Thứ năm, 08/07/2021 17:45 GMT+7

Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 11 về Nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân

Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản về Nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân (Diễn đàn Việt - Nhật) đã trở thành một hoạt động giao lưu, trao đổi và hợp tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân thường niên giữa Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu từ năm 2013 đến nay, với sự phối hợp tổ chức bởi Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) và Công ty Phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản (JINED) và Trung tâm Thông tin và Văn hóa Quốc tế Nhật Bản.

Tính đến nay đã có mười kỳ Diễn đàn được tổ chức thành công với các chủ đề khác nhau. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Diễn đàn Việt - Nhật lần thứ 11 năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong ba buổi sáng từ ngày 22-24/6/2021 tại ba đầu cầu chính (Viện NLNTVN tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt và Trụ sở chính của JINED tại Tokyo, Nhật Bản) với chủ đề “Xu hướng và các vấn đề nghiên cứu và phát triển liên quan đến các nhà máy điện, tình trạng và sự phát triển của các lò phản ứng hạt nhân vừa và nhỏ trên thế giới”. Sự thành công của Diễn đàn lần này khẳng định hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược, bền vững lâu dài và ổn định trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Do yêu cầu về giãn cách cũng như nhằm đảm bảo chất lượng tổ chức trực tuyến, Diễn đàn năm nay giới hạn về số lượng khách mời và chuyên gia tham dự, thu hút trên 50 đại biểu cả ba đầu cầu. Tham dự Diễn đàn về phía Việt Nam có các Lãnh đạo Viện NLNTVN; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN như Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Trung tâm Đánh giá không phá hủy; các báo cáo viên và khách mời đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội; Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân; Cục Năng lượng nguyên tử; và một số cán bộ nghiên cứu của Viện NLNTVN. Phía Nhật Bản có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Nhật Bản; đại diện của JINED; các đại biểu và báo cáo viên tới từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, Học viện Công nghệ Tokyo, Viện Nghiên cứu Công nghiệp điện lực, Đại học Kyoto, các tập đoàn như Toshiba, Hitachi, và Mitsubishi.
 

Ảnh lưu niệm của các đại biểu tham dự Diễn đàn tại đầu cầu VINATOM
 

Ảnh lưu niệm của các đại biểu tham dự Diễn đàn tại đầu cầu Đà Lạt
 

Ảnh lưu niệm của các đại biểu tham dự Diễn đàn tại đầu cầu Nhật Bản

Phát biểu tại Phiên Khai mạc, Ông Nobuta - Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam – phụ trách về vấn đề hợp tác hạt nhân giữa Nhật Bản và Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản qua chuyến thăm của Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Việt Nam, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây chính là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng năm 2023 sẽ là một năm vô cùng quan trọng khi hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam. Hiện nay, mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song ông mong muốn thông qua Diễn đàn này, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Ông cũng tin tưởng rằng, Diễn đàn Việt - Nhật sẽ tiếp tục là hoạt động thường niên để xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực trẻ, quan trọng trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân của cả hai nước.
 

Phát biểu của ông Nobuta – Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tại Phiên Khai mạc

Đại diện cho phía Việt Nam, TS. Trần Ngọc Toàn - Phó Viện trưởng Viện NLNTVN, đã chào mừng toàn thể các đại biểu tới tham dự Diễn đàn Việt - Nhật lần thứ 11. Ông nhấn mạnh rằng Diễn đàn là một trong các sự kiện lớn và quan trọng của Viện NLNTVN trong việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân trong nhiều năm qua, đã đạt được nhiều tiến bộ và đã trở thành một lĩnh vực quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với chủ đề “Xu hướng và các vấn đề nghiên cứu và phát triển liên quan đến các nhà máy điện, tình trạng và sự phát triển của các lò phản ứng hạt nhân vừa và nhỏ trên thế giới”, Diễn đàn là tiền đề tạo thêm cơ hội mới để Việt Nam và Nhật Bản hợp tác và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến các lò phản ứng hạt nhân vừa và nhỏ trong tương lai. Kết thúc bài phát biểu, TS. Trần Ngọc Toàn gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đã tới tham dự Diễn đàn và chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp.
 

TS. Trần Ngọc Toàn phát biểu tại Phiên Khai mạc

Đại diện cho phía Nhật Bản, GS. Masaki Saito phát biểu bày tỏ sự vui mừng khi được tham dự Diễn đàn lần này cũng như được gặp lại các đồng nghiệp Việt Nam dù phải qua hình thức trực tuyến. GS. Masaki Saito cho biết công nghệ hạt nhân đã được ứng dụng rộng rãi và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người, nhất là trong việc cung cấp năng lượng. Chủ đề lần này cũng là một mảng quan trọng trong việc phát triển, sử dụng và khai thác năng lượng hạt nhân cho các mục đích khác nhau. Dựa trên kinh nghiệm đã và đang có của các chuyên gia Nhật Bản, ông hy vọng hai bên sẽ có nhiều cơ hội hợp tác cùng nhau trong tương lai.
 

