Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi. Ảnh: TTXVN
Tổng Giám đốc Rafael Mariano Grossi chào mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm và làm việc tại trụ sở IAEA, cảm ơn Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực và là đối tác quan trọng của IAEA, trong đó có cam kết đóng góp để hoàn thành phòng thí nghiệm hiện đại nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ các quốc gia phòng chống các bệnh truyền nhiễm giai đoạn 2.
Ông Rafael Mariano Grossi cho biết, ngoài lĩnh vực rất quan trọng là không phổ biến vũ khí hạt nhân, cơ quan này đang triển khai nhiều hoạt động khác nhằm hỗ trợ các các quốc gia, trong đó có Việt Nam,về điều trị bệnh ung thư, quản lý nguồn nước, đối phó với đại dịch COVID-19,…. Tổng Giám đốc IAEA hoan nghênh Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2021-2023 và mong muốn Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp cho hoạt động của IAEA.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của IAEA trong thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử giải quyết các vấn đề toàn cầu, hợp tác khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển, đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội đặc biệt đánh giá IAEA đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ các chuyên gia y tế trong lĩnh vực y học phóng xạ – xạ trị, y học hạt nhân và chẩn đoán hình ảnh, đào tạo cách sử dụng giải trình tự gen để xác định đặc trưng của virus gây bệnh COVID-19. Chủ tịch Quốc hội chúc mừng IAEA đã hoàn thành giai đoạn 1 phòng thí nghiệm hiện đại mang tên Yukiya Amano nhằm nâng cao năng lực trong hỗ trợ các quốc gia đấu tranh và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm từ động vật xuyên biên giới, giải quyết các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm; khẳng định Việt Nam sẽ đóng góp tài chính trong giai đoạn 2 của dự án quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh các sáng kiến hợp tác của IAEA với các cơ quan của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học hạt nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, nông nghiệp, cũng như nghiên cứu chuyển đổi năng lượng sạch và thúc đẩy an toàn, an ninh hạt nhân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị IAEA chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trong hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý và ứng dụng hiệu quả năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế-xã hội, đi đôi với bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, hoạt động hợp tác về nước và môi trường, hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ, đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn về ứng dụng công nghệ hạt nhân trong lĩnh vực y tế, phòng chống COVID-19, ủng hộ Việt Nam tham gia các sáng kiến quan trọng của IAEA như Dự án Hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền từ động vật (ZODIAC), kết nối hoạt động của IAEA với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Quốc hội Việt Nam, nhất là hoạt động của Nhóm công tác về Khoa học và Công nghệ của IPU nhằm tăng cường sự tham gia của các nghị sỹ trong lĩnh vực khoa học-công nghệ vì mục đích hòa bình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi. Ảnh: TTXVN
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Rafael Mariano Grossi công bố IAEA sẽ cung cấp cho Việt Nam 03 bộ thiết bị xét nghiệm PCR di động và một số lượng lớn sinh phẩm, trị giá 470.000 euro (tương đương 558.000 USD). Đây là các thiết bị được IAEA nghiên cứu và phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ hạt nhân nhằm chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm các loại virus khác nhau, được chế tạo dựa trên kỹ thuật tiên tiến gọn nhẹ, dễ vận chuyển nhưng vẫn thực hiện đầy đủ chức năng của một phòng thí nghiệm hoàn chỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn và đánh giá cao IAEA công bố trao tặng món quà quý, cho rằng sự hỗ trợ này sẽ góp phần giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả hơn với đại dịch COVID-19.
IAEA là tổ chức quốc tế được thành lập ngày 29/7/1957 với mục đích thúc đẩy sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và ngăn chặn việc sử dụng năng lượng nguyên tử trong mục đích quân sự.
Trong nhiều năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IAEA ngày càng phát triển thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật (TC) dựa trên khuôn khổ các Khung Chương trình quốc gia (CPF) mà hai bên cùng nhau ký kết. Tính đến thời điểm này, hai bên đã có CPF cho các giai đoạn 2003-2008, 2011-2015 và 2016-2020 và đang phối hợp xây dựng, hoàn thiện bản CPF cho giai đoạn 2021-2026, làm cơ sở để triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác của 2 bên trong thời gian tới. Trung bình mỗi năm, IAEA viện trợ cho Việt Nam khoảng 6-7 dự án quốc gia với tổng kinh phí khoảng 1 triệu USD/năm tập trung vào các lĩnh vực an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp,… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia vào hàng trăm dự án TC vùng (RAS) và liên vùng (INT) nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong các lĩnh vực kể trên.
Ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đầu năm 2020, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam (thông qua Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bộ thiết bị RT-PCR với các vật tư, nguyên liệu cần thiết phục vụ chẩn đoán xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 với giá trị khoảng 90.000 Euro. Các thiết bị này đã được sử dụng hiệu quả, hỗ trợ ngành y tế trong công tác chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2 ở Hải Dương khi dịch bắt đầu bùng phát và hiện nay ở Hà Nội trong chương trình xét nghiệm trên diện rộng.
|