Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định. Ảnh: Hoàng Giang
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định nhấn mạnh việc hỗ trợ DN hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ cũng như đổi mới về nhận thức, coi đầu tư cho KHCN là đầu tư cho phát triển, cần thời gian dài mới có kết quả. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách để chuyển dịch theo định hướng đưa DN trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thưa Thứ trưởng, nhiều DN hiện nay đã quan tâm đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản. Trong quá trình triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ cho DN, Bộ KHCN có gặp khó khăn nào không, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Xuân Định: Trong giai đoạn 2016-2020, với những chính sách và hành động quyết liệt của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế nước ta ở mức cao và ổn định có phần đóng góp quan trọng của việc gia tăng ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực.
Đáng chú ý, đầu tư cho KHCN trong những năm qua đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong đóng góp của xã hội, nhất là từ khu vực DN. Nếu như khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KHCN chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước (khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KHCN), thì đến nay, đầu tư cho KHCN từ ngân sách Nhà nước và từ DN đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.
Vừa qua, trước những khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, việc phát huy các thành tựu nghiên cứu công nghệ cùng với việc thúc đẩy mạnh sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý, viện nghiên cứu và DN trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ đã tạo ra các sản phẩm, giải pháp có chất lượng trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
Mặc dù có những đóng góp trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nhưng năng lực đổi mới công nghệ, hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của DN trong nước còn nhiều hạn chế.
Trong giai đoạn 2011-2019, số trích lập Quỹ phát triển KHCN của các DN đạt khoảng trên 18.000 tỷ đồng nhưng vẫn còn nhiều DN, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm trích lập và sử dụng Quỹ. Mặt khác, các DN mới chỉ sử dụng Quỹ để thực hiện được các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, mua sắm trang thiết bị nghiên cứu mà chưa thể sử dụng Quỹ cho việc đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất.
Về tổng quan có thể thấy rằng hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội, từ DN cho KHCN chưa cao, tổng mức đầu tư xã hội cho KHCN còn thấp và chưa bắt kịp xu hướng quốc tế. Điều này phản ảnh qua số liệu chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam hiện nay (cả Nhà nước và tư nhân) chỉ đạt mức 0,53% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%, Singapore 2,2%, Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%).
Qua khảo sát tại các DN cho thấy, DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN khởi nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn, tín dụng để tiến hành đổi mới công nghệ do vướng mắc về điều kiện tài sản bảo đảm. Nhiều DN chưa có tầm nhìn dài hạn về việc cải tiến, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững; các nỗ lực đổi mới công nghệ tại DN còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống và chưa tận dụng được các thế mạnh, điều kiện thuận lợi của từng địa phương, từng vùng miền…
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn hạn chế trong nhận thức của các cơ quan quản lý về chấp nhận rủi ro trong đầu tư cho ứng dụng, cải tiến và đổi mới công nghệ. Một số cơ chế ưu đãi thuế cho đầu tư đổi mới công nghệ còn khó thực thi do chưa có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật. Chính sách về mua sắm công chưa tạo động lực khuyến khích cho việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động đổi mới, phát triển công nghệ của DN trong nước. Còn thiếu các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cho các DN đưa sản phẩm là kết quả của nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ tiếp cận được với các thị trường tiềm năng.
Hơn nữa, liên kết giữa các DN, giữa DN với viện - trường và các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương trong đổi mới, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ còn yếu; chưa có cơ chế khuyến khích sử dụng lực lượng lao động của viện - trường tham gia vào hoạt động đổi mới, cải tiến, phát triển công nghệ tại DN…
Đưa DN trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã liên tiếp làm việc với Bộ KHCN và yêu cầu Bộ nghiên cứu, đề xuất cơ chế vượt trội cho phát triển, đầu tư KHCN. Vậy để KHCN và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, Bộ có đề xuất phương hướng gì trong giai đoạn tới?
