thời điểm các đợt phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 bắt đầu từ tháng 3/2020, thông qua Mạng lưới Phòng thí nghiệm Chẩn đoán Thú y (VETLAB), Trung tâm hợp tác FAO/IAEA về kỹ thuật hạt nhân trong Nông nghiệp và Thực phẩm đã hướng dẫn các quốc gia thành viên cách phát hiện vi rút gây bệnh COVID-19. VETLAB đã giúp hơn 60 quốc gia phát hiện và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật, bao gồm cả COVID-19. Những hoạt động này sẽ được tiếp tục với Sáng kiến Hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền từ động vật (ZODIAC) do IAEA khởi xướng từ năm 2020. Đại diện của FAO, ông Qu Dongyu, cho biết FAO đã hợp tác chặt chẽ với IAEA từ năm 1964 để đóng góp vào an ninh và an toàn lương thực bền vững bằng cách sử dụng các kỹ thuật hạt nhân kết hợp công nghệ sinh học. Thông qua các phòng thí nghiệm đa ngành chung và sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức khác như OIE, FAO đã và đang tiếp tục hợp tác để phát triển các công nghệ và ứng dụng trong chẩn đoán bệnh truyền nhiễm từ động vật.

Cũng tại Diễn đàn, đại diện một số quốc gia điển hình chịu sự ảnh hưởng của các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc động vật như Nigeria, Senegal, Maroc, Albania, Honduras,… đã có những chia sẻ về bài học kinh nghiệm, quan điểm, nhận thức và vai trò của khoa học hạt nhân trong cuộc chiến này. Nigeria là quốc gia châu Phi đã vượt qua đợt bùng phát dịch bệnh Ebola trong thời gian ngắn kỷ lục là chưa đầy bốn tháng kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên vào tháng 7/2014. Mặc dù việc phát hiện và xác định mầm bệnh mới xuất hiện có thể hơi muộn, nhưng thế giới đang ở trong một kỷ nguyên mới với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ và chúng ta hoàn toàn có thể ứng phó kịp thời. Kinh nghiệm giải quyết các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật cho thấy cần thiết phải thực hiện theo ba bước gồm: (1) Xây dựng một hệ thống giám sát toàn cầu dựa trên các công nghệ tập trung vào năng lực địa phương; (2) Phát hiện sớm và báo cáo kịp thời các bệnh truyền nhiễm từ động vật, đồng thời phát triển các công cụ để xét nghiệm phát hiện sớm, chẳng hạn như RT-PCR và các xét nghiệm nhanh; (3) Tương tác với công chúng và nắm bắt thông tin để có kế hoạch hành động thích hợp.

Trong bối cảnh các tình huống khẩn cấp về sức khỏe tiếp tục tái diễn hầu như đều liên quan đến các bệnh truyền nhiễm và thường có nguồn gốc từ động vật, điều quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học nói chung và khoa học hạt nhân nói riêng. Các kỹ thuật hạt nhân và công nghệ liên quan đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc động vật, đặc biệt là phát hiện mầm bệnh và xác định cơ chế truyền bệnh từ động vật sang người. Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng giải quyết những vấn đề này, trong đó IAEA là một đối tác chiến lược. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy các quốc gia có thu nhập trung bình thấp cần sự hỗ trợ của quốc tế để đối phó với những thách thức đặt ra. Sáng kiến ZODIAC là một trong những sáng kiến được xây dựng dựa trên kiến thức, công nghệ, nâng cao năng lực và đào tạo để giúp các quốc gia có thể vượt qua các mối đe dọa bởi dịch bệnh truyền nhiễm. Thông qua nội dung chính của năm trụ cột, sáng kiến ZODIAC rõ ràng sẽ là trung tâm giúp các quốc gia thành viên cải tiến và triển khai các phương pháp kiểm soát dịch bệnh lây truyền từ động vật.

Nội dung chính trong 05 phiên họp của Diễn đàn khoa học:

Phiên thứ nhất: Kỹ thuật phát hiện mầm bệnh và giám sát bệnh động vật

Phiên họp này đề cập đến tầm quan trọng của các kỹ thuật khác nhau trong việc phát hiện mầm bệnh và giám sát bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, vai trò trung tâm của nghiên cứu và phát triển khoa học. Nhiều cơ sở nghiên cứu như Trung tâm Y tế Đại học Columbia (Hoa Kỳ) đã có thể phát hiện ra những căn bệnh truyền nhiễm mới, xác định đặc điểm của chúng và sau đó phát triển các công cụ chẩn đoán nhanh chóng.

Phiên thứ hai: Tìm hiểu vế sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm trong quá trình tiếp xúc giữa con người và động vật

Phiên họp tập trung vào vai trò của tương tác giữa người và động vật trong các bệnh truyền nhiễm. Các diễn giả giải thích rằng những bệnh này lây truyền theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như qua vết cắn của động vật, việc chăm sóc động vật hoặc ăn thịt chưa nấu chín. Một khi các bệnh xuất hiện, điều quan trọng là phải nhận ra các cách thức mà các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện hoặc tái phát có thể dẫn đến đại dịch. Giải pháp được đưa ra là xây dựng các hệ thống giám sát toàn cầu và quốc gia có năng lực đáp ứng yêu cầu, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng hệ thống để giám sát các mối đe dọa tiềm tàng đang nổi lên trên khắp thế giới. Các kỹ thuật bức xạ và hạt nhân trong y tế có thể giúp xác định tác động của bệnh truyền nhiễm từ động vật đến sức khỏe con người và có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ quản lý dịch bệnh.