TS. Masaki Saito phát biểu trực tuyến tại Phiên Khai mạc

Diễn đàn được chia làm ba phiên với tổng số 14 bài báo cáo, trong đó 5 bài của đại biểu Việt Nam và 9 bài của đại biểu Nhật Bản với 3 chủ đề lần lượt là: 1) Xu hướng và các vấn đề nghiên cứu và phát triển liên quan đến các nhà máy điện; 2) Tình trạng và sự phát triển của các lò phản ứng hạt nhân vừa và nhỏ trên thế giới; và 3) Các chủ đề nóng ở Việt Nam và Nhật Bản.

Phiên họp đầu tiên có 4 báo cáo với báo cáo viên đến từ Nhật Bản và Việt Nam tập trung vào “Xu hướng và các vấn đề nghiên cứu và phát triển liên quan đến các nhà máy điện”. Mở đầu phiên họp đầu tiên, ông Yuji Takahashi - thành viên Ban Giám đốc của JINED, đã trình bày về “Hiện trạng năng lượng hạt nhân ở Nhật Bản”. Ông cho biết về hiện trạng của các nhà máy điện ở Nhật Bản: Kể từ sau sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, các quy định pháp quy hạt nhân mới của Nhật Bản đã được ban hành vào tháng 6/2013 và tính đến thời điểm này đã có 9 lò phản ứng đã được cấp phép hoạt động trở lại, 7 lò phản ứng đã vượt qua được kỳ kiểm tra của Cơ quan pháp quy, 11 lò phản ứng đang trong giai đoạn kiểm tra và 24 lò đã được quyết định/được dự đoán dừng hoạt động; Liên quan đến kế hoạch tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (1F-NPP) hiện đang phải đương đầu với ba thách thức chính là Quản lý nước, xử lý nước đã qua xử lý; Loại bỏ nhiên liệu khỏi các thùng nhiên liệu đã sử dụng; Và thu hồi các mảnh vụn nhiên liệu. Đây là ba công đoạn được tiến hành nhằm cải thiện môi trường làm việc, giảm liều nhằm mục đích cho việc xây dựng lại thành phố Fukushima. Tiếp đó TS. Hiroshige Kikura đến từ Học viện Công nghệ Tokyo chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản trong bài báo cáo về “Khoa học thực tiễn của việc hồi sinh đối với việc tháo dỡ nhà máy điện Fukushima Dai-ichi - Các cải tiến kỹ thuật trong đo đạc siêu âm và hệ thống rô-bốt”. Báo cáo trình bày về ba yếu tố quan trọng để hồi sinh lại Fukushima là tẩy xạ, tháo dỡ nhà máy điện và rủi ro về thông tin liên lạc và đào tạo nhân lực. Cũng trong chủ đề này, TS. Nguyễn Văn Thái đến từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổng hợp một số hoạt động liên quan đến nghiên cứu phát triển an toàn điện hạt nhân, phát triển nguồn nhân lực cũng như nhấn mạnh vai trò hợp tác bền vững lâu dài trong hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bài báo cáo về “Các cập nhật về nghiên cứu và phát triển an toàn điện hạt nhân ở Việt Nam”.

          Phiên họp thứ 2 với 5 bài trình bày tập trung vào “Hiện trạng và sự phát triển của các lò phản ứng vừa và nhỏ”. GS. Saito đã mở đầu phiên họp ngày thứ hai với báo cáo “Nghiên cứu và Phát triển của tàu hạt nhân ở Nhật Bản và sự khởi đầu tàu hạt nhân đa mục đích”. Có thể nhận thấy rằng Nhật Bản đã có một bề dày lịch sử nghiên cứu và phát triển công nghệ tàu hạt nhân gần 60 năm với một số loại tàu hạt nhân cho các mục đích khác nhau như phá băng trên biển, nghiên cứu biển sâu, du lịch... Trong báo cáo của mình, GS. Saito đã đề cập thêm rằng Việt Nam và Nhật Bản đều là những nước có đường biển dài, nên ngoài khả năng cấp năng lượng hạt nhân, các tàu hạt nhân còn có thể sử dụng để sản xuất khí hi-đờ-rô, khử muối, sản xuất nước khoáng hay thậm chí dùng cho một số mục đích quân sự khác. Chính vì vậy, các ứng dụng của tàu hạt nhân đã và đang có rất nhiều triển vọng. Tiếp đó, TS. Phạm Như Việt Hà đã có bài trình bày về “Tổng quan về sự phát triển của các lò hạt nhân nổi trên thế giới và một số kiến nghị cho Việt Nam”, tổng quan sơ lược về sự phát triển của các lò hạt nhân nổi ở Mỹ, Pháp, Anh và Nga và chương trình lò hạt nhân nổi đầy tham vọng của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng với đường bờ biển dài như Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị chủ động, tích cực về cả kiến thức và nhân lực để ứng phó kịp thời với các tình huống liên quan đến an toàn, an ninh cũng như các quan ngại khác. Ông cũng chỉ ra khả năng ứng dụng của các loại lò hạt nhân vừa và nhỏ ở Việt Nam là rất tiềm năng do nước ta có một lãnh thổ dài nhưng hẹp và có nhiều đảo. Chính vì vậy, ông khẳng định rằng chủ đề Diễn đàn năm nay là một chủ đề mới nhưng có khả năng mở ra rất nhiều cơ hội để hai nước có thể hợp tác.
 

