Thông cáo chung của WHO, WTO và WIPO:
Geneva, ngày 24 tháng 6 năm 2021
PR / 2021/878
Các Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã đồng ý hỗ trợ các nước thành viên đang chiến đấu với đại dịch bằng cách hợp tác trong một loạt các hội thảo để tăng cường luồng thông tin về đại dịch và bằng cách triển khai một nền tảng chung để hỗ trợ kỹ thuật ba bên cho các chính phủ thành viên liên quan đến nhu cầu của họ đối với công nghệ y tế. Kết quả cuộc họp vào ngày 15 tháng 6, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông Daren Tang và ông Ngozi Okonjo-Iweala đã đưa ra tuyên bố sau:
Các Tổng giám đốc của WHO, WIPO và WTO đồng ý về việc tăng cường hợp tác hỗ trợ tiếp cận các công nghệ y tế trên toàn thế giới để đối phó với đại dịch COVID-19
Geneva, ngày 22 tháng 6 năm 2021
Vào ngày 15 tháng 6 năm 2021, chúng tôi, Tổng giám đốc của WHO, Tổng giám đốc của WIPO và Tổng giám đốc của WTO, đã đối thoại trên tinh thần hợp tác và đoàn kết để thực hiện việc hợp tác sâu rộng hơn nữa nhằm giải quyết đại dịch và những vấn đề cấp bách của COVID-19 toàn cầu trên bình diện chung của sức khỏe cộng đồng, sở hữu trí tuệ và thương mại. Trên cơ sở y thức về trách nhiệm với các nước trên thế giới khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe với quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng có, chúng tôi cam kết sẽ phát huy hết khả năng chuyên môn và nguồn lực của các tổ chức tương ứng nói trên để chấm dứt đại dịch COVID-19 và cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của tất cả mọi người, ở mọi nơi trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang (ngoài cùng bên trái), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) và Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala (ngoài cùng bên phải) (Ảnh: WIPO / Berrod)
Chúng tôi nhấn mạnh cam kết đối với việc tiếp cận công bằng, phổ cập vắc-xin COVID-19, phương pháp điều trị, chẩn đoán và các công nghệ y tế khác - cam kết này là mệnh lệnh đạo đức cấp bách cho những hành động thiết thực ngay lúc này.
Trên tinh thần đó, chúng tôi nhất trí thực hiện cam kết lâu dài trong khuôn khổ hợp tác ba bên WHO-WIPO-WTO nhằm hỗ trợ và giúp đỡ tất cả các quốc gia khi họ tìm cách đánh giá và thực hiện các giải pháp bền vững và tích hợp nhằm đối phó các thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Trong khuôn khổ hợp tác hiện nay, chúng tôi nhất trí tăng cường và tập trung hỗ trợ các quốc gia trong bối cảnh đại dịch thông qua hai sáng kiến cụ thể:
Thứ nhất, ba cơ quan của chúng tôi sẽ hợp tác tổ chức các hội thảo thực tế, nâng cao năng lực để tăng cường luồng thông tin cập nhật về các diễn biến hiện tại của đại dịch và cách ứng phó để đạt được quyền tiếp cận công bằng với các công nghệ y tế liên quan đến COVID-19. Mục đích của các hội thảo này là tăng cường năng lực của các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trong các chính phủ thành viên để giải quyết đại dịch một cách phù hợp. Hội thảo đầu tiên trong chuỗi sẽ là hội thảo về chuyển giao công nghệ và cấp phép, dự kiến vào tháng 9. Hội thảo sẽ giúp các thành viên cập nhật kiến thức và hiểu biết về cách thức hoạt động của Sở hữu trí tuệ, bí quyết và chuyển giao công nghệ trên thực tế. Hội thảo không chỉ có nội dung về công nghệ y tế mà còn là các sản phẩm và dịch vụ liên quan. Hội thảo đầu tiên này sẽ được tiếp nối bởi những hội nghị khác về các chủ đề thực tế liên quan.
Thứ hai, chúng tôi sẽ triển khai một nền tảng chung để hỗ trợ kỹ thuật ba bên cho các quốc gia xuất phát từ nhu cầu của họ đối với công nghệ y tế COVID-19, triển khai bộ phận một cửa tổng hợp đầy đủ chuyên môn về các vấn đề tiếp cận, sở hữu trí tuệ và thương mại do chuyên gia của chúng tôi cùng các đối tác cung cấp một cách đồng bộ và có hệ thống, cụ thể:
- nền tảng hỗ trợ kỹ thuật sẽ hỗ trợ các quốc gia đánh giá và ưu tiên các nhu cầu chưa được đáp ứng đối với vắc xin, thuốc và công nghệ liên quan COVID-19; và
- cung cấp hỗ trợ kỹ thuật kịp thời và phù hợp trong việc sử dụng đầy đủ tất cả các phương thức sẵn có để tiếp cận vắc xin, thuốc và công nghệ, thông qua sự phối hợp giữa các thành viên để tạo điều kiện cho một loạt động thái mang tính tập thể.
Những sáng kiến này cũng sẽ bao gồm cả việc thu thập và cung cấp dữ liệu đầy đủ và toàn diện để có thể truy cập đến các hướng dẫn về cách ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Trong đó có ấn phẩm định kỳ về các biện pháp liên quan đến COVID 19 ở dạng bản đồ các nguồn lực của hợp tác ba bên: WHO-WIPO-WTO. Ấn phẩm mang tên “Thúc đẩy Tiếp cận Công nghệ Y tế và Đổi mới sáng tạo: Giao lộ của sức khỏe cộng đồng, sở hữu trí tuệ và thương mại”, xuất bản năm 2020.
Bối cảnh
Từ năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tăng cường hợp tác về các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, sở hữu trí tuệ và thương mại. Hợp tác ba bên này nhằm nâng cao cơ sở dữ liệu thông tin thực nghiệm cho các nhà hoạch định chính sách và hỗ trợ họ giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng liên quan đến sở hữu trí tuệ và thương mại. Nó đã bao gồm một loạt các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thiết thực, ở cấp quốc gia, khu vực và đa phương, một loạt Hội nghị chính sách cấp cao nhằm theo dõi các vấn đề mới nổi và thông báo chính sách trong tương lai, đồng thời thực hiện các nghiên cứu ba bên, cung cấp một cái nhìn tổng thể và đầy đủ về các vấn đề chính sách liên quan đến đổi mới và tiếp cận công nghệ y tế.
Về WIPO
Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) là diễn đàn toàn cầu về chính sách, dịch vụ, thông tin và hợp tác về sở hữu trí tuệ. Với vai trò là cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc, WIPO hỗ trợ 193 quốc gia thành viên trong việc phát triển một khung pháp lý quốc tế công bằng về sở hữu trí tuệ để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. WIPO cung cấp các dịch vụ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ có thu phí ở nhiều quốc gia và dịch vụ giải quyết các tranh chấp. Đồng thời, WIPO còn cung cấp các chương trình nâng cao năng lực để giúp các nước đang phát triển hưởng lợi từ việc sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ. Và WIPO cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các ngân hàng tri thức về thông tin sở hữu trí tuệ.
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ với Bộ phận Tin tức và Truyền thông tại WIPO:
• ĐT: (+41 22) 338 81 61/338 72 24