Trong giai đoạn 2011 - 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 350.237 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) cho các chủ thể Việt Nam, bao gồm 325.345 đơn đăng ký nhãn nhiệu quốc gia (chiếm 92,87%), 16.083 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (chiếm 4,6%), 5.725 đơn đăng ký sáng chế (chiếm 1,63%) và 2.994 đơn giải pháp hữu ích (chiếm 0,85%).
Đơn đăng ký các đối tượng SHCN của các chủ thể Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký SHCN nộp vào Cục SHTT với 135.692 đơn (chiếm 47%), tiếp đến là Hà Nội với 108.099 đơn (chiếm 37,44%). Trong danh sách top 10 địa phương có lượng đơn đăng ký SHCN còn có sự xuất hiện của các địa phương có sự phát triển kinh tế năng động như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Top 10 địa phương có lượng đơn đăng ký SHCN giai đoạn 2011-2020
Về đăng ký sáng chế, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sáng chế trong giai đoạn 2011-2020, với 2.639 đơn. Tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh với 1.556 đơn, Bà Rịa-Vũng Tàu 98 đơn, Đồng Nai 96 đơn, Đà Nẵng với 82 đơn và Cần Thơ 82 đơn.
Top 10 địa phương có lượng đơn đăng ký sáng chế giai đoạn 2011-2020
Số lượng đơn đăng ký sáng chế Việt Nam tăng trung bình 10%-19%, tuy nhiên năm 2020 đã có sự gia tăng đột biến lên tới 29% lớn nhất từ trước đến nay. Điều này có được là do nhận thức của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp đã được nâng lên, họ đã thực sự quan tâm đến việc xác lập quyền tài sản trí tuệ của mình. Bên cạnh đó, còn có sự nỗ lực của các Ban, Bộ, Ngành và địa phương, đặc biệt là Cục Sở hữu trí tuệ và các Sở Khoa học và Công nghệ trong việc phổ biến, tuyên truyền, cũng như nâng cao năng lực chung của hệ thống sở hữu trí tuệ trong các năm gần đây.
Số lượng đơn đăng ký sáng chế của các chủ thể Việt Nam giai đoạn 2011-2020
So với năm 2019, số lượng đơn đăng ký sáng chế của của một số địa phương có sự tăng trưởng vượt bậc, cụ thể Hà Nội đạt 188 đơn, Thành phố Hồ Chí Minh đạt 68 đơn. Trong số các đơn vị này, Cần Thơ là địa phương có sự gia tăng nhanh nhất (4 đơn năm 2019 so với 23 đơn năm 2020, tăng 475%).
Top 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng về đơn đăng ký sáng chế trong năm 2019-2020
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là ba đơn vị có số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích nhiều nhất trong cả nước với tổng số 2.309 đơn, chiếm 88,16% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích của top 10 chủ đơn Việt Nam (tổng top 10 là 2.619 đơn).
Top 10 địa phương có lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích giai đoạn 2011-2020
Đối với kiểu dáng công nghiệp, trong giai đoạn 2011-2020, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng đơn đăng ký nhiều nhất với 6.752 đơn, tiếp theo lần lượt là Hà Nội và Bình Dương với 3.945 và 742 đơn.
Top 10 địa phương đăng ký kiểu dáng công nghiệp giai đoạn 2011-2020
Trong số các đơn SHCN, nhãn hiệu là đối tượng được các địa phương nộp đơn đăng ký xác lập quyền nhiều nhất, chiếm hơn 93% tổng lượng đơn đăng ký SHCN của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục là hai đơn vị dẫn đầu, tiếp đến là Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Top 10 địa phương nộp đơn đăng ký nhãn hiệu giai đoạn 2011-2020
Vế số lượng đơn chỉ dẫn địa lý, tính từ năm 2001 (Cục bắt đầu nhận đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý) đến hết năm 2020 Cục Sở hữu trí tuệ nhận được 116 đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó số lượng đơn của Việt Nam là 109 đơn và của nước ngoài là 7 đơn.
Biểu đồ số lượng nộp đơn đăng ký Chỉ dẫn địa lý giai đoạn 2001-2020
Về chủ thể nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý chủ yếu bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp huyện/ thành phố trực thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các sở Khoa học và Công nghệ, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi chung là UBND/Sở); Chi cục phát triển nông thôn hoặc Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (gọi chung là Chi cục); Hiệp hội nghề nghiệp và Doanh nghiệp. Trong đó UBND/Sở là tổ chức nộp đơn nhiều nhất với 96 đơn, tiếp theo là Chi cục với 6 đơn, Hiệp hội với 5 đơn và Doanh nghiệp với 2 đơn.
