Thứ hai, 13/09/2021 15:38 GMT+7

Ưu tiên mua bằng sáng chế có tiềm năng thương mại hóa cao – Chính sách thúc đẩy thương mại hóa sáng chế của Hàn Quốc

Sáng chế có tiềm năng thương mại hóa cao là những sáng chế (SC) được đánh giá là xuất sắc theo các tiêu chí về khả năng cạnh tranh của sản phẩm (chất lượng, tính năng, hiệu quả, giá cả…). Để thúc đẩy đổi mới công nghệ, hỗ trợ marketing và gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) (bao gồm cả DN khởi nghiệp) có bằng SC, giải pháp hữu ích (GPHI) có tiềm năng thương mại hóa cao, chính phủ Hàn Quốc đã khuyến nghị các tổ chức công đưa những sản phẩm hình thành từ những bằng SC này vào danh sách ưu tiên để chọn mua khi có nhu cầu. Việc khuyến nghị này cũng là một phần trong các chính sách mua sắm công trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo của chính phủ Hàn Quốc và được triển khai hàng năm.

Chương trình ưu tiên mua SC do Cục Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) quản lý và điều phối. Mỗi chương trình thường được thực hiện trong khoảng 2 tháng (từ lúc nhận hồ sơ đến khi ký xong hợp đồng cung cấp SC), và có thể được tổ chức nhiều lần trong năm (ví dụ: 1 quý/lần). Thời gian diễn ra chương trình do KIPO quyết định.

Đối tượng được hỗ trợ là các DNVVN có bằng SC/GPHI (bao gồm cả giấy phép chuyển giao độc quyền và không độc quyền) đã đăng ký trong vòng 5 năm trở lại và được đánh giá là có tiềm năng thương mại hóa cao. Việc đánh giá các SC/GPHI này được thực hiện bởi một uỷ ban gồm các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau (cơ khí, kỹ thuật dân dụng, xây dựng, điện tử, máy tính, hoá học, sinh học, thiết kế, quản lý, v.v.), và các luật sư về bằng SC. Uỷ ban này do KIPO thành lập.

Bên mua tiềm năng là các cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ ở trung ương và địa phương, hoặc các cơ quan, tổ chức được chính phủ tài trợ. Ngoài ra, bất kỳ tổ chức công nào tham gia vào các quy trình mua sắm công, bao gồm cả tổ chức điều phối và quản lý chương trình ưu tiên mua bằng SC có tiềm năng thương mại hoá cao (ví dụ như KIPO), cũng có thể là bên mua tiềm năng.

Trước khi thông báo nhận hồ sơ ứng viên DNVVN, KIPO tiến hành khảo sát nhu cầu SC của các tổ chức công để xây dựng danh sách bên mua tiềm năng. Danh sách mô tả chi tiết thông tin về bên mua, loại hình công nghệ cần mua cùng với số lượng cụ thể, ngân sách chi trả của mỗi bên mua. DNVVN có thể dựa vào danh sách này để đánh giá nhu cầu đối với SC của mình trước khi đăng ký xin hỗ trợ, đồng thời cân nhắc chọn ra những tổ chức mà mình mong muốn cung cấp SC.

Quy trình hoạt động của chương trình khuyến nghị ưu tiên mua SC có tiềm năng thương mại hoá như sau:
 

Quy trình hoạt động của chương trình ưu tiên mua sáng chế có tiềm năng thương mại hóa cao (Nguồn: Guidebook for SMEs’ IP Business Cycle, KIPA)

Đầu tiên, KIPO kêu gọi nhận hồ sơ của các ứng viên DNVVN tham gia. Hồ sơ tuyển chọn thường bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

          1) Hồ sơ năng lực của doanh nghiệp: nếu được nhận hỗ trợ, DNVVN sẽ phải cung cấp sản phẩm thực tế cho bên mua. Vì vậy, hồ sơ phải thể hiện rõ năng lực sản xuất của DNVVN qua các thông tin như lịch sử hoạt động, số lượng nhân viên, tình hình tài chính, doanh số bán hàng, khả năng sản xuất và cung ứng sản phẩm, v.v.;

          2) Tài liệu chứng minh tình trạng pháp lý của các quyền sở hữu trí tuệ đối với SC, đặc biệt là các loại giấy tờ liên quan đến việc đăng ký/cấp bằng SC. Đối với SC/GPHI được chuyển giao (DNVVN không phải chủ sở hữu), nộp các tài liệu chứng minh/xác nhận rằng DNVVN đã được cấp phép độc quyền hoặc không độc quyền;

          3) Danh sách bên mua mà DNVVN mong muốn bán SC cho họ (chọn ra từ danh sách bên mua tiềm năng mà KIPO cung cấp, tối đa 20 tổ chức);

          4) Danh mục các SC đăng ký tham gia chương trình;

          5) Các thông số, đặc điểm kỹ thuật của SC, hợp đồng sản xuất với nhà sản xuất.