Phiên thứ ba: Vai trò của các kỹ thuật bức xạ trong việc ứng phó với tác động của bệnh truyền nhiễm từ động vật đối với sức khỏe con người

Tại phiên họp, các diễn giả đã thảo luận về vai trò của công nghệ hình ảnh sử dụng kỹ thuật bức xạ trong y tế, trong đó cho phép trích xuất các đặc điểm từ hình ảnh bằng các thuật toán mô tả dữ liệu và sử dụng chúng trong việc quản lý các bệnh lây truyền từ động vật. Cùng với đó là các công cụ hỗ trợ công nghệ mới bao gồm máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép đưa các quan sát thành những con số định lượng để chia sẻ và so sánh như hệ cơ sở dữ liệu toàn cầu để phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới và xác định các mô hình cho các phương pháp điều trị.

Phiên thứ tư: Từ Cúm gia cầm đến COVID-19 - Hỗ trợ của IAEA cho các quốc gia thành viên

Tại phiên họp này, các đại biểu đã chia sẻ về kinh nghiệm của Argentina, Azerbaijan, Botswana, Cameroon và khu vực Trung Đông trong việc phát hiện, xác định và quản lý các bệnh truyền nhiễm từ động vật như Cúm gia cầm độc lực cao (H5N1), Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-1), Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), Ebola và vi rút gây ra COVID-19. Trong đó, các quốc gia thành viên đã đánh giá rất cao vai trò hỗ trợ của IAEA trong việc ứng phó các dịch bệnh truyền nhiễm.

Phiên thứ năm: Tăng cường khả năng ứng phó toàn cầu để kiểm soát bệnh truyền nhiễm từ động vật - Sáng kiến ZODIAC

Trong phiên cuối cùng của Diễn đàn, Đoàn Chủ tịch đã tổng kết các nội dung thảo luận của các phiên, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng phó các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc động vật đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người và vai trò của các kỹ thuật bức xạ, kỹ thuật hạt nhân; đồng thời, kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường ứng phó toàn cầu trong việc kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật với kế hoạch hành động được khởi động gần đây của IAEA theo Sáng kiến ZODIAC.

 

Sáng kiến có tên gọi Dự án Hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền từ động vật (ZODIAC) được khởi xướng vào tháng 6/2020. Sáng kiến này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của IAEA nhằm hỗ trợ các quốc gia sử dụng kỹ thuật hạt nhân và các kỹ thuật có nguồn gốc hạt nhân để phát hiện nhanh các mầm bệnh gây ra các bệnh lây truyền xuyên biên giới, bao gồm cả những mầm bệnh có thể lây sang người. Mục tiêu của Sáng kiến ZODIAC là để các nước trên thế giới chuẩn bị tốt hơn cho các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Sáng kiến ZODIAC bao gồm 05 trụ cột: (1) Tăng cường năng lực giám sát, chẩn đoán và phát hiện ở các quốc gia thành viên thông qua hỗ trợ của IAEA cho các phòng thí nghiệm ở các quốc gia này; (2) Phát triển các công nghệ mới để phát hiện và giám sát các bệnh lây truyền từ động vật; (3) Hỗ trợ ra quyết định thông qua nền tảng công nghệ thông tin; (4) Thu thập và tiếp cận các dữ liệu về tác động của các bệnh dịch đến sức khỏe con người thông qua chia sẻ thông tin trong giới khoa học, y tế và cộng đồng; (5) Phối hợp ứng phó với IAEA.

Ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đầu năm 2020, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam (thông qua Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bộ thiết bị RT-PCR với các vật tư, nguyên liệu cần thiết phục vụ chẩn đoán xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 với giá trị khoảng 90.000 Euro. Các thiết bị này đã được sử dụng hiệu quả, hỗ trợ ngành y tế trong công tác chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2 ở Hải Dương khi dịch bắt đầu bùng phát và hiện nay ở Hà Nội trong chương trình xét nghiệm trên diện rộng.

Gần đây, trong chuyến thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo vào ngày 06/9/2021, Tổng Giám đốc Rafael Mariano Grossi đã công bố IAEA sẽ cung cấp cho Việt Nam 03 bộ thiết bị xét nghiệm PCR di động và một số lượng lớn sinh phẩm, trị giá 470.000 euro (tương đương 558.000 USD). Đây là các thiết bị được IAEA nghiên cứu và phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ hạt nhân nhằm chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm các loại vi rút khác nhau, được chế tạo dựa trên kỹ thuật tiên tiến gọn nhẹ, dễ vận chuyển nhưng vẫn thực hiện đầy đủ chức năng của một phòng thí nghiệm hoàn chỉnh. 


 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1237

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)