Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban thư ký APO cùng các đại biểu đến từ 14 nền kinh tế thành viên gồm: Bangladesh, Campuchia, Fiji, Ấn Độ, Iran, Malaysia, Mông Cổ, Pakistan, Phillipines, Đài Loan, Thái Lan, v.v.v. Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả đầu ngành như bà Lynn Johannson, chủ tịch Tập đoàn E2 Canada, Tiến sĩ Yoshiaki Ichikawa, Giáo sư trường Đại học Tama Nhật Bản…Về phía Tổng cục, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp và ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam đã tham dự với vai trò là hai diễn giả của Việt Nam trong hội thảo.
Trong vài thập kỷ qua, cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra trên quy mô toàn cầu đã kéo theo sự gia tăng theo cấp số nhân việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn. Vấn đề phát triển bền vững, do đó trở thành mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu tham dự đã nhấn mạnh sự đóng góp to lớn của năng suất xanh, nhu cầu thiết kế môi trường sinh thái, chuỗi cung ứng xanh thông qua cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Với tư cách là diễn giả chính của hội thảo, trong bài trình bày của mình, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cho rằng tập trung vào quản lý chất lượng chuỗi cung ứng tuần hoàn (CSCQM) cùng với những tiến bộ công nghệ và đổi mới là nguyên lý về chiến lược tăng trưởng xanh cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp đồng thời nêu lên những cơ hội cho các doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh của mình khi thực hiện CSCQM.
Dưới sự phối hợp chủ trì giữa Tổng cục và đại diện Ban thư ký APO, Hội thảo đã đánh giá và thảo luận được nhiều vấn đề và phương hướng trọng tâm, chỉ rõ nhu cầu của năng suất xanh, phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization – APO) là một tổ chức liên chính phủ khu vực được thành lập năm 1961 nhằm phát triển năng suất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua hoạt động hợp tác (với các NPO và các tổ chức quốc tế khác). APO hoạt động trên cơ sở phi chính trị, phi lợi nhuận và không phân biệt đối xử. APO đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực thông qua các dự án, hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và công cộng. Ngân sách hoạt động của APO từ niên liễm và tiền hỗ trợ từ chính phủ các nước thành viên. Việt Nam tham gia APO từ ngày 1/1/1996, và nắm giữ vai trò chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020 – 2021, đây là lần thứ hai kể từ khi gia nhập Việt Nam nhận được vinh dự này.
|