Sau khi nhận hồ sơ, một hội đồng do KIPO thành lập sẽ xem xét các SC theo nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là tiêu chí về khả năng cạnh tranh của sản phẩm (chất lượng, tính năng, hiệu quả, giá cả…), sau đó tiến hành phỏng vấn trực tiếp DNVVN (dưới sự chủ trì của KIPO) để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả cho việc đánh giá. Mỗi DNVVN có một thời gian nhất định để giới thiệu về SC của mình trước uỷ ban. Nếu được đánh giá là SC có tiềm năng thương mại hóa cao, DNVVN sẽ được cấp giấy chứng nhận, đồng thời KIPO sẽ gửi giấy giới thiệu cho các tổ chức công (bên mua tiềm năng) để khuyến nghị ưu tiên xem xét mua. Khuyến nghị này là không bắt buộc và có hiệu lực trong vòng 3 năm. Căn cứ vào giấy giới thiệu, các tổ chức công sẽ ưu tiên lựa chọn những SC phù hợp với nhu cầu của mình, sau đó đàm phán ký kết hợp đồng với DNVVN có SC.

Khuyến nghị có thể bị huỷ bỏ trong một số trường hợp nhất định để giữ uy tín cho chương trình, chẳng hạn như khi SC không còn hiệu lực hoặc có tranh chấp pháp lý, hay khi sản phẩm được cung cấp có vấn đề về công nghệ hoặc chất lượng. KIPO vẫn tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình mua-bán SC giữa DNVVN và bên mua. Sau khi 2 bên hoàn tất giao dịch mua-bán SC, DNVVN được đề nghị cung cấp thông tin phản hồi (đánh giá về chương trình) cho KIPO dưới hình thức phiếu khảo sát.

Nhìn chung khi tham gia chương trình ưu tiên mua SC, lợi ích mà các DNVVN nhận được là:

          1) được gửi thư giới thiệu SC đến chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan công quyền để được ưu tiên xem xét mua (thư giới thiệu có hiệu lực trong vòng 3 năm);

          2) có lợi thế khi được xem xét mua bởi Tổng Cục Mua sắm Công (Public Procurement Services - PPS). Đây là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc, có chức năng quản lý nhà nước về đấu thầu, mua sắm và cũng là cơ quan trực tiếp thực hiện việc mua sắm công tại Hàn Quốc;

          3) được lập hồ sơ để chứng nhận là công nghệ mới và được cấp chứng nhận công nghệ/sản phẩm mới có tiềm năng thương mại hóa cao. Chứng nhận này giúp DNVVN gia tăng độ uy tín, và có thể dùng để tự gửi thư giới thiệu đến các khách hàng tiềm năng khác ngoài công lập.

Có thể nói, chương trình đã giúp cho các DNVVN mới có thêm kênh bán hàng tiềm năng, giảm bớt được chi phí marketing, tiếp thị quảng bá sản phẩm, từ đó gia tăng doanh thu, nâng cao độ nhận diện của sản phẩm và thương hiệu của DN. Chính sách này của Chính phủ Hàn Quốc giúp DNNVV gia nhập thị trường trong giai đoạn khó khăn ban đầu bởi vì trừ những DN đã có kinh nghiệm tại các thị trường liên quan và có độ nhận diện thương hiệu cao, còn lại hầu hết các DN mới khởi nghiệp rất khó thâm nhập vào thị trường mới nếu chỉ có bằng sáng chế.

 Tài liệu tham khảo

- Strengthening the IP infrastructure in ASEAN member states, 2018-2019.

- Guidebook for SME's IP-Business cycle, 2017.

- Public Procurement for Innovation in Korea, STI Policy Review_Vol. 6, No. 2, 2015.

 

Liên kết nguồn tin:

https://niptech.vn/uu-tien-mua-bang-sang-che-co-tiem-nang-thuong-mai-hoa-cao-%E2%80%93-chinh-sach-thuc-day-thuong-mai-hoa-sang-che-cua-han-quoc.html

Nguồn: Phòng Chính sách và Tư vấn thương mại hoá sáng chế, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ

Lượt xem: 4190

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)