Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 đã được tổ chức trực tuyến
Cần chuyển đổi số trên các lĩnh vực tiềm năng
Sáng 09/9/2021, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 đã được tổ chức trực tuyến với chủ đề: "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 & giải pháp phát triển Đô thị thông minh, thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số". Hội thảo được tổ chức dưới sự bảo trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, do IDG Vietnam và Hội truyền thông số Việt tổ chức.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh hệ thống Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sau hơn một năm triển khai, cổng dịch vụ công đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ ngành và 63 tỉnh thành, hơn 57 triệu hồ sơ được xử lý, tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2020, thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng hai bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 trong thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử. Điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư, phát triển đất nước chưa thực sự bứt phá.
Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực nhiều tiềm năng như: Đô thị thông minh, thương mại điện tử - hai lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu dịch bệnh COVID-19…
Về lĩnh vực đô thị thông minh, hiện có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai triển khai đề án Đô thị thông minh. Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới; đã tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số; hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới. Về lĩnh vực thương mại điện tử, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đã tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%. Không chỉ vậy, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 được dự đoán là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước đạt 52 tỷ USD.
Trong xu thế chung đó, con đường đẩy mạnh chuyển đổi số các lĩnh vực thế mạnh sẽ giúp Việt Nam tạo được lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Mục tiêu đưa dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4
Phát biểu tại hội thảo, theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã ban hành văn bản chiến lược ở tầm quốc gia về phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Chiến lược này đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho tất cả các hành động của Việt Nam trong thập kỷ tới - thập kỷ được Liên Hiệp quốc đánh giá là hành động theo mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số Việt Nam vì vậy cũng gắn liền với việc giải quyết các vấn đề để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, nếu phải chọn việc quan trọng nhất, ý nghĩa nhất của chiến lược để triển khai trọn vẹn, dứt điểm trong năm 2021 thì Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn mục tiêu đưa toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện lên mức độ 4. Hiện nay tỷ lệ này mới đạt khoảng 45%. Từ con số hiện trạng đến mục tiêu còn khá xa, tuy nhiên với mục tiêu của chuyển đổi số là làm nhanh, làm trên nền tảng thì đây là mục tiêu khả thi nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương.
Song song với việc đưa dịch vụ công lên mức độ 4, theo ông Nguyễn Huy Dũng, cần có giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến theo 2 tiêu chí. Thứ nhất, đặt mục tiêu cho mỗi dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là cứ có 1 người dùng ngoại tuyến thì có tối thiểu 1 người dùng trực tuyến. Thứ hai là đối với các dịch vụ công trực tuyến đã lên mức độ 4 tối thiểu 1 năm, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cần đạt tối thiểu 30% trong năm 2021. Có như vậy dịch vụ công trực tuyến mới thực sự phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) tham luận tại hội thảo
Chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng là thước đo đánh giá chuyển đổi số
Trao đổi tại hội thảo về định hướng phát triển Cổng Dịch vụ công - thúc đẩy hình thành Chính phủ số, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, Hệ thống thông tin điện tử giải quyết thủ tục hành chính đã được hình thành theo hướng đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, làm cơ sở hỗ trợ, thúc đẩy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Trong đó, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh đóng vai trò trung tâm, có sự kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ xác thực định danh và giải quyết TTHC.
Kết quả triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia từ tháng 12/2019 đến nay
Riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia, từ tháng 12/2019 đến nay đã cung cấp 3.096 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 1/696 dịch vụ công cho công dân; 1.688 dịch vụ công cho doanh nghiệp); có trên 1 triệu tài khoản đăng ký; số hồ sơ đồng bộ trạng thái là 72 triệu hồ sơ. Đến nay đã có 100% Bộ, ngành, địa phương; 8 Tập đoàn, Tổng công ty, công ty; 15 Ngân hàng, trung gian thành toán kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Số giao dịch trên Cổng là 116.000 với tổng số tiền 258 tỷ đồng cho các dịch vụ thanh toán: Phí, lệ phí, BHXH, BHYT, án phí...
Vì vậy, trong một thời gian ngắn, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã dần đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Một số kết quả cụ thể, nhất là đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Quý vị có thể theo dõi trong bài trình bày đã được gửi đến Quý vị.
Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong giải quyết thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan cho biết sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể với phương châm mà chúng tôi thực hiện chính là “Lấy con người là trung tâm; cải cách dẫn dắt; công nghệ sẽ hỗ trợ, thúc đẩy” trong thực hiện chuyển đổi số.
Việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết TTHC sẽ tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển các nền tảng dùng chung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (cơ sở dữ liệu TTHC; nền tảng thanh toán trực tuyến; hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC; hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị…) để tăng cường việc kết nối, tích hợp, chia sẻ, giảm chi phí đầu tư trùng lặp, chồng chéo.
Cũng theo ông Ngô Hải Phan, hiện nay, một trong những rào cản lớn nhất chính là vấn đề “cát cứ” thông tin, thiếu kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC. Vì vậy, việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử chưa thật sự thuận lợi, đơn giản. Do đó, cần nghiên cứu, nhân rộng, thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC bằng dữ liệu theo thời gian thực, làm cơ sở tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành, khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng phục vụ. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số chính là phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Đối với giải quyết TTHC thì việc nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng là thước đo đánh giá kết quả của chuyển đổi số. Việc thực hiện này đỏi hỏi có sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, cá nhân, tổ chức để cùng nhau chung sức thực hiện tốt mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ.
Ban tổ chức đã tổ chức vinh danh 18 lãnh đạo Chuyển đổi số tiêu biểu khối cơ quan Chính phủ
Tại hội thảo, Ban tổ chức đã tổ chức lễ vinh danh theo hình thức trực tuyến 18 lãnh đạo Chuyển đổi số tiêu biểu khối cơ quan chính phủ. Trong đó, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) được vinh danh là 1 trong 18 lãnh đạo Chuyển đổi số tiêu biểu khối cơ quan Chính phủ.
Hội thảo còn bao gồm 2 phiên Chuyên đề song song: Phiên Chuyên đề thứ nhất có chủ đề Phát triển Đô thị thông minh; Phiên Chuyên đề thứ hai có chủ đề Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới phát triển Thương mại điện tử với sự tham gia của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cùng các đơn vị cung cấp giải pháp Thương mại điện tử khác.
Liên kết nguồn tin: http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Day-manh-chuyen-doi-so-de-tao-loi-the-canh-tranh-quoc-gia/20219/30468.vgp