Thứ hai, 06/09/2021 14:20 GMT+7

Tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số

Chuyển đổi số đã được Thành ủy Hà Nội định hướng qua các chương trình công tác lớn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đưa Thủ đô trở thành trung tâm công nghệ cao. Để chuyển đổi số thành công, một trong những giải pháp quan trọng được xác định là xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tận dụng lợi thế có nhiều doanh nghiệp công nghệ và cơ sở đào tạo lớn.

Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin sẽ góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số, đưa Thủ đô trở thành trung tâm công nghệ cao. Trong ảnh: Nghiên cứu các giải pháp công nghệ số tại Tập đoàn Công nghệ CMC (quận Cầu Giấy). Ảnh: Viết Thành

Lợi thế về nguồn nhân lực chuyển đổi số

Theo Cục Thống kê Hà Nội, Thủ đô có tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên là 44,7% (khu vực thành thị có tỷ lệ gấp 2 lần khu vực nông thôn). Người có việc làm sử dụng internet chiếm tỷ lệ 78,2%; trong đó, nhóm có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ lớn nhất, ở mức 60,8%. Xét theo mục đích sử dụng internet, các nhu cầu giải trí, tìm kiếm thông tin, thực hiện các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến có tỷ lệ rất cao.

Về nhân lực công nghệ, Hà Nội cũng có lợi thế khi nhiều doanh nghiệp công nghệ số đứng chân trên địa bàn. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, sau 1 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg (ngày 24-1-2020) về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, nâng tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động lên hơn 58.000 đơn vị. Trong đó phần lớn nằm trên địa bàn Hà Nội và một số thành phố lớn khác.

Với các cơ quan nhà nước thành phố, theo Sở Nội vụ Hà Nội, thành phố đã xác định rõ vị trí việc làm công nghệ thông tin trong mỗi đơn vị, bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc mà có sự chuyển biến mạnh về tư duy, phong cách làm việc… Song, đại diện Sở Nội vụ đánh giá, chất lượng nhân lực vẫn chưa đồng đều, chưa thực sự thành thạo các kỹ năng sử dụng phần mềm, việc duy trì cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu chưa thường xuyên, liên tục.

Đây cũng là lo ngại của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu hụt nhân lực làm chủ công nghệ mới, nên đã gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Nguyên nhân là chính doanh nghiệp chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số, chậm thay đổi, dẫn đến nguy cơ tụt hậu. Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Nguyễn Hữu Lương thông tin, trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp, Sở cũng nhận thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với những rào cản về nhân lực trong quá trình chuyển đổi số.

Nâng cao nhận thức và hành động
 

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (ảnh chụp tháng 6-2021). Ảnh: Nhật Nam

Theo Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đang được Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thiện, thành phố đặt mục tiêu vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực hội nhập toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng.

Tiến sĩ Lương Duy Hiếu, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, trước hết người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải xác định xây dựng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp đó là nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước thành phố, doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, Hà Nội cần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ; tham gia tích cực vào các chương trình khoa học, công nghệ quốc gia… Còn Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Hữu Lương thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các chương trình đào tạo chuyển đổi số.

Với lợi thế tập trung nhiều trường đại học hàng đầu, cũng là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn công nghệ, viễn thông lớn, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đề xuất thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo để đạt tỷ lệ hơn 10% cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin và 5% cán bộ chuyên trách an toàn thông tin. Cùng với đó, Hà Nội nên triển khai chương trình tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, lãnh đạo doanh nghiệp. Tương tự, Giám đốc Nhân sự FPT (Tập đoàn FPT) Chu Quang Huy đề xuất, Hà Nội chú trọng đưa thực hành khoa học công nghệ vào hệ thống giáo dục; có cơ chế khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, trung cấp triển khai đào tạo ngắn hạn về công nghệ thông tin và chuyển đổi số; thúc đẩy hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp công nghệ thông tin với các viện nghiên cứu, trường học.

Là những doanh nghiệp lớn, đại diện Tập đoàn VNPT và FPT đều cho biết sẵn sàng cung cấp các nền tảng, giải pháp, dịch vụ phục vụ cho phát triển hạ tầng số để thực hiện chuyển đổi số ở Hà Nội.

Đại diện cơ sở đào tạo, Tiến sĩ Hoàng Thị Mai (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) cho hay, Đại học Thủ đô sẵn sàng triển khai thí điểm “đại học số”, từ đó nhân rộng mô hình này tới các trường của thành phố. Đồng thời, trường cũng đẩy mạnh mô hình đổi mới sáng tạo, kết hợp cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để phát huy kết quả nghiên cứu công nghệ thông tin vào thực tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Do vậy, sự chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số là quan trọng hơn bao giờ hết.

Liên kết nguồn tin:
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1010923/tao-nguon-nhan-luc-cho-chuyen-doi-so
 

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 2347

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)