Biểu đồ chủ thể nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý giai đoạn 2001-2020
Hai địa phương có số lượng nộp đơn nhiều nhất với 9 đơn gồm Yên Bái và Hà Giang, tiếp theo là các đơn vị Thanh Hoá, Bến Tre, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Biểu đồ các địa phương nộp từ 3 đơn đăng ký Chỉ dẫn địa lý giai đoạn 2001-2020
Về số Văn bằng bảo hộ SHCN, trong giai đoạn 2011-2020, Cục SHTT đã cấp 138.797 Văn bằng bảo hộ SHCN cho các địa phương trên cả nước, bao gồm 127.647 Giấy đăng ký nhãn hiệu, 9.165 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 1.985 Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích. Ví dụ về đối tượng nhãn hiệu, trong một giai đoạn khá dài Cục cấp ra số lượng dưới 15.000 văn bằng, nhưng trong hai năm gần nhất là 2019 và 2020 số lượng văn bằng cấp ra có sự tăng nhanh đáng kể (khoảng 25.000 văn bằng/năm), điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của Cục trong việc áp dụng các giải pháp để nâng cao tốc độ xử lý đầu ra cho các đơn xác lập quyền.
Biểu đồ số lượng Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp cho các Tỉnh/Thành phố trong giai đoạn 2011-2020
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương sở hữu số lượng Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích nhiều nhất cả nước, với lần lượt là 1.108 và 469 văn bằng, chiếm khoảng 74% tổng số Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích của cả nước. Tiếp đến là các địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An và Quảng Ninh.
Top 10 địa phương sở hữu Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích giai đoạn 2011-2020
Về Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, dẫn đầu vẫn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, trong TOP 10 Tỉnh/Thành phố có số lượng văn bằng nhiều nhất, Bình Dương là tỉnh có tốc độ tăng trưởng về số lượng văn bằng khá cao trong những năm này (tăng gần 100%), từ 54 văn bằng năm 2019 lên 96 văn bằng trong năm 2020.
Top10 địa phương sở hữu số lượng Bằng độc quyền KDCN giai đoạn 2011-2020
Tỷ lệ thuận với số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cũng được cấp nhiều nhất cho Thành phố Hồ Chí Minh với 56.807 Giấy chứng nhận và Hà Nội với 48.429 Giấy chứng nhận. Các tỉnh Bình Dương (4.175 Giấy chứng nhận), Long An (3.480 Giấy chứng nhận), Đồng Nai (2.921 Giấy chứng nhận) ghi nhận số lượng Giấy chứng nhận đáng kể phản ánh với lượng đơn nộp tương ứng.
Top10 địa phương sở hữu số lượng Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu giai đoạn 2011-2020
Số lượng Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cũng tăng trưởng tỷ lệ thuận với số lượng đơn xác lập quyền. Đặc biệt trong khoảng 6 năm gần đây số lượng tăng đều khoảng 50% mỗi năm. Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 06 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.
Biểu đồ số lượng Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý giai đoạn 2001-2020
Các địa phương được cấp ít nhất 02 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý trong giai đoạn 2001-2020 là 27 địa phương (chiếm 57,4%) trong tổng số 47 địa phương được cấp Giấy chứng nhận, trong đó dẫn đầu là Hà Giang với 8 Giấy chứng nhận, tiếp theo là Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Ninh…
Các địa phương có từ 2 Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý giai đoạn 2001-2020
Qua các số liệu thống kê về đơn đăng ký và số lượng Văn bằng bảo hộ được cấp cho thấy, tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký SHCN của các địa phương trong cả nước tương đối ổn định và có xu hướng đi lên. Riêng đối với sáng chế trong năm 2020 có sự gia tăng đột biến so với các năm khác. Số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chủ yếu tập trung ở hai Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, điều này có thể lý giải, vì đây là hai trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị lớn nhất cả nước, tập trung rất nhiều doanh nghiệp lớn, trường đại học và viện nghiên cứu.
Nhìn vào số lượng các văn bằng được cấp trong giai đoạn này, chúng ta thấy số lượng của các địa phương đều có sự tăng nhanh nhất là trong hai năm gần đây, trong bối cảnh gia tăng số lượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp tại Việt Nam.
Các con số tăng nhanh và ổn định gần đây cho thấy các nỗ lực của Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) nói chung cũng như việc khuyến khích tăng số lượng các đơn xác lập quyền sở hữu trí tuệ nói riêng đã có những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện việc tăng hạng liên tục trong các năm gần đây trong bảng xếp hạng (từ vị trí thứ 59 năm 2016 lên vị trí thứ 42 năm 2020)./.