Thứ trưởng Lê Xuân Định: Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Phát triển mạnh KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế; Phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Thực tiễn cho thấy các quốc gia và vùng lãnh thổ thành công trong quá trình chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập cao đều dựa vào KHCN, đổi mới sáng tạo (điển hình như Hàn Quốc, Singapore, Ba Lan, Đài Loan…). Từ kinh nghiệm của các quốc gia thành công và từ thực tiễn nước ta, trong giai đoạn tới đây, để KHCN, đổi mới sáng tạo thật sự là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần tập trung vào 6 phương hướng trọng tâm.
Đầu tiên, đó là phải hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, tổ chức KHCN, viện nghiên cứu, trường đại học tiến hành các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cần có các cơ chế, chính sách mới đột phá, vượt trội và các chính sách thử nghiệm cho các mô hình mới trong phát triển kinh tế, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích và thúc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, tăng cường đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, tập trung vào huy động tối đa nguồn lực xã hội, trong đó từ DN là chủ yếu để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nói riêng và đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo nói chung.
Thực tiễn nhiều quốc gia đã thành công trong vượt bẫy thu nhâp trung bình cho thấy các quốc gia này đã rất quan tâm đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo (nhìn chung đều từ 1% GDP trở lên).
Thứ ba, phát triển thị trường KHCN và đổi mới sáng tạo trên nguyên tắc tiếp cận theo thông lệ quốc tế để tăng nhanh giá trị giao dịch hàng hóa KHCN và đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian, môi giới để tăng cường hoạt động dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN bao gồm sàn giao dịch công nghệ, cơ sở dữ liệu tích hợp, dùng chung và các cộng cụ để kết nối thị trường… Hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và đổi mới sáng tạo của các DN trong nước đặc biệt là đối với các lĩnh vực công nghiệp/ ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thứ tư, tập trung vào đổi mới công nghệ theo hướng trang bị công nghệ phù hợp trong toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là trong các DN nhằm tạo ra tác động tích cực để nâng cao năng suất, chất lượng của các DN, của các ngành và của toàn bộ nền kinh tế. Từng bước nâng cao trình độ và năng lực công nghệ của quốc gia theo định hướng tăng nhanh tỷ lệ công nghệ cao, giảm dần công nghệ thấp và trung bình, ưu tiên đặc biệt cho xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản trị DN bao gồm cả nhân lực có kỹ năng được đào tạo phù hợp và thích ứng với nhu cầu của thị trường, nguồn nhân lực phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia.
Cuối cùng, đó là là nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong các DN mà trọng tâm là năng lực đổi mới công nghệ và năng lực quản trị DN. Hỗ trợ DN để có khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ mới chuyển giao từ nước ngoài và công nghệ tạo ra trong nước, tiến tới tự chủ công nghệ, qua đó từng bước xây dựng nền kinh tế tự chủ của đất nước.
Như Thứ trưởng nói, chúng ta cần có những chính sách chuyển dịch theo định hướng đưa DN trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Vậy Bộ KHCN có những giải pháp, cơ chế như nào nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay?
Thứ trưởng Lê Xuân Định: Chúng tôi đang tập trung triển khai các giải pháp tác động đến 2 nhóm đối tượng trong hệ thống đổi mới sáng tạo này.
Đầu tiên là đối với DN, Bộ KHCN sẽ rà soát, sửa đổi các quy định về xét duyệt nhiệm vụ KHCN theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để DN tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả nhiệm vụ KHCN vào sản xuất - kinh doanh.
Đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Đặc biệt có chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân, cá nhân và các DN lớn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm cho KHCN và đổi mới sáng tạo.
Mặt khác, Bộ cũng triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và làm chủ công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, khai thác sáng chế và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thông tin về KHCN; khuyến khích DN đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đối với các viện nghiên cứu, đại học, tổ chức KHCN, cần có chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu KHCN. Bộ KHCN là đầu mối định hướng nội dung hoạt động KHCN, quản lý điều hành các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phối hợp với Bộ GD&ĐT có cơ chế liên quan đến giảng viên tham gia hoạt động KHCN ở DN; ươm tạo DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
Đồng thời xác định, quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu KHCN của Việt Nam trong thời kỳ mới, ngoài hai Viện Hàn lâm: Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Khoa học xã hội Việt Nam, hai Đại học Quốc gia: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu trực thuộc bộ, ngành... cần đặc biệt lưu ý đến các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc DN.