 

Tiến sĩ Phạm Như Việt Hà trình bày báo cáo trong phiên họp ngày thứ 2

Phiên họp thứ 3 trong ngày cuối có 5 bài trình bày về một số chủ đề nóng ở Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có một số bài nổi bật như “Hiện trạng của việc nghiên cứu và phát triển các lò làm mát bằng khí nhiệt độ cao ở Nhật Bản”, “Hiện trạng quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam và Vai trò của Dự án Nghiên cứu Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân”, hay “Thiết kế sơ bộ của lò phản ứng nghiên cứu mới với công suất cao và đa mục đích”. Mở đầu phiên thứ 3, TS. Nishihara Tetsuo của Viện Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) đã trình bày về các nghiên cứu và phát triển lò nhanh làm nguội bằng khí. Ở Nhật Bản, đây là lĩnh vực đã được quan tâm từ khá lâu (1969). Đây là loại nhỏ có độ an toàn và tính linh động cao đang được phát triển bởi sự hợp tác của nhiều nước trên thế giới.

Tiếp đến là bài trình bày về “Hiện trạng quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam và Vai trò của Dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân” của TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN, đã cập nhật về nhu cầu năng lượng của Việt Nam từ nay cho đến những năm 2050, cũng như một số thành tựu đáng kể mà Viện NLNTVN đã đạt được trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong báo cáo, ông cho biết năm 2020 là một năm đặc biệt đối với Viện Nghiên cứu hạt nhân -Viện NLNTVN vì lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân đã cung cấp lên đến 80 - 90% yêu cầu dược phẩm phóng xạ cho Việt Nam trong đại dịch COVID-19. Cũng trong bài trình bày này, TS. Trần Chí Thành cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến hiện trạng của Dự án Nghiên cứu Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân; mục tiêu và các thách thức của Dự án; và cuối cùng ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân qua câu nói nổi tiếng của Bill Gates, “Năng lượng hạt nhân, về mặt số liệu an toàn tổng thể, tốt hơn năng lượng khác”.
 

TS. Trần Chí Thành, Viện Trưởng Viện NLNTVN, trình bày báo cáo tại Diễn đàn

Kết thúc ba buổi làm việc tập trung hiệu quả, tại Phiên Bế mạc Diễn đàn, đại diện phía Nhật Bản, GS. Masaki Saito đã tổng kết lại rằng vai trò của năng lượng hạt nhân sẽ ngày càng trở nên quan trọng, yêu cầu tiêu thụ năng lượng trên thế giới sẽ tăng rất nhanh (đạt đến 42PWh những năm 2030 và 5000PWh vào những năm 2050) với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay. Trước khi kết thúc bài phát biểu, ông chia sẻ thêm một số thông tin liên quan đến chủ đề của Diễn đàn tiếp theo liên quan đến loại công nghệ lò nhỏ và siêu nhỏ. Cuối cùng, GS. Saito chúc mừng Diễn đàn thành công tốt đẹp và gửi lời cảm ơn tới các báo cáo viên, các đại biểu và đặc biệt là nhóm tổ chức đã đóng góp vào thành công chung của Diễn đàn.

Đại diện phía Việt Nam, TS. Trần Chí Thành phát biểu chúc mừng thành công của Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 11 và gửi lời cảm ơn GS. Saito và các đồng nghiệp Nhật Bản trong việc tổ chức sự kiện này. TS. Trần Chí Thành cũng đã gửi lời mời tham dự Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân Việt Nam lần thứ 14 tới các chuyên gia Nhật Bản. TS. Trần Chí Thành cũng hy vọng rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ tiến triển ổn định hơn để có cơ hội gặp gỡ trực tiếp các chuyên gia tại Hội nghị. Cuối cùng, TS. Trần Chí Thành gửi lời cảm ơn tới toàn thể Hội nghị, các đại biểu ở cả ba đầu cầu đã đồng hành và cùng đóng góp vào thành công của Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 11.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 832

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)