Mục đích của việc phát hiện người là để xác định sự có mặt của người lạ xâm nhập vào trong một phạm vi hoặc khu vực nhất định, để đưa ra các cảnh báo sớm cho người giám sát (như chủ nhà, nhân viên an ninh…) biết được có xâm nhập ở khu vực cần giám sát và đảm bảo an ninh, từ đó sẽ đưa ra các quyết định an ninh cần thiết một cách chủ động hoặc tự động, ví dụ phát báo động dưới dạng còi, đèn hoặc đưa ra các cảnh báo trên hệ thống an ninh chung, điện thoại thông minh v.v..
Hiện tại, các giải pháp xác định sự có mặt của người trong ảnh chụp thường được xử lý như sau: đối với hình ảnh thu được, thực hiện trích xuất hình ảnh, đối sánh tương đồng về đặc điểm của các ảnh thu được với ảnh mẫu và xác định có người trong ảnh. Tuy nhiên, trong các hệ thống hiện nay khi cần phát hiện đối tượng là người thì mới chỉ tập trung vào nhận diện ở trạng thái tĩnh, riêng biệt, dựa vào kết quả đơn lẻ, không nhận dạng được nếu là một toán người đi gần nhau thành một khối, các yếu tố gây nhiễu khác cùng với hệ thống lọc, cắt nhiễu chưa đủ thông minh đã không nhận dạng được chính xác đối tượng cần phát hiện nên khả năng gây báo động giả là cao.
Nhận thấy những hạn chế này, công ty cổ phần LUMI Việt Nam (LUMI) đã nghiên cứu thành công giải pháp phát hiện đối tượng xâm nhập một cách nhanh chóng bằng cách xác định có người trong ảnh thu được từ camera, giảm thiểu sự nhận dạng và phát hiện nhầm đối tượng, tránh việc đưa ra các cảnh báo sai của hệ thống.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của LUMI, tác giả của giải pháp này cho biết: giải pháp này sử dụng 3 lớp an ninh: AI nhận diện người: độ chính xác 97 % (sử dụng bộ xử lý AI tốt nhất hiện nay); Rule phát hiện chuyển động: lọc bỏ 3 % bắt nhầm còn lại; AI nhận diện mặt, đầu: lọc bỏ 3 % bắt sót, bắt nhầm còn lại. Từ đó, giải pháp này đáp ứng phát hiện người trong vùng với độ chính xác tiệm cận tuyệt đối; loại bỏ các lỗi mà hệ thống hiện nay đang gặp phải: phát hiện nhầm dẫn đến báo động giả; Giải pháp cũng liên tục cho AI học và cập nhật dữ liệu nhằm thích ứng với mọi môi trường và tăng cường năng lực nhận diện.
Ứng dụng của hệ thống được thử nghiệm tại phòng R&D của công ty cổ phần LUMI Việt Nam. Ảnh: LUMI cung cấp
Giải pháp này là sự kết hợp giữa bộ điều khiển trung tâm và bộ xử lý AI trong cùng một sản phẩm, có chức năng kết nối các camera được lắp đặt trong một không gian thành một mạng lưới giám sát và điều khiển có khả năng học hỏi với sự cho phép của người dùng. Đồng thời, giải pháp này giúp người dùng tích hợp các camera được lắp đặt sẵn trong nhà vào hệ sinh thái nhà thông minh, cho phép tạo các kịch bản an ninh chống trộm công nghệ cao. Sử dụng giải pháp này giúp cho người dùng có thể được cảnh báo an ninh thông qua điện thoại, email hoặc các thiết bị điện tử khác. Tự động điều khiển các thiết bị khi có người đi vào vùng nhận diện.
Giải pháp này của công ty cổ phần LUMI Việt Nam đã được nhận giải thưởng Sao Khuê 2021 cho giải pháp An ninh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Controller) dành cho nhóm Giải pháp công nghệ mới và đã được thương mại hóa thành công trên thị trường.
Trong quá trình hoàn thiện và phát triển giải pháp này, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ đã tư vấn, hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu phát triển của LUMI trong việc tra cứu, tìm kiếm và phân tích các thông tin sáng chế liên quan, đồng thời giúp rà soát khả năng bảo hộ độc quền sáng chế giải pháp phát hiện đối tượng xâm nhập bằng xử lý hình ảnh của công ty cổ phần LUMI Việt Nam. Ngoài ra, Viện SCCN cũng đã đồng hành, tư vấn giúp công ty cổ phần LUMI Việt Nam xây dựng bản mô tả sáng chế và hồ sơ đăng ký sáng chế để nộp đơn bảo hộ tại Cục sở hữu trí tuệ trong năm 2021.
Các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu khai thác sáng chế để hoàn thiện và phát triển sản phẩm mới xin liên hệ: Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm (REPD) – Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ. Số điện thoại: 0243. 8228875 Địa chỉ: P 309, 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.