Từ đó, xác định nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu, nguồn lực Nhà nước sẽ tập trung đầu tư, mức độ đầu tư và cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên DN tham gia phát triển KHCN, củng cố hệ thống các cơ sở nghiên cứu KHCN; sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đối với các tổ chức KHCN công lập.
Nhận diện bài toán “rủi ro”
Nêu quan điểm với Báo Điện tử Chính phủ, TS.Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, DN đầu tư, phát triển công nghệ mới nghĩa là thay đổi hình thức, quản lý sản xuất. DN cần làm điều này để tồn tại, bởi chỉ có đổi mới, KHCN mới tạo nên yếu tố cạnh tranh bền vững cho DN cũng như hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, những gì liên quan đến đổi mới, đầu tư thì chắc chắn sẽ tiềm ẩn rủi ro, mà đã kinh doanh là phải chấp nhận rủi ro.
Do đó, để đầu tư vào KHCN thành công, DN cần cân nhắc rất chặt chẽ, tính toán kỹ lưỡng. Bởi không như những đầu tư mở rộng khác có thể theo hình thức cuốn chiếu, đầu tư dần dần, năm nay 10%, năm sau 20%, đầu tư cho KHCN là phải đồng bộ và đạt ngưỡng thì mới đạt hiệu quả. Ngoài ra, DN phải dám hành động bởi nếu không DN sẽ không tận dụng được chính sách hỗ trợ.
TS.Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Hoàng Giang
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo một số cơ chế ưu tiên áp dụng có tính đột phá. Đầu tiên là về tiếp cận thông tin KHCN, TS. Tô Hoài Nam đề xuất sử dụng nguồn tài nguyên quý giá mà Bộ KHCN đang quản lý, đó là một kho gồm hàng nghìn công trình khoa học. Đây là tài nguyên có giá trị, quý đối với đất nước, xã hội và với cộng đồng kinh doanh.
“Những công trình nghiên cứu rất quý giá, có sẵn, khối tài sản này cần được khai thác, giao cho cộng đồng DN khai thác. Nếu vì một quy trình nào đó mà cứ cất giữ thì các công trình nghiên cứu không được sử dụng, rất lãng phí. Nếu chúng ta coi DN là tài sản quốc gia, doanh nhân cũng là tài sản quốc gia thì họ có đủ quyền tiếp cận, khai thác kho công trình khoa học quý giá cũng là tài sản quốc gia đó. Chúng tôi đủ năng lực khai thác, sử dụng, theo cơ chế thị trường. Đây là một điểm đột phá mà Hiệp hội DN nhỏ và vừa mạnh dạn đề nghị với Chính phủ", TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần một cơ chế ưu tiên áp dụng cho các sản phẩm KHCN, nghiên cứu KHCN do người Việt Nam tạo ra. Không nên quá chú trọng vào phía nhà cung cấp công nghệ nước ngoài, bởi họ thường chuyển giao công nghệ theo cách thức của “đàn chim nhạn bay”, tức là những gì tốt nhất thì giữ lại, còn những công nghệ chuyển giao cho nước khác thường chỉ là những công nghệ “tiệm cận” với cái tốt nhất.
Do đó, cần có một chính sách ưu tiên rất đặc biệt cho những công nghệ Việt nhằm tạo thuận lợi cho DN về khâu tiếp cận vốn, đăng ký công nghệ, có thể theo hướng giao cho DN KHCN tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của họ, từ đó sớm mang phát minh, sáng chế ra thị trường cũng như khuyến khích được nội lực của Việt Nam.
Ngoài ra, các quỹ đầu tư vào lĩnh vực này của Nhà nước cũng cần đổi mới cách thức hoạt động, để làm sao những người đứng đầu mạnh dạn hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư, cho vay.
|
Liên kết nguồn tin: https://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Bai-3-Co-che-vuot-troi-nao-khuyen-khich-DN-dau-tu-doi-moi-KHCN/437078